Phi công, tiếp viên hàng không buôn lậu: "Tham bát bỏ mâm"

17/04/2015 13:46
TS Trần Đình Bá - Hội viên hội Khoa học Kinh tế Việt Nam
(GDVN) - Vụ vận chuyển trái phép 6kg vàng được xem là một tai tiếng nữa, làm dài thêm danh sách nhân viên buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép của Vietnam Airlines.

Vụ việc tiếp viên và phi công của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) bị hải quan sân bay quốc tế Gimhae (Pusan, Hàn Quốc) tạm giữ vì vận chuyển 6kg vàng trái phép đang gây xôn xao dư luận đã xảy ra cách đây hơn 1 tháng, song đến khi hàng loạt tờ báo tại Hàn Quốc đưa tin thì Cục Hàng không Việt Nam và Vietnam Airlines mới lên tiếng. 

Hiện vụ việc đang được giới chức trách Hàn Quốc và Việt Nam tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ danh tính các thành viên phi hành đoàn liên quan. 

Hình ảnh 4kg vàng được cho là của phi công, tiếp viên VNA vận chuyển trái phép đăng tải trên báo chí Hà Quốc. (Ảnh: Yonhapnews).
Hình ảnh 4kg vàng được cho là của phi công, tiếp viên VNA vận chuyển trái phép đăng tải trên báo chí Hà Quốc. (Ảnh: Yonhapnews).

Vụ vận chuyển trái phép vàng lần này được xem là một tai tiếng nữa, làm dài thêm danh sách các vụ nhân viên của hãng hàng không Vietnam Airlines buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ.

Những sai phạm có tiền lệ

Thương vụ mang vàng trái phép của phi công và tiếp viên Vietnam Airlines bị phát hiện lần này không phải là hy hữu. Bởi trước đó, năm 2009 phi công Đặng Xuân Hợp của Vietnam Airlines từng bị tạm giữ tại Nhật Bản vài tháng do có liên quan đến tội mua hàng ăn cắp của các nhóm người Việt rồi “tuồn” về Việt Nam theo đường hàng không. 

Ngày 26/3/2009, tòa án quận Saitama đã tuyên phạt viên phi công này 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 4 năm và phạt 500.000 yen Nhật.

Tháng 4/2012, nam tiếp viên Thái Anh Tiến (31 tuổi) cũng của Vietnam Airlines tham gia đường dây buôn lậu đồ điện tử từ Australia về Việt Nam tiêu thụ, khi qua cảng hàng không Tân Sơn Nhất - TP.HCM số hàng vận chuyển trái phép này bị phát hiện và bắt giữ. 

Sau đó, Tòa án Nhân dân TP.HCM tuyên phạt tiếp viên này 1 năm 6 tháng tù treo. Liên quan đến vụ việc này, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã lần theo đường dây từ tháng 10/2008 và xác định có khoảng 400 kiện hàng đã được hơn 30 tiếp viên hàng không tham gia vận chuyển trái phép từ Australia về Việt Nam. 

Ngày  3/6/2012, Cục Hải quan Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới tại sân bay quốc tế Nội Bài. 

Vụ việc liên quan tới hành vi buôn lậu số hàng trị giá hơn 2 tỷ đồng của 9 tiếp viên hàng không Vietnam Airlines trên chuyến bay mang số hiệu VN534. 

Ngày 18/7, Cơ quan An ninh kinh tế, Bộ Công an, đã tống đạt quyết định trên với Nguyễn Quốc Sơn, 31 tuổi, tổ phó tiếp viên và Trần Việt Anh, 28 tuổi. Đây là 2 trong 9 tiếp viên tham gia vụ vận chuyển 7 kg vàng và 400 điện thoại di động từ Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất vào Việt Nam.

Chuyến bay VN106 của Vietnam Airlines từ Paris đến Nội Bài hạ cánh lúc 6h25 sáng 22/9/2013, tiếp viên Bùi Ngọc Tuấn bị nhân viên an ninh sân bay phát hiện mang 50 chiếc điện thoại iPhone 5S trong hành lý mà không khai báo. Số máy điện thoại này đều còn nguyên hộp, chưa qua sử dụng.

Gần đây nhất vào tháng 3/2014, nữ tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc của hãng hàng không VNA  bị tình nghi mang hàng xách tay có nguồn gốc trộm cắp tại Nhật Bản và đã bị cơ quan chức năng Nhật Bản tạm giữ để phục vụ điều tra. 

