Nợ ngập đầu, lãnh đạo Tập đoàn Than - Khoáng sản vẫn ung dung hưởng lương cao

06/04/2017 08:35
Mai Anh
(GDVN) - Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhà nước không thể trả thay khoản nợ hàng chục nghìn tỷ đồng của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam.

Làm ăn bết bát vẫn hưởng lương cao

Báo cáo kết quả thanh tra của Thanh tra Bộ Tài chính về tình hình kinh doanh của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và 5 công ty thành viên, cho thấy hoạt động đầu tư tài chính của nhiều đơn vị thuộc tập đoàn đang rơi vào thua lỗ.

Cụ thể có tới 3/6 doanh nghiệp đầu tư tài chính dài hạn chưa hiệu quả.

Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam cũng đầu tư vào 59 công ty con, công ty liên kết nhưng có 9 công ty kinh doanh thua lỗ trong năm 2015, lũy kế đến 31/12/2015 thì có 11 công ty lỗ hơn 1.407 tỉ đồng.

Đến thời điểm thanh tra, tập đoàn đã thoái vốn Nhà nước tại 13/17 đơn vị nhưng vẫn còn 4 đơn vị chưa thực hiện thoái vốn.

Trụ sở Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam tại Quảng Ninh - ảnh nguồn: Báo Xây dựng.
Trụ sở Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam tại Quảng Ninh - ảnh nguồn: Báo Xây dựng.

Về tình hình tài chính của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam năm 2015, tổng tài sản của tập đoàn đến cuối năm 2015 đạt 138.526 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu 38.182 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm 478 tỉ  đồng.

Tổng nợ phải trả của tập đoàn này lên tới 100.343 tỉ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn 37.609 tỉ  đồng, nợ dài hạn lên tới 62.734 tỉ đồng.

Đáng nói dù kết quả làm ăn bết bát nhưng theo thông tin Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam công bố mức tiền lương dành cho viên chức quản lý năm 2015 của tập đoàn này không phải thấp.

Cụ thể, mức lương của Chủ tịch Hội đồng quản trị - Lê Minh Chuẩn là 626 triệu đồng, bình quân đạt 52,2 triệu đồng/tháng.

Tổng giám đốc Đặng Thanh Hải có lương bình quân 50,7 triệu đồng/tháng, (609 triệu đồng cả năm).

Bốn thành viên Hội đồng quản trị là ông Nguyễn Văn Hải, Phạm Văn Mật, Vũ Thanh Lâm, Nguyễn Chiến Thắng đều có lương 556 triệu đồng, bình quân 46,4 triệu đồng/tháng.

Các vị trí Phó tổng giám đốc và các kiểm soát viên có lương bình quân 41-48 triệu đồng/tháng.

Tổng quỹ lương chi trả cho 22 lãnh đạo chủ chốt của tập đoàn khoảng 14,4 tỷ đồng mỗi năm.

Trước nghịch lý làm ăn thua lỗ, nợ nần nhưng lãnh đạo vẫn ung dung hưởng lương cao, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nghịch lý này (hưởng lương cao nhưng doanh nghiệp thua lỗ - PV) chỉ diễn ra tại doanh nghiệp nhà nước.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - ảnh: H.Lực/giaoduc.net.vn
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - ảnh: H.Lực/giaoduc.net.vn

Tiến sĩ Hiếu cho biết, mức lương của lãnh đạo Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam khoảng từ 40 triệu đến hơn 50 triệu đồng/tháng tức trên dưới 2.000 USD/tháng không phải là cao nếu so với vị trí lãnh đạo các doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân, lãnh đạo các ngân hàng…

“Tuy nhiên, vấn đề là rất nhiều doanh nghiệp nhà nước áp dụng mức lương cố định không thay đổi theo lợi nhuận hoặc lỗ. Ngoài ra còn hưởng khoản thưởng theo kết quả kinh doanh. 

Với cơ chế hiện nay, lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước có thể ung dung hưởng lương cao dù doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả.

Nếu doanh nghiệp hiệu quả họ có thêm thưởng còn không hiệu quả vẫn được hưởng lương cao”, Tiến sĩ Hiếu đánh giá.

Tiến sĩ Hiếu cho rằng, mức lương phải tương xứng với hiệu quả điều hành làm việc. Các tập đoàn kinh tế tư nhân sẵn sàng trả số tiền lương lãnh đạo doanh nghiệp vài trăm triệu đồng/tháng nếu điều hành doanh nghiệp hiệu quả lãi lớn.

