Ông Cao Sỹ Kiêm nói về mối lo "ông già hưu ngồi ghế nóng DongA Bank"

18/07/2014 07:03
Hoàng Lực
(GDVN) - Trái với suy nghĩ của mọi người về áp lực khi trở thành thuyền trưởng của DongA Bank, ông Cao Sỹ Kiêm khẳng định: “Không có áp lực nào...".

"Ghế nóng" DongA Bank không có áp lực?

DongA Bank được thành lập năm 1992, trải qua nhiều giai đoạn phát triển tuy nhiên thời “hoàng kim” nhất của ngân hàng này là khoảng thời gian 2002 – 2010. Đây là lúc DongA Bank luôn “top” đầu trong danh sách những ngân hàng có tốc độ phát triển thẻ thanh toán ATM. Sự thành công của Thẻ Đa năng cùng với hệ thống ngân hàng điện tử triển khai thành công dự án chuyển đổi sang core - banking, giao dịch online toàn hệ thống.

Cũng trong giai đoạn này, DongA Bank tiếp tục thể hiện sự vượt trội khi sở hữu nhiều dòng máy ATM hiện đại như: máy ATM TK21 – Kỷ lục Guiness năm 2007 (nhận tiền mặt trực tiếp 100 tờ với nhiều mệnh giá khác nhau trong 1 lần gửi), sản phẩm ATM lưu động (Kỷ lục Guiness năm 2010), máy H38N và nhiều dòng máy ATM hiện đại khác.

Tuy nhiên trong suốt giai đoạn phát triển DongA Bank vẫn chưa cho thấy một chiến lược khách hàng cụ thể.

Chủ tịch HĐQT DongA Bank khẳng định ngân hàng này vẫn đang phát triển bình thường.
Chủ tịch HĐQT DongA Bank khẳng định ngân hàng này vẫn đang phát triển bình thường. 

Chính sự “mắc kẹt” trong việc đi tìm chiến lược bài bản đã khiến lợi nhuận của DongA Bank liên tục sụt giảm. Năm 2011, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng này là 947 tỉ đồng; năm 2012 là 577 tỉ đồng và đến năm 2013 vừa qua, lợi nhuận sụt giảm rõ rệt chỉ còn 328 tỉ đồng. Theo báo cáo tài chính quý 1/2014 mà DongA Bank vừa công bố, dư nợ tín dụng đạt 52.868 tỉ đồng, giảm 0,3% so với đầu năm; lợi nhuận sau thuế đạt 87,7 tỉ đồng, giảm 57,6% so với cùng kỳ năm 2013.

Bên cạnh đó, DongA Bank đang sở hữu 2.112 tỉ đồng nợ xấu, chiếm 3,99% tổng dư nợ.

Nhìn vào tình hình kinh doanh khá “ảm đạm” của ngân hàng này, nhiều người từng kỳ vọng, DongA Bank sẽ tìm ra một lãnh đạo mới có khả năng vực dậy một ngân hàng trẻ.

Tuy nhiên, giữa thời điểm được xem là khó khăn ấy, trong kỳ Đại hội đồng cổ đông thường niên lần thứ 22 của DongA Bank diễn ra cuối tháng 4/2014, ngân hàng này gây bất ngờ khi TS Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trở thành Chủ tịch HĐQT của DongA Bank. Người trong giới tài chính ngân hàng lo ngại, năng lực của một cán bộ hưu như ông Cao Sỹ Kiêm liệu có đủ sức vực dậy con tàu Đông Á? Và liệu rằng ông Kiêm có chịu được những áp lực tiềm ẩn từ vị trí cao nhất của ngân hàng này?!

Mới đây, tao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về những lo ngại trên, TS Cao Sỹ Kiêm -  Chủ tịch HĐQT DongA Bank nhiều lần khẳng định, DongA Bank vẫn đang phát triển bình thường không có bất cứ vấn đề gì.

TS Cao Sỹ Kiêm trong một lần trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam
TS Cao Sỹ Kiêm trong một lần trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam

Ông Kiêm cho biết, hiện tại DongA Bank chỉ đang gặp vấn đề tin học máy ATM. Cụ thể, trước đây hệ thống máy ATM của DongA Bank mạnh về công nghệ với hệ thống máy mới hiện đại nhưng do sự phát triển, nhiều yếu tố kỹ thuật được xem là hiện đại trước đây giờ trở nên cũ kỹ vì vậy cần phải củng cố lại kỹ thuật để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.

TS Cao Sỹ Kiêm từng giữ chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong giai đoạn từ 1989-1997, bắt đầu từ tháng 3/2012 ông Kiêm là thành viên Hội đồng quản trị độc lập của DongA Bank. Trong kỳ đại hội vừa qua ông Kiêm được bầu vào ghế chủ tịch HĐQT DongA Bank thay ông Phạm Văn Bự về nghỉ hưu. 

Trái với suy nghĩ của mọi người về áp lực khi trở thành thuyền trưởng của DongA Bank, ông Kiêm khẳng định: “Không có áp lực nào, mình cũng có kinh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng nên giúp anh em ổn định phát triển có chất lượng thôi”.

Tiến về nông thôn, "con bài chiến lược" của DongA Bank

Theo ông Cao Sỹ Kiêm, việc DongA Bank đang sút giảm về lợi nhuận trong những năm qua không phải là vấn đề đáng lo ngại, việc giảm lợi nhuận là do ngân hàng đang điểu chỉnh chiến lược kinh doanh.

“Việc giảm lợi nhuận không có vấn đề gì, giảm do mình điều chỉnh lại một số đối tượng, đang sắp xếp giảm chi phí, xiết chặt quản lý cho vay, phạm vi cho vay dẫn đến doanh số thấp đi và lợi nhuận cũng thấp đi dẫn đến lợi nhuận giảm xuống”, TS Cao Sỹ Kiêm cho biết.

Riêng với vấn đề nợ xấu tại DongA Bank, ông Kiêm cho biết nợ xấu của DongA Bank ở mức trung bình so với các ngân hàng, do vậy việc xử lý nợ xấu đang được ngân hàng này tích cực xử lý, con số nợ xấu giảm mạnh.

Từng chia sẻ về chiến lược tiến về nông thôn, thị trường mà AgriBank đang cho thấy vị trí độc tôn với mạng lưới rộng khắp song vẫn khẳng định quan điểm của DongA Bank, TS Cao Sỹ Kiêm cho biết thị trường và khách hàng DongA Bank đang nhắm đến là nông thôn.

Ông Kiêm phân tích: “Agribank là ngân hàng phục vụ nông nghiệp nông thôn có mạng lưới rộng chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn hiệu quả, AgriBank là nhân lực chủ yếu ở khu vực này. Riêng với DongA Bank đang chuyển hướng mạnh khách hàng nông dân nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay hộ nghèo, cho vay sinh viên và hộ nghèo. Đây là đối tượng chiếm số lượng lớn nhưng chưa được quan tâm, đây sẽ là đối tượng khách hàng tương lai của DongA Bank”.

Thời gian chưa được 3 tháng ngồi "ghế nóng" DongA Bank của ông Cao Sỹ Kiêm chưa nói lên được điều gì. Nhưng dễ thấy sự vênh nhau giữa dư luận và vị thuyền trưởng Đông Á cho thấy, DongA Bank vẫn tiềm ẩn nhiều áp lực lớn đối với người đứng đầu. Liệu rằng vị Chủ tịch DongA Bank có vượt qua?

Hoàng Lực