Những chính sách kinh tế quan trọng có hiệu lực trong tháng 5

08/05/2017 09:03
Diệu Linh
(GDVN) - Quy định thẩm tra tài chính địa phương; Quy định vay tín dụng đầu tư nhà nước... sẽ có hiệu lực trong tháng 5/2017.

Lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 5 năm địa phương

Quy chế lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 5 năm địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm địa phương, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm địa phương, dự toán và phân bổ ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương hằng năm đã được Chính phủ ban hành tại Nghị định 31/2017/NĐ-CP ngày 23/03/2017 và có hiệu lực từ ngày 10/05/2017.

Quyết toán ngân sách địa phương phải chính xác, đầy đủ, hiệu quả, ngân sách cấp huyện, xã không được quyết toán chi ngân sách lớn hơn thu ngân sách. ảnh: TTXVN.
Quyết toán ngân sách địa phương phải chính xác, đầy đủ, hiệu quả, ngân sách cấp huyện, xã không được quyết toán chi ngân sách lớn hơn thu ngân sách. ảnh: TTXVN.

Quy chế này quy định nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân trong việc tổ chức lập, các Ban thuộc Hội đồng nhân dân xem xét, thẩm tra, Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định hoặc cho ý kiến đối với các báo cáo:

1. Trình Hội đồng nhân dân quyết định: Kế hoạch tài chính 5 năm địa phương; kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm địa phương; dự toán và phân bổ ngân sách địa phương hàng năm; nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ ngân sách địa phương; tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương.

Điều chỉnh kế hoạch tài chính 5 năm địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm địa phương, dự toán ngân sách địa phương hằng năm; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; thu phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và các khoản đóng góp của nhân dân theo quy định của pháp luật.

Các chế độ chi ngân sách đối với một số nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù ở địa phương ngoài các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.

2. Trình Hội đồng nhân dân tham khảo về kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm địa phương khi xem xét, quyết định dự toán và phân bổ ngân sách địa phương.

3. Trình Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định phân bổ, sử dụng số tăng thu và tiết kiệm chi của ngân sách địa phương.

Điều kiện cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước

Theo Nghị định 32/2017/NĐ-CP ngày 31/03/2017 về tín dụng đầu tư của Nhà nước có hiệu lực từ 15/05/2017, mức vốn cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước tối đa đối với mỗi dự án bằng 70% tổng mức vốn đầu tư của dự án (không bao gồm vốn lưu động).

Lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước bằng mức lãi suất bình quân gia quyền của các mức lãi suất trúng thầu trái phiếu Ngân hàng Phát triển Việt Nam được Chính phủ bảo lãnh kỳ hạn 5 năm trong thời hạn 1 năm trước thời điểm công bố lãi suất theo quy định tại Nghị định này cộng (+) tỷ lệ chi phí quản lý hoạt động và dự phòng rủi ro của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Để được vay tín dụng đầu tư của Nhà nước, khách hàng phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

1- Thuộc đối tượng cho vay;

2- Có đầy đủ năng lực pháp luật và thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định;

3- Dự án đầu tư xin vay vốn được Ngân hàng Phát triển Việt Nam thẩm định, đánh giá là dự án có hiệu quả, có khả năng trả được nợ vay;

4- Có vốn chủ sở hữu tham gia trong quá trình thực hiện dự án tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư dự án, mức cụ thể do Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định phù hợp với khả năng tài chính của chủ đầu tư và phương án trả nợ của dự án, trừ trường hợp các dự án đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định;

5- Thực hiện bảo đảm tiền vay theo các quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật;

6- Khách hàng không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng tại thời điểm Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét cho vay, giải ngân vốn vay;

7- Mua bảo hiểm tài sản tại một doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động hợp pháp tại Việt Nam đối với tài sản bảo đảm tiền vay;

8- Khách hàng thực hiện chế độ hạch toán kế toán, báo cáo tài chính và kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm theo quy định của pháp luật.

Phạt vi phạm hành chính lĩnh vực tài nguyên nước, khoáng sản tới 2 tỷ đồng

Theo Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03/04/2017 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản có hiệu lực từ 20/05/2017, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước là 250 triệu đồng đối với cá nhân, 500 triệu đồng đối với tổ chức.

Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản là 1 tỷ đồng đối với cá nhân, 2 tỷ đồng đối với tổ chức.

Quản lý thuế đối với giao dịch liên kết

Có hiệu lực từ ngày 01/05/2017, Nghị định 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 quy định nguyên tắc, phương pháp, trình tự, thủ tục xác định giá giao dịch liên kết; nghĩa vụ của người nộp thuế trong kê khai, xác định giá của giao dịch liên kết và kê khai nộp thuế; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý, kiểm tra, thanh tra thuế đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết.

Quản lý sản xuất, kinh doanh muối

Nghị định số 40/2017/NĐ-CP ngày 05/04/2017 quy định về quản lý sản xuất, chế biến, kinh doanh muối có hiệu lực từ 20/05/2017.

Theo đó, sản phẩm muối khi đưa ra lưu thông trên thị trường phải đảm bảo chất lượng theo công bố hợp chuẩn, hợp quy đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; có bao bì, nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa và an toàn thực phẩm (trừ muối công nghiệp).

Tăng mức phạt đối với hành vi vi phạm trong hoạt động thủy sản

Có hiệu lực từ ngày 20/05/2017, Nghị định số 41/2017/NĐ-CP  ngày 05/04/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2013/NĐ-CPngày 12/9/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản theo hướng điều chỉnh tăng mức phạt đối với một số hành vi vi phạm.

Quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trên vùng biển, đảo và thềm lục địa Việt Nam

Nghị định số 23/2017/NĐ-CP  ngày 13/03/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 162/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có hiệu lực từ 01/05/2017.

Theo Nghị định số 23/2016/NĐ-CP, sẽ phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với tàu ngầm, phương tiện đi ngầm của nước ngoài không treo cờ quốc tịch khi hoạt động trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam, trừ trường hợp được phép của Chính phủ hoặc theo thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ của quốc gia mà có tàu thuyền đó mang quốc tịch.

Diệu Linh