“Nóng mặt” chiêu thổi giá dịch vụ lễ ăn hỏi vào phút cuối

08/10/2011 09:04
Chị Hoàng Minh Trang (phố Tây Sơn, Hà Nội) vẫn còn ấm ức với việc đồ lễ ăn hỏi bị tăng giá "bất thình lình" so với khi cửa hàng giới thiệu.
Ban đầu, chị Trang được giới thiệu loại lễ bao gồm 7 lễ có giá 6 triệu. Thế nhưng, sáng ngày nhận lễ, anh chị nhận được thông báo giá tăng thêm 400.000 đồng vì hoa quả tươi tăng giá do mưa gió.

Từ bình dân đến cao cấp


Lễ ăn hỏi (lễ đính hôn) là một nghi thức trong phong tục hôn nhân truyền thống của người Việt. Đây là sự thông báo chính thức về việc hứa gả con giữa hai họ. Chính vì thế mà nhà trai đều chọn lựa lễ vật đính hôn tương đối cầu kỳ.

Năm nay, xu hướng đặt đồ sính lễ ăn hỏi của khách thiên về hiện đại hơn là lễ cổ. Sính lễ ăn hỏi hiện có rất nhiều loại, từ bình dân đến sang trọng đắt tiền, từ 3,5 triệu đồng/ lễ ăn hỏi tới 45 triệu đồng cũng có. Nhiều công ty, dịch vụ cưới hỏi trọn gói ra đời đưa ra rất nhiều mức giá khác nhau để cạnh tranh. Tuy nhiên, giá dịch vụ và đồ sính lễ năm này đều tăng hơn so với mùa cưới năm ngoái.

Nhiều người quan niệm, sính lễ ăn hỏi là thể hiện thiện chí, "bộ mặt" cũng như "tiềm lực" của nhà trai nên không thể úi xùi hay sơ sài quá. Thế nên, dù không khá giả nhưng nhiều người cũng cố gắng lo cho con một lễ ăn hỏi tươm tất. Có người không ngần ngại đi vay tiền để "bằng bạn bằng bè", dù khi cưới nhau về họ có "kéo cày trả nợ" thì cũng phải có một lễ ăn hỏi cho nở mày nở mặt.

Chị Phạm Thị Minh, ở xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội kể: "Cưới nhau về tôi được chồng thông báo, để chi cho lễ cưới và lễ ăn hỏi, nhà chồng tôi phải đi vay 50 triệu đồng. Bố mẹ chồng tôi cho 20 triệu, còn 30 triệu thì vợ chồng bảo nhau làm ăn mà trả nợ".
Khách hàng nên cẩn trọng khi lựa chọn dịch vụ ăn hỏi.
Khách hàng nên cẩn trọng khi lựa chọn dịch vụ ăn hỏi.

Gia cảnh vốn làm nghề nông, lâu nay ruộng đồng bị dự án lấy gần hết đất, vợ chồng chị Minh phải ra Hà Nội bán hàng rong, số tiền 30 triệu biết khi nào chị mới tích cóp được để trả nợ. "Nhà gái nào có thách cưới gì đâu, nhưng vì gia đình chồng tôi là trưởng họ, quan niệm cưới hỏi phải to thì mới nở mày nở mặt, thế nên đi vay rồi trả nợ sau" - chị Minh than vãn.

Đồ sính lễ ăn hỏi có rất nhiều giá, từ bình dân đến cao cấp, nhằm phục vụ các tầng lớp trong xã hội. Theo chị Mỹ Linh, cửa hàng dịch vụ cưới hỏi Mỹ Linh, ở số 2 phố Hàng Than thì một lễ ăn hỏi gồm 5 tráp thấp nhất hiện nay ở cửa hàng chị là 3,5 triệu đồng. Với mức giá này thì những người bình dân hoặc khó khăn đều chấp nhận được. Tuy nhiên, có một số khách hàng tuy hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng muốn sính lễ tươm tất, sau khi đặt giá rồi lại gọi điện thay đổi, tăng thêm tráp hoặc tăng thêm rượu, bánh.

Chị Linh cho biết, xu hướng sắp mâm lễ của khách hàng năm nay đi theo hướng hiện đại nhiều hơn là truyền thống. Để đáp ứng nhu cầu, năm nay nhiều cửa hàng đã cho ra mắt những mẫu mã mới. Ví như lẵng hoa quả "rồng phượng"; lẵng quả đôi em bé; lẵng quả đôi thiên nga; lẵng rượu thuốc đính đá (năm trước cài cành xương trắng). Từ đầu mùa cưới đến nay, cửa hàng của chị đã có trên 100 khách đặt hàng, vào những ngày hoàng đạo, chị sắp khoảng 20 lễ ăn hỏi và làm việc thâu đêm suốt sáng mới kịp giờ của khách.

