Những sự cố tiêu dùng đáng chú ý tuần qua

01/07/2013 12:21
T.Phạm (th)
(GDVN) - Tuần qua, hàng trăm nghìn đơn vị mỹ phẩm nhập lậu bị phát hiện. Bên cạnh đó, một số lượng lớn "hàng hiệu" Trung Quốc tuồn vào Việt Nam bị bắt giữ, búp bê Trung Quốc bán tràn lan nghi ngờ chứa chất độc hại... khiến người tiêu dùng lo lắng.
1. "Hàng hiệu" có giá vài ngàn đồng

Theo báo Người lao động đưa tin, vào lúc 15 giờ 30 ngày 26/6, tổ công tác Y4/141 - Công an TP Hà Nội do Thượng úy CSGT Lê Văn Tiến thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch 141 tại ngã tư Nguyễn Văn Linh - Sài Đồng, phát hiện xe ô tô mang biển kiểm soát 30Y-4703 có dấu hiệu vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải. Tổ công tác đã ra hiệu lệnh dừng xe để tiến hành kiểm tra.

Qua công tác kiểm tra, lực lượng công an đã phát hiện một số lượng lớn hàng hóa mang nhãn hiệu của những hãng nổi tiếng nhưng giá chỉ từ 2 triệu đồng cho đến vài ngàn đồng. Máy điều hòa hiệu Panasonic có giá 2 triệu đồng, quần bò hiệu Lacoste giá chỉ 7.000 đồng. Thậm chí những chiếc kính thời trang hay những chiếc ví da, túi xách có gắn mác của những thương hiệu lớn giá chỉ vài ngàn đồng. Tất cả những mặt hàng nói trên không có tem phụ Tiếng Việt.

Kính "hàng hiệu" Gucci có giá chỉ vài ngàn đồng.
Kính "hàng hiệu" Gucci có giá chỉ vài ngàn đồng.

Số hàng thu giữ được gồm 20 bộ điều hòa, gần 3.000 kính thời trang, 350 ví da, trên 1.000 quần bò nam nữ các loại, gần 20.000 sản phẩm đồ lót phụ nữ, 60 lọ mỹ phẩm không rõ nguồn gốc mang nhãn Trung Quốc và nhiều loại sản phẩm khác.

Tổ công tác đã tiến hành bàn giao người, phương tiện cùng số hàng hóa trên xe cho Đội Quản lý kinh tế và chức vụ, Công an quận Long Biên tiếp tục điều tra làm rõ.

2. Đá viên, nước tinh khiết bẩn bán tràn lan

Theo thông tin đã đưa trên báo Công thương, đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP TP.Hà Nội đã kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất đá sạch Ngọc Hường (xã Trung Văn, Từ Liêm), phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng về vấn đề đảm bảo vệ sinh trong sản xuất. Tại thời điểm kiểm tra, do chủ cơ sở sản xuất vắng mặt nên chưa xuất trình được hồ sơ, giấy phép hay chứng nhận nào liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Tuy nhiên, trước thực trạng điều kiện sản xuất của cơ sở không đảm bảo, đoàn kiểm tra đã lập biên bản tạm đình chỉ sản xuất, kinh doanh. Được biết, cơ sở này đã hoạt động hơn 1 năm nay, vào mùa hè trung bình mỗi ngày sản xuất 7 - 8 tấn đá viên. 

Khó kiểm soát chất lượng đá viên từ những cơ sở sản xuất tư nhân.
Khó kiểm soát chất lượng đá viên từ những cơ sở sản xuất tư nhân.

Tại quận Cầu Giấy, Sở Y tế và Đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP cũng đã đình chỉ 2 cơ sở sản xuất nước tinh khiết đóng bình, chai do không đảm bảo điều kiện vệ sinh.

Những cơ sở này vẫn hoạt động sôi nổi, đắt khách bởi có lợi thế cạnh tranh là giá rẻ, chỉ khoảng 10.000 - 15.000 đồng/bình. Trong khi đó, sản phẩm nước đóng bình của những thương hiệu lớn, có uy tín như LaVie, Vital…, hiện giá bán lẻ dao động từ 35.000 - 55.000 đồng/bình. 

Theo PGS.TS Phan Thị Sửu - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật ATVSTP (Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam), để đảm bảo chất lượng, quy trình sản xuất nước đóng bình phải qua 6 bước. Nếu làm đúng quy trình này thì nước đóng bình đến tay người tiêu dùng không thể có giá trên dưới 10.000 đồng/bình 19 lít được. 

3. Búp bê Trung Quốc nghi ngờ chứa chất độc hại

Ngày 26/6, trên báo Pháp luật TPHCM cho biết, ông Trần Văn Xiêm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa miền Nam, cho hay: Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ vừa triển khai đợt kiểm tra đồ chơi trẻ em trên phạm vi toàn quốc. Các đoàn kiểm tra sẽ tập trung đồ chơi có nguồn gốc từ Trung Quốc, trong đó có loại búp bê Lovely Girl.