Theo đó, nữ tiếp viên này đã vận chuyển 21 món hàng quần áo ăn cắp, trị giá khoảng 125.000 Yen Nhật (tương đương 25,7 triệu đồng) khi đi trên xe dành riêng cho đoàn bay từ khách sạn ở Osaka đến sân bay Quốc tế Kansai từ tháng 9/2013. 

Cơ quan cảnh sát điều tra Tokyo cáo buộc tiếp viên này đã nhận đặt hàng từ với một phụ nữ Việt Nam 30 tuổi đang sống tại Nhật để buôn lậu quần áo ăn cắp, thậm chí tuồn hàng cho các thành viên khác trong đoàn bay... 

Vụ việc được phát hiện  khi cảnh sát mở rộng điều tra các cuộc thẩm vấn những kẻ trộm cắp tại nước này. Các loại hàng hóa được xác định gồm những sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng.   

Trong vụ việc vừa xảy ra tại Pusan, Hàn Quốc, theo người phát ngôn chính thức của Vietnam Airlines, trên chuyến bay VN 426 khởi hành từ Hà Nội đi Pusan ngày 10/3, hai nhân viên của hãng là cơ trưởng Nguyễn Văn Dũng và tiếp viên Nguyễn Tuấn Phong, đã mang theo vàng nhưng không khai báo, sau đó bị hải quan tại sân bay Gimhae, Pusan, Hàn Quốc tạm giữ với số lượng lên đến 6kg.

Nhắc lại những vụ việc trên để thấy, vấn nạn buôn lậu của phi công, tiếp viên Vietnam Airlines đã tồn tại từ lâu, có tính chất hệ thống và dường như chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Đó là một sự thật hết sức nghịch lý khi thời gian gần đây Vietnam Airlines đã tiến hành đại hội cổ đông, đang nỗ lực để cải thiện hình ảnh thương hiệu bằng cách thay đổi đồng phục cho nhân viên, nâng tầm chất lượng dịch vụ… song chỉ cần những sự việc như buôn lậu trên vẫn còn tiếp diễn thì những nỗ lực của Vietnam Airlines sẽ bằng không.

Câu hỏi vì sao?

Câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao Hãng hàng không như Vietnam Airlines – một doanh nghiệp nhà nước có vốn tài sản và tiềm năng rất lớn, mang thương hiệu Quốc gia, lại không có một chế tài quản lý, giáo dục, kỷ luật nhân viên đủ mạnh để xảy ra những tiêu cực liều lĩnh, bất chấp lật pháp danh dự cá nhân đến danh dự của hãng và danh dự Quốc gia như những hành vi buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép?

Trong báo cáo thường niên của Vietnam Airlines là những chuỗi thành tích về “lá cờ đầu” của ngành hàng không nhiều năm làm ăn có lãi, năm sau cao hơn năm trước... nhưng dường như quên “báo cáo” về một thực trạng thiếu thốn đến mức phải nhắm mắt buôn lậu để “phạm pháp”, phải chịu tai tiếng trước công luận và bạn bè của những tiếp viên, phi công của hãng.

Phải chăng trong chuỗi thành tích vẫn có điều gì đó chưa rõ ràng về kinh tế bởi thông thường “vật chất quyết định ý thức”?

Yếu tố kinh tế quyết định đến bộ mặt của một doanh nghiệp, nhiều chuyên gia đã và đang cảnh báo cho hoạt động kinh doanh theo kiểu “tham bát bỏ mâm” của Vietnam Airlines.

Đó là khi các chế độ lương, thưởng, đãi ngộ, môi trường làm việc cho nhân viên chưa rõ ràng, thỏa đáng để tới mức họ phải "nhắm mắt làm liều"… điển hình như sự việc khoảng 100 phi công của Vietnam Airlines báo ốm trong dịp Tết Dương lịch vừa qua, khiến hãng hàng không này phải gửi đơn kiến nghị lên Bộ Giao thông Vận tải. 

Nguyên nhân sự việc được cho là mức lương quá thấp, thậm chí có phi công phản ánh, sau 5 năm mà nhiều phi công của hãng chưa được tăng lương. 

Từ vị thế hãng hàng không dẫn đầu, chiếm trên 90% thị phần hàng không, đến nay hãng chỉ còn nắm giữ 54% thị phần. 

Đã đến lúc, Vietnam Airlines nên lắng nghe ý kiến của các nhà chuyên môn, thấu hiểu hơn đời sống của nhân viên... bên cạnh đó cần có những chế tài đủ mạnh để bảo trọng danh dự thương hiệu và bảo vệ cho nhân viên của mình trước sự cạnh tranh khốc liệt của cơ chế thị trường.

TS Trần Đình Bá - Hội viên hội Khoa học Kinh tế Việt Nam