Những “bẫy” quảng cáo của đại gia di động, siêu thị điện máy

15/07/2011 02:46
(GDVN) - Người tiêu dùng bị lôi cuốn bởi những lời quảng cáo hấp dẫn này rồi mới vỡ lẽ "Mình bị lừa...".

(GDVN) - Cùng với sự cạnh tranh gay gắt của các loại hình hàng hóa dịch vụ là các hình thức khuyến mãi kiểu đại hạ giá, hoặc chiêu quảng cáo "giật gân" đang ngày một nở rộ. Nhưng trong số đó, nhiều chiêu khuyến mãi lại câu khách bằng những cái bẫy “mập mờ” về điều kiện hưởng khuyến mãi. Người tiêu dùng bị lôi cuốn bởi những lời quảng cáo hấp dẫn rồi mới vỡ lẽ bị lừa...

>> Quảng cáo trên VTV: "Không nấu canh ngon thì chồng sẽ có bồ"?

>> Quảng cáo Comfort sáng tạo cổ vũ người Việt sinh thêm con thứ 3

Mập mờ thông tin khuyến mãi

Theo khảo sát của siêu thị Intimex, Fivimart, Metro Thăng Long, Trung tâm thương mại Vincom, Unimart... trong thời gian khuyến mãi, số hàng hóa tiêu thụ tăng từ 15 - 30% so với trước thời gian khuyến mãi. Đặc biệt là vào thời kì lạm phát, phải cắt giảm chi tiêu, khách hàng rất chú ý đến các cửa hàng có những biển hiệu: “Siêu giảm giá”, “Đại hạ giá”, “Sale off 50-70%”, “Mua hàng có quà tặng”. Theo các “thượng đế”, mua sắm tại các cửa hàng giảm giá sẽ có cơ hội “gom” được hàng giá rẻ, chất lượng tốt.

Đánh vào tâm lí đó, nhiều siêu thị điện máy, trung tâm phân phối hàng hóa đã tung ra hàng loạt các chương trình khuyến mãi kiểu “giờ vàng” với nhiều mặt hàng điện tử gia dụng được giảm giá đến 50%.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo các nhân viên bán hàng của siêu thị điện máy Topcare, thegioididong, những chương trình khuyến mãi như vậy thu hút rất đông lượng khách. Hàng hóa có giá rẻ nhưng số lượng có hạn, do đó mỗi khách hàng chỉ được phép mua một sản phẩm. Số lượng sản phẩm khuyến mãi và thông tin khuyến mãi đều được các nhân viên phổ biến cụ thể cho khách hàng.

Tuy nhiên, không phải siêu thị điện máy nào cũng nghiêm túc thực hiện theo đúng chương trình khuyến mãi như vậy. Hình thức “Giờ vàng” chỉ dùng để bốc thăm lựa chọn người được mua và số lượng máy dành cho khuyến mãi tại mỗi cửa hàng là rất ít. Nhưng thông tin về điều kiện khuyến mãi “giờ vàng” là bốc thăm trúng thưởng hay số lượng hàng giảm giá “hạn chế” lại vô tình bị “ẩn” đi trên các băng rôn quảng cáo.
“Hình thức giảm giá “giờ vàng” đánh vào lòng tham của khách hàng chứ đến vào giờ vàng mấy ai mua được, hoặc có mua thì họ nói số lượng khuyến mại đã hết hoặc chỉ còn vài chiếc, muốn mua cần làm phiếu bốc thăm bỏ vào chiếc thùng đã có sẵn hàng nghìn phiếu (không rõ nguồn gốc) nằm sẵn ở trong…”, anh Quang Huấn - một khách mua hàng tại Hà Nội, ngán ngẩm.   

Mới đây, Viettel cũng có chương trình khuyến mại “Gọi cả ngày chưa đến 1.000 đồng” được thực hiện từ ngày 14/6 đến hết ngày 30/6/2011. Chính sách này chỉ áp dụng cho các thuê bao hòa mạng trả sau tại một số tỉnh, thành phố. Thế nhưng, theo một số chủ thuê bao của mạng Viettel, sau khi hoàn tất thủ tục đăng kí, sử dụng dịch vụ rồi mới té ngửa, chính sách khuyến mãi khủng này có kèm theo một số điều kiện.