Theo đó, thông tin của Bộ Y tế Cộng hòa Czech cũng cảnh báo loại búp bê Lovely Girl của Trung Quốc làm từ vật liệu chứa chất phthalates độc hại. Theo tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu, đồ chơi được coi là không an toàn nếu phthalates chiếm trên 0,1% trọng lượng sản phẩm. Trong khi loại búp bê nói trên chứa phthalates chiếm hàm lượng 13,8% trọng lượng sản phẩm.

Búp bê Lovely Girl của Trung Quốc nghi ngờ chứa chất độc hại đang bán nhiều ở TP.HCM.
Búp bê Lovely Girl của Trung Quốc nghi ngờ chứa chất độc hại đang bán nhiều ở TP.HCM.

Khảo sát cùng ngày cho thấy búp bê Lovely Girl của Trung Quốc sản xuất bày bán rất nhiều ở TP.HCM với giá khoảng 60.000 đồng/hộp (gồm 1-4 búp bê). Người bán cho biết do giá rẻ, đẹp mắt nên búp bê Trung Quốc bán khá chạy. Các hộp đồ chơi búp bê này được một công ty ở quận 7 (TP.HCM) nhập khẩu và phân phối, có dán dấu hợp quy CR và nhãn phụ hẳn hoi.

Theo TS Trần Ngọc Quyển, Phó Trưởng phòng Vật liệu hóa dược (Viện Khoa học vật liệu ứng dụng), phthalates là chất hóa dẻo, cực kỳ nguy hiểm với trẻ em như gây loãng xương, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi, dạ dày, thiếu máu, suy giảm trí tuệ, viêm gan, suy thận, teo thận, rối loạn giấc ngủ... Các độc tố trên không gây độc tính cấp mà được tích tụ và phát bệnh sau nhiều năm tích lũy.

4. Phát hiện kho mỹ phẩm lậu số lượng lớn

Như thông tin đã đưa trên báo Hải quan, ngày 26/6, lực lượng Quản lý thị trường huyện Bình Chánh đang tiến hành kiểm đếm số lượng lớn mỹ phẩm lậu vừa phát hiện tại một kho hàng ở huyện Bình Chánh với số lượng ước tính lên đến hàng trăm ngàn đơn vị sản phẩm.

Cụ thể, ngày 19/6, Đội Quản lý thị trường huyện Bình Chánh đã tiến hành kiểm tra tại địa chỉ số 64, đường số 18, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh và phát hiện một nhà kho lớn chứa hóa mỹ phẩm với số lượng ước tới hàng trăm ngàn đơn vị sản phẩm ngoại nhập với nhiều chủng loại và nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như Dove, Mousavon, Snave, AquafreshTresemmé... có xuất xứ từ Trung Quốc, Anh, Pháp, Malaysia... nhưng không có chứng từ hợp lệ.

Phát hiện một kho hàng mỹ phẩm lậu ở huyện Bình Chánh với số lượng ước tính lên đến hàng trăm ngàn đơn vị sản phẩm.
Phát hiện một kho hàng mỹ phẩm lậu ở huyện Bình Chánh với số lượng ước tính lên đến hàng trăm ngàn đơn vị sản phẩm.

Theo một cán bộ Đội Quản lý thị trường huyện Bình Chánh, đây một vụ vi phạm về thị trường nghiêm trọng với số lượng rất lớn. Trong thời gian từ ngày 19/6 đến nay, lực lượng của Đội phải làm việc hết sức vất vả nhưng mới chỉ có thể tháo bỏ niêm phong và kiểm tra được hơn 300 thùng cát tông với hơn 100 ngàn đơn vị sản phẩm. Ước tính tổng số mỹ phẩm bị thu giữ của kho hàng này có thể đến hàng trăm ngàn đơn vị sản phẩm.

5. Cà phê rởm trộn từ bột đậu nành và phụ gia

Báo Pháp luật TP.HCM đưa tin, công an thành phố Thanh Hóa vừa phối hợp với Đội quản lý thị trường số 1 kiểm tra cơ sở sản xuất cà phê Xuân Vinh do Cao Minh Hải (phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa) làm chủ.

Đoàn kiểm tra liên ngành đang kiểm tra cơ sở cà phê Xuân Vinh.
Đoàn kiểm tra liên ngành đang kiểm tra cơ sở cà phê Xuân Vinh.

Tại đây, các cơ quan chức năng đã lập biên bản thu giữ 114 túi cà phê thành phẩm có trọng lượng 500g một túi; 327kg đậu nành, 438kg nhãn mác, túi đóng gói cà phê mang tên Xuân Vinh, 43kg cà phê hạt, 127kg phụ gia gồm nhiều loại như đường phèn Trung Quốc, vani và một máy hàn túi.

Chủ cơ sở không xuất trình được giấy phép kinh doanh sản xuất cà phê cũng như không có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Hải khai nhận, nhận thấy chế cà phê giả khá dễ dàng lại có lợi nhuận lớn nên đã tự đi mua hạt cà phê, đậu nành đem về rang sấy, nghiền nhỏ rồi trộn lẫn với các loại phụ gia.

Anh ta đóng cà phê rởm vào túi đem bán cho các quán cà phê trên địa bàn thành phố Thanh Hóa. Mỗi kg, Hải thu từ 70.000 đến 120.000 đồng. Toàn bộ số cà phê đã bị thu giữ để giám định chất lượng.

T.Phạm (th)