Nhìn tài sản thành tro, vì sao các chủ xe cháy không kiện?

23/12/2011 12:18
(GDVN) - Không ít người đặt câu hỏi "Vì sao sau hàng loạt các vụ cháy xe, các chủ xe bỗng "im thin thít và lặn mất tăm", gây khó khăn trong công tác điều  tra?
Chứng kiến hàng loạt các vụ cháy xe máy, ô tô xảy ra thời gian gần đây, nhìn cảnh chủ nhân các xe bị cháy tỏ ra rất bức xúc, thẫn thờ vì khối tài sản bỗng chốc thành tro mà không rõ nguyên nhân, nhiều người nghĩ rằng, họ sẽ lập tức khiếu kiện đến cơ quan điều tra hay nhà sản xuất để tìm được câu trả lời thích đáng, thậm chí là đòi quyền lợi của mình. Tuy nhiên, diễn biến sau đó diễn ra hoàn toàn ngược lại: hầu như không có lá đơn nào được gửi thậm chí, chủ xe bỗng nhiên "im thin thít và lặn mất tăm", buộc cơ quan chức năng phải mất thời gian tìm kiếm khi tiếp cận hiện trường, điều tra vụ việc. Hoặc nếu có, một số người chỉ dừng lại ở việc gửi đơn khiếu nại lên hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng.
Nhìn tài sản thành tro, vì sao các chủ xe cháy không kiện? ảnh 1
Trong những trường hợp này, người tiêu dùng ngại kiện vì sợ mình
không có khả năng thắng kiện?

Trao đổi về hiện tượng này, luật sư Nguyễn Vượng Hải, Văn phòng luật sư Nguyễn Phúc nhận định: Dễ thấy, các vụ cháy xe đều xảy ra rất nhanh và đều được nhà sản xuất hứa sẽ tìm ra nguyên nhân nhưng nguyên nhân sự thực gần như chưa bao giờ được công bố. Pháp luật hiện hành của Việt Nam chưa có điều khoản nào qui định trách nhiệm của nhà sản xuất phải nghiên cứu, công bố nguyên nhân các hiện tượng này. Việc chưa công bố có thể là chưa tìm ra nguyên nhân hoặc có thể là tìm ra nhưng nhà sản xuất "lơ" đi. Thêm vào đó, theo luật sư Hải, điểm mấu chốt là ở tâm lý và tập quán sống của người Việt vốn ngại kiện tụng, va chạm với Công an, Tòa án hoặc do bận, mải làm ăn không có thời gian theo/hầu kiện. Ở đây không loại trừ thiếu niềm tin vào phần thắng sẽ thuộc về mình của người bị hại nên đa số  chủ nhân của những chiếc xe bị cháy đều không phát đơn kiện mặc dù trước đó mạnh miệng tuyên bố sẽ kiện nhà sản xuất nếu không có trả lời thỏa đáng. Mặt khác, trình độ dân trí chưa cao, trình tự thủ tục khởi kiện mang tính chuyên ngành, không phải người dân nào cũng rành rẽ nên tâm lý ngại kiện càng lớn hơn. Nếu người tiêu dùng muốn kiện nhà sản xuất cần chuẩn bị đầy đủ tài liệu chứng cứ chứng minh quyền khởi kiện, nội dung kiện… chú ý về quyền sở hữu tài sản, thời hiệu, giám định, định giá, quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Để tăng sức mạnh quyền của người tiêu dùng, theo luật sư Hải: Cộng đồng cần lên tiếng hoặc "tẩy chay" sản phẩm, nhà sản xuất nếu không thực hiện đúng việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của nhà sản xuất, đại lý. Nhà nước thể hiện thái độ bằng việc thiết lập hành lang pháp lý, xây dựng các thiết chế đủ mạnh, các chế tài nghiêm khắc để bảo vệ quyền lợi  người tiêu dùng. Mới đây, sau liên tiếp các vụ cháy liên quan đến các dòng xe của Honda, Honda Việt Nam đã đưa ra kết luận: nguyên nhân gây cháy không phải do chất lượng và đặc tính kỹ thuật của sản phẩm và cho đến thời điểm này vẫn chưa tìm ra vấn đề kỹ thuật nào của sản phẩm có thể dẫn đến những trường hợp cháy nổ xe. Mặc dù TGĐ Honda Việt Nam Koji Onishi luôn khẳng định sẵn sàng hợp tác, trình bày kết quả điều tra cho cơ quan công an nếu được yêu cầu song không ít người tiêu dùng lo lắng, "nếu vẫn tiếp tục không tìm ra nguyên nhân, vụ việc có bị chìm vào quên lãng trong khi người sử dụng xe máy vẫn cứ phải nơm nớp lo sợ mỗi khi "cưỡi" lên chiếc xe máy của mình.