Nợ ngập đầu, lãnh đạo Tập đoàn Than - Khoáng sản vẫn ung dung hưởng lương cao ảnh 3

Tập đoàn Than - Khoáng sản nợ ngập đầu, ai chịu trách nhiệm?

Theo Tiến sĩ Hiếu mức lương, thưởng với lãnh đạo doanh nghiệp doanh nghiệp nhà nước nên theo hướng mở, dựa vào hiệu quả công việc mang lại chứ không phải giữ cố định.

Với mức lương cố định dễ tạo sức ỳ và tâm lý “hưởng thụ” cứ đến tháng lương vào tài khoản.

Trở lại vấn đề lương lãnh đạo Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nên áp dụng trả theo phần trăm.

Ví dụ vẫn mức lương ấy nhưng mỗi tháng chỉ trả khoảng 80% sau đó cuối năm dựa trên kết quả kinh doanh để tính toán nếu doanh nghiệp hiệu quả trả đủ lương, nếu thua lỗ có thể xem xét lại.

Nhà nước không thể gánh nợ

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khai thác khoáng sản phụ thuộc vào hai yếu tố: Thứ nhất là chi phí khai thác.

Chi phí khai thác phụ thuộc vào hiệu quả khai thác, doanh nghiệp khai thác được nhiều hay ít dựa vào công nghệ kỹ thuật áp dụng, dựa vào quản trị con người.

Nếu không kiểm soát được chi phí khai thác doanh nghiệp khó có lãi.

Thứ hai, phụ thuộc vào giá khoáng sản của thế giới và chất lượng khoáng sản Việt Nam khi xuất khẩu đi các nước.

“Than Việt Nam có thị trường tiêu thụ tuy nhiên chất lượng xuất khẩu thấp hơn các nước. Cũng giống như dầu mỏ chúng ta mới xuất khoáng sản dạng thô nên giá trị chưa cao. Cùng với việc giá than trên thế giới bấp bênh dẫn đến Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam thua lỗ”, Tiến sĩ Hiếu đánh giá.

Trong hai yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh theo Tiến sĩ Hiếu yếu tố chi phí khai thác doanh nghiệp hoàn toàn có kiểm soát được bằng việc đầu tư công nghệ hiện đại. Đồng thời cơ cấu lại bộ máy lao động để tăng hiệu quả.

“Một bộ máy cồng kềnh với đủ phòng ban như mô hình tại nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước hiện nay chỉ làm tăng quỹ lương của doanh nghiệp, gây khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Hiếu nói.

Theo Tiến sĩ Hiếu yếu tố chi phí khai thác doanh nghiệp hoàn toàn có kiểm soát được bằng việc đầu tư công nghệ hiện đại - ảnh nguồn VOV.
Theo Tiến sĩ Hiếu yếu tố chi phí khai thác doanh nghiệp hoàn toàn có kiểm soát được bằng việc đầu tư công nghệ hiện đại - ảnh nguồn VOV.

Đưa ra giải pháp giải quyết khoản nợ hơn 100 nghìn tỷ đồng với Tập đoàn Than - Khoáng sản theo ông Hiếu là điều không dễ.

Ông Hiếu cho rằng, Tập đoàn Than - Khoáng sản chỉ có thể dựa vào sự "giải cứu" của nhà nước hoặc xin tăng trữ lượng khai thác để bù lỗ. Tuy nhiên, cả hai phương án này đều không hiệu quả.

“Trừ khoản vay của Tập đoàn Than - Khoáng sản do nhà nước bảo lãnh còn lại không thể lại lấy ngân sách để trả nợ thay doanh nghiệp.

Tương tự nếu tăng khai thác khoáng sản để bù lỗ sẽ ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên quốc gia.

Lúc này, Tập đoàn Than - Khoáng sản chỉ có thể trao đổi với chủ nợ để cơ cấu lại các khoản nợ, xin giãn nợ để trả dần”, ông Hiếu cho biết.

Để giải quyết yếu kém doanh nghiệp nhà nước nói chung và Tập đoàn Than - Khoáng sản theo ông Hiếu nên cho tư nhân hóa vấn đề khai thác khoáng sản. 

“Trước mắt có thể nhà nước vẫn giữa vấn đề khai thác khoáng sản nhưng nên giao tư nhân sơ chế, tạo sản phẩm tinh và tìm thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên tiến tới nên để tư nhân làm, tư nhân làm nhà nước vẫn có thể kiểm soát được dựa trên quy định của pháp luật.

Để tư nhân làm hiệu quả sẽ cao hơn và thu gọn lại bộ máy cồng kềnh doanh nghiệp nhà nước như Tập đoàn Than - Khoáng sản”, ông Hiếu nêu giải pháp.

Mai Anh