Có khách là một "đại gia" ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng lấy vợ ở Hà Nội đặt một lễ ăn hỏi với 15 tráp toàn những loại thượng hạng. Thông thường bánh cốm ăn hỏi chỉ từ 5 đến 6 nghìn đồng/chiếc, nhưng vị "đại gia" này đặt giá gấp đôi. Hoặc như tráp rượu thì toàn rượu John xanh, thuốc lá ba số, lợn quay, bánh gatô, bia Heineken…

Chị Linh cho biết: "Tổng cộng hết hơn 40 triệu cho 15 tráp lễ. Khách hàng yêu cầu chúng tôi 3 chiếc phong bì để tiền sính lễ làm sao mà mỗi phong bì phải đựng đủ 200 triệu đồng, khiến chúng tôi phải đặt loại thật to". Lễ ăn hỏi của vị "đại gia" này quả là hoành tráng khi quy tụ một dàn xe ôtô khủng, gồm 20 chiếc "Mẹc" mà chiếc nào chiếc nấy được trang trí như xe hoa cô dâu. Theo chị Linh thì mỗi mùa cưới, chị nhận được khoảng 30 đám như vị "đại gia" này.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá mỗi tráp sính lễ ăn hỏi năm nay đều tăng so với mùa cưới trước từ 10-15%. Một lẵng hoa quả đắt nhất năm nay có giá 3,5 triệu đồng, hoặc lẵng quả đôi thiên nga có giá 1,5 triệu đồng; lẵng rượu gồm 3 chai John xanh, thuốc ba số có giá 9 triệu đồng…

Chất lượng có đi kèm dịch vụ?

Đáp ứng nhu cầu thị trường, trong thời gian qua, bên cạnh các cửa hàng nhận làm các dịch vụ ăn hỏi gia truyền, rất nhiều công ty chuyên thực hiện các dịch vụ về cưới hỏi đã rầm rộ xuất hiện. Từ việc đảm nhận các nhiệm vụ như cung cấp người bê tráp, xích lô ăn hỏi, làm đồ lễ… cho đến các dịch vụ trọn gói. Các công ty này tiếp thị rộng rãi trên nhiều trang web với những lời quảng cáo để khách hàng yên tâm như "nhiệt tình, chu đáo, nhiều kinh nghiệm".

Chị Nguyễn Thị Mai, tư vấn viên của Butterfly Wedding Planner - đơn vị chuyên tổ chức dịch vụ cưới, hỏi cho hay: Nhân viên của chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn miễn phí cho những cặp đôi uyên ương cách thức tổ chức ăn hỏi, tiệc cưới làm sao hợp lý nhất. Để đảm bảo chất lượng của các dịch vụ, Butterfly Wedding Planner sẽ không nhận thêm các đơn đặt hàng nếu đã kín lịch. Có như vậy mới để lại chữ "tín" với khách.

Tuy nhiên, cũng vì lợi nhuận trước mắt với kiểu cách làm ăn chộp giật, không ít công ty đã có nhiều mánh lới để "bắt chẹt" khách hàng.

Chị Hoàng Minh Trang, phố Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội vẫn còn ấm ức với việc đồ lễ ăn hỏi bị tăng giá "bất thình lình" so với khi cửa hàng giới thiệu. Chẳng là, trước lễ ăn hỏi, chị Trang đã cẩn thận cùng với chồng tương lai đi đặt đồ lễ ăn hỏi tại một cửa hàng trên phố Hàng Than, Hà Nội. Ban đầu, chị Trang được giới thiệu loại lễ bao gồm 7 lễ có giá 6 triệu. Thế nhưng, sáng ngày nhận lễ, anh chị nhận được thông báo giá tăng thêm 400.000 đồng vì hoa quả tươi tăng do mưa gió. Ấm ức nhưng không muốn mất vui trong ngày lễ trọng đại của mình, chị Trang cũng đã đành phải cho qua.

Không ít khách hàng lại bị rơi vào cảnh "mất mặt với nhà gái" như anh Trần Quang Minh, ở Thanh Xuân, Hà Nội. Chỉ sau nửa ngày kết thúc đám hỏi, nhà gái đã thông báo lại hoa quả trong lễ đã bị thối và bắt đầu chảy nước. Kiểm tra lại, anh Minh mới "ngã ngửa" khi nhận ra, nhìn bề ngoài tráp được phủ một lớp các quả nho rất tươi và đẹp. Thế nhưng, ở bên trong, nhiều quả nho đã bắt đầu thối. Quả dưa hấu cũng đã bị ủng một nửa.

Để các cặp uyên ương có được sự trọn vẹn trong những ngày lễ quan trọng nhất của cuộc đời, thiết nghĩ, các đơn vị tổ chức dịch vụ cưới hỏi nên vì cái tâm, chữ tín đảm bảo dịch vụ đúng chất lượng, tránh kiểu làm ăn chộp giật, tức thời.

Theo Công an nhân dân