Theo đó, mức khuyến mãi miễn phí 10 phút mỗi cuộc chỉ áp dụng cho khách hàng thực hiện các cuộc gọi trong khoảng thời gian từ 0h sáng cho đến 17h chiều. "Thông tin đăng tải trên trang vio.vn không nói rõ điều này. Khi đăng ký dịch vụ, tôi nghĩ rằng chính sách khuyến mãi áp dụng cho tất cả các giờ trong ngày. Do vậy, các cuộc gọi của tôi phát sinh ngoài giờ khuyến mãi đã bị tính tiền với giá cước thông thường", một khách hàng phàn nàn.

Khách hàng cần kiểm chứng thông tin


Với sự bùng nổ của Internet và thông tin, các doanh nghiệp đua nhau tung các chiêu thức khuyến mại gây sốc như: Giảm giá 83%, phát 100 vé miễn phí mỗi ngày, hay ưu đãi cước di động một năm...Nhưng sau khi tiếp cận, người tiêu dùng mới vỡ lẽ, nhiều người tỏ ra thất vọng và không ít người tỏ ra bức xúc vì cho rằng mình đã bị lừa. Có rất nhiều điều kiện ràng buộc người tiêu dùng trong những hình thức khuyến mại như thế này nhưng hầu như các thông tin ràng buộc đó không được tiết lộ cho khách hàng cho tới khi khách hàng tìm mua sản phẩm.

Tình trạng nhiều chương trình khuyến mãi mập mờ gây nhầm lẫn cho khách hàng hiện khá phổ biến. Các đơn vị, cửa hàng treo băng rôn, biển thông báo giảm giá nhưng không thông báo giá thời điểm trước và sau khi áp dụng khuyến mãi cũng khiến khách hàng như bị lạc vào mê cung. Cũng giống như chương trình khuyến mãi trên của Viettel, đại diện của nhà mạng này cho biết, chương trình khuyến mãi nào cũng có những điều kiện ràng buộc cụ thể.

Tuy nhiên, do biên tập sơ suất nên thông tin về điều kiện khuyến mãi cho phép gọi miễn phí từ 0h đến 17h đã bị cắt đi khi đăng tải trên trang web bán hàng trực tuyến Vio của Viettel gây ra hiểu lầm cho khách hàng. Nhà mạng có tổng đài 19008198 để giải đáp mọi thắc mắc cho thuê bao. Do đó, mỗi khi có thông tin về khuyến mại, khách hàng nên gọi điện đến tổng đài để hỏi rõ hơn về những thông tin cụ thể, điều kiện được hưởng khuyến mại.

Điều 6 Pháp lệnh Quảng cáo quy định: "Thông tin quảng cáo về hoạt động kinh doanh, hàng hóa, dịch vụ phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người kinh doanh, sản xuất và người tiêu dùng". Pháp lệnh này cũng cấm quảng cáo gian dối. Tuy nhiên, hầu hết các quảng cáo "một nửa sự thật" đều không sai mà chỉ không đầy đủ thông tin. vì bản chất của quảng cáo chỉ đưa thông tin cơ bản cho người tiêu dùng, ai quan tâm, có nhu cầu thì gọi điện thoại đến tận nơi để liên hệ, kiểm chứng thông tin.

Khách hàng có quyền tìm hiểu chi tiết về điều kiện để hưởng lợi ích, ưu đãi của các chương trình rồi mới ra quyết định sử dụng hay không chứ không chỉ nghe quảng cáo là đủ. Quảng cáo như thế nào là chuyện của doanh nghiệp. Nếu quảng cáo của doanh nghiệp che đậy thông tin làm khách hàng bực mình thì chính doanh nghiệp sẽ chịu thiệt thòi về uy tín. Tự doanh nghiệp sẽ điều chỉnh thông tin và tự người tiêu dùng biết đánh giá quảng cáo.

Đức Trung

>> Tổng cục Dân số yêu cầu VTV sửa quảng cáo cổ vũ sinh con thứ 3

>> Quảng cáo trên VTV: "Không nấu canh ngon thì chồng sẽ có bồ"?

>> Quảng cáo Comfort sáng tạo cổ vũ người Việt sinh thêm con thứ 3