Những phát ngôn gây "sốc" và cách kiếm tiền của Trương Đình Anh

19/08/2012 07:27
P.T (Tổng hợp)
(GDVN) - Ông Trương Đình Anh, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT luôn là tuýp người gây nhiều tranh cãi không chỉ trong nội bộ của FPT mà còn trong giới doanh nhân.
Ước mơ 40 tuổi làm Thủ tướng? Năm 1997, Trương Đình Anh trở thành người nổi tiếng nhất FPT và cũng là người nổi tiếng nhất trong số 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu được bình chọn. Ông từng có ước mơ là trở thành tỷ phú năm 35 tuổi và trở thành Thủ tướng năm 40 tuổi”. Câu tuyên ngôn của vị doanh nhân trẻ gây nhiều ồn ào, có người khen anh dám nghĩ, dám làm. Nhưng đại đa số nhiều người chê bai cho rằng quá ngạo mạn. Đã 15 năm trôi qua, nhưng hiện tại, Trương Đình Anh chỉ thực hiện được 1 nửa lời hứa của mình là trở thành một tỷ phú. Còn giấc mơ làm Thủ tướng của ông vẫn chưa thực hiện được mặc dù ông đã bước sang tuổi 43. Trong sinh nhật lần thứ 40 của mình, nhiều người hỏi ông về câu chuyện làm Thủ tướng thì Trương Đình Anh lại trả lời rằng “Mình dạo này an phận thủ thường làm doanh nhân. Vì vậy mình không muốn xuất hiện trên diễn đàn tranh luận...”.
Trương Đình Anh nổi tiếng với tuyên bố 40 tuổi làm Thủ tướng
Trương Đình Anh nổi tiếng với tuyên bố 40 tuổi làm Thủ tướng
Tháng 2/2011, ông Trương Đình Anh được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc FPT. Ngay sau khi nhậm chức, vị tân TGĐ này đã  tuyên bố nêu rõ mục tiêu của FPT phải hướng tới việc tăng trưởng gấp 4 lần vào năm 2014. “Ngay trong năm nay (2011), ngay trong quý tới đây, chúng ta phải hành động để vươn tới mục tiêu tăng trưởng 30%/năm và đẩy tốc độ tăng trưởng lên trên 40%/năm trong những năm tới” – ông nói. Trong khi đó, FPT chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 19% trong năm 2011.   Sau gần 2 năm ông thực thi mạnh mẽ tái cấu trúc tập đoàn và có những phát ngôn rất cứng rắn: những chỗ nào chồng chéo, không cần thiết thì phải cắt. Trong đó vấn đề dư luận quan tâm nhất là việc tập đoàn này tuyên bố ngừng kế hoạch đầu tư vào EVN Telecom và một trong những nhiệm vụ quan trọng của ban điều hành FPT là lấy lại tiền đặt cọc trên 700 tỷ đồng của thương vụ EVN Telecom. Trong tập đoàn FPT, Trương Đình Anh là người có nhiều người ngưỡng mộ nhưng cũng có nhiều người ghét bỏ.  Ông là người đầu tiên trong tập đoàn mua ô tô riêng (Mazda 323). Trương Đình Anh từng nói: “Các ông Giám đốc khác thì có đủ thứ để mê như chơi tennis, đánh golf, nhậu nhẹt... Tôi thì không có những sở thích đó. Tôi thích ô tô và tôi mua chiếc xe mình thích. Thế thôi”. Ông từng chia sẻ rằng “Tôi dự kiến trong tương lai, khi rời khỏi việc điều hành doanh nghiệp sẽ quyên phần lớn tài sản của mình vào một Quỹ và dành toàn bộ thời gian để phát triển và phục vụ cho nhiều lợi ích xã hội”.Phú Mỹ Hưng nơi “vơ tiền” của Trương Đình Anh Năm 2008, nhiều người được nghe chia sẻ về nguồn tiền kiếm được của Trương Đình Anh qua blog cá nhân của ông. Ông chia sẻ mình kiếm được tiền ban đầu là đầu tư mạo hiểm vào bất động sản Phú Mỹ Hưng, Sài Gòn. “Là những người tiên phong, chúng tôi đã cầm đầu trong hầu hết các trào lưu đầu tư ở Phú Mỹ Hưng (PMH). Chúng tôi bỏ tiền vào hàng loạt biệt thự xây sẵn, đất nền, căn hộ, cửa hàng ở chân các cao ốc, rồi biệt thự Phú Gia. Chúng tôi trở thành những tình nguyện viên của PMH. Đến nay, dù đã bán đi phần nhiều các bất động sản ở PMH nhưng tuần nào cũng có người gọi điện cho bà xã tôi để hỏi mua nhà. Chiến dịch đầu tư hay hiệu quả nhất ở Phú Mỹ Hưng được tôi gọi là "gieo hạt". Với 100 ngàn USD vào năm 2001, tôi có thể bỏ tiền vào một chục hợp đồng bất động sản, mỗi hợp đồng chỉ đặt cọc 10 - 15% - như nhà nông gieo hạt. 12 tháng sau, giá bất động sản có thể tăng gấp đôi hoặc hơn thế. Chúng tôi gặt lúa bằng cách bán lại các hợp đồng và có thể thu lợi gấp 10 - 20 lần trên số vốn bỏ ra.
Phú Mỹ Hưng là nơi kiếm tiền tay trái của Trương Đình Anh
Phú Mỹ Hưng là nơi kiếm tiền tay trái của Trương Đình Anh
Giá đất đã tăng từ 200 - 300 USD/m2 vào năm 2001 lên 6,000 - 8,000 USD/m2 vào cuối năm 2007 đã cho thấy cơ hội lớn lao ở PMH. Tôi kết thân với nhiều lãnh đạo PMH, tôi rất khâm phục tầm nhìn của họ khi quyết định xây dựng cả một khu đô thị mới hiện đại từ một mảnh đất toàn đầm lầy và lau sậy. Với một cách tiếp cận dài hơi, một quyết tâm sắt đá, họ đã tạo ra một môi trường sống có thể nói là tốt nhất Việt Nam. PMH đã dành những quỹ đất lớn cho cây xanh, cho trường học, bệnh viện và rất nhiều tiện ích công cộng. PMH đã lôi kéo được những người thành đạt chuyển về đây sinh sống. Chính những khách hàng của PMH như tôi đã góp phần tạo nên giá trị cộng đồng nhân văn của khu đô thị mới - điều mà chưa nơi nào ở Việt Nam làm được. Đầu tư ở PMH, đối với tôi không chỉ là một thương vụ lời lỗ đơn thuần mà là một cuộc chơi thú vị. Tôi hay nói đùa với bạn bè là đầu tư ở PMH, giống như nuôi con cá vàng, làm cho cuộc đời vui vẻ hơn và nếu may mắn, có nhiều người yêu cá vàng thì đó là một khoản đầu tư sinh lời”. Nhưng đối với Trương Đình Anh, thành công lớn nhất của ông chính là việc đầu tư vào FPT khi công ty này cổ phần hóa. “Tôi đầu tư vào FPT đầy hứng thú như khi đầu tư vào PMH. Hơn PMH, ở FPT, tôi được quyền góp sức, được quyền “cày cấy”, chăm bẵm cánh đồng của mình và chờ đến ngày lúa chín. Tôi tâm niệm, khi dốc sức vào việc gì, dù việc đó có thể không thành công thì đó luôn là những quãng thời gian đáng nhớ.”
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những ý kiến của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thểBẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
P.T (Tổng hợp)