Quá nhiều doanh nghiệp trốn đóng Bảo hiểm xã hội

08/05/2017 18:00
Diệu Linh
(GDVN) - Tình hình nợ đọng Bảo hiểm xã hội tương đối phức tạp, số nợ hằng năm có giảm, nhưng những tháng gần đây có xu hướng gia tăng.

Theo Luật Bảo hiểm xã hội, từ 1/1/2016, tổ chức công đoàn có quyền khởi kiện doanh nghiệp, cá nhân nợ Bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực, tổ chức công đoàn chưa khởi kiện thành công một vụ nào.

Nguyên nhân được cho là do vướng mắc về pháp lý, bất cập giữa một số quy định trong 4 bộ luật, gồm Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn và Luật Tố tụng dân sự.

Bên cạnh đó, năng lực và trình độ đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở hiện nay khó có thể thực hiện việc khởi kiện, tham gia tố tụng...

Về những vấn đề này cần phải được giải quyết ra sao để đảm bảo quyền lợi của người lao động?

Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Gỡ vướng trong khởi kiện trốn đóng bảo hiểm xã hội” tổ chức tại Cổng điện tử Chính phủ ngày 8/5/2017, ông Đào Việt Ánh – Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cung cấp nhiều thông tin và những kiến nghị cần thiết giải quyết tình trạng này.

Ông Đào Việt Ánh – Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết hiện có 50% số doanh nghiệp trốn đóng Bảo hiểm xã hội. ảnh: VGP.
Ông Đào Việt Ánh – Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết hiện có 50% số doanh nghiệp trốn đóng Bảo hiểm xã hội. ảnh: VGP.

Xin ông cho biết về tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thời gian qua và khả năng thu nợ? So sánh những con số này với trước thời điểm 1/1/2016 khi quyền khởi kiện chuyển sang các cấp công đoàn?

Ông Đào Việt Ánh: Về quyền về an sinh xã hội là một trong những quyền cơ bản, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đặc biệt quan tâm đến phát triển đối tượng, thu nợ đóng, trốn đóng Bảo hiểm xã hội.

Mặc dù đã có rất nhiều giải pháp trong thời gian qua nhưng tình trạng nợ đóng, trốn đóng Bảo hiểm xã hội vẫn còn diễn ra khá phổ biến.

Quá nhiều doanh nghiệp trốn đóng Bảo hiểm xã hội ảnh 2

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tích cực thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ

Đơn cử, số doanh nghiệp tham gia Bảo hiểm xã hội là trên 235.000 doanh nghiệp, trong khi đó dữ liệu do cơ quan thuế quản lý khoảng gần 500.000 doanh nghiệp.

Như vậy gần 50% doanh nghiệp hiện nay chưa tham gia Bảo hiểm xã hội, có thể gọi là trốn đóng Bảo hiểm xã hội.

Về nợ đóng Bảo hiểm xã hội, tính đến cuối năm 2015 số nợ gần 10.000 tỷ đồng, tương đương với khoảng 4,88% của số phải thu.

Đến cuối năm 2016 số nợ Bảo hiểm xã hội có giảm khoảng 7.500 tỷ đồng bằng khoảng 3,3% số phải thu.

Quý I/2017, tình hình số nợ tăng thêm gần bằng 4,5% số phải thu, bằng gần 14.000 tỷ đồng, tăng hơn so với 2016.

Tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội chủ yếu tập trung vào khối doanh nghiệp nào? Ông có thể nêu ra một số điển hình?

Ông Đào Việt Ánh: Hiện nay nợ đóng Bảo hiểm xã hội diễn ra tương đối phổ biến ở tất cả các loại hình doanh nghiệp, ở tất cả các khối cơ quan tham gia Bảo hiểm xã hội.

Theo thống kê của chúng tôi, nợ đọng Bảo hiểm xã hội tập trung chủ yếu là ở khối cơ quan ngoài quốc doanh.

Tính đến hết quý I/2017, có 8 doanh nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội với số tiền lớn, thời gian nợ kéo dài như:

Công ty Cổ phần xe khách Phương Trang (Thành phố Hồ Chí Minh) 28,7 tỷ đồng; Công ty TNHH Nam Phương (Thành phố Hồ Chí Minh) 20,9 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Lilama 3 (Hà Nội) 25,4 tỷ đồng; Công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT Garment (Hà Nội) 19 tỷ đồng; Công ty Cổ phần ô tô Xuân Kiên Vinaxuki (Hà Nội) 18,9 tỷ đồng; Công ty Cổ phần xây dựng 47 (Bình Định) 15,7 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Vietbo (Đồng Nai) 19,9 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Inox HB (Hưng Yên) 14,2 tỷ đồng.

Sự chồng chéo và khoảng trống về pháp luật thực hiện Bảo hiểm xã hội được cho là nguyên nhân chính khiến khởi kiện bế tắc. Quan điểm của ông thế nào về sự bất cập này?

Ông Đào Việt Ánh: Hiện nay không có sự đồng bộ giữa Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Tố tụng dân sự, thậm chí cả Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn.

Về phía cơ quan Bảo hiểm xã hội của chúng tôi thấy thời gian qua việc khởi kiện chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Từ kinh nghiệm của Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai khởi kiện trong thời gian qua, trước khi triển khai giao cho công đoàn khởi kiện, thì Bảo hiểm xã hội Việt Nam khởi kiện 8.000 vụ , tòa xử lý gần 4.000 vụ, đã thu hồi gần 9.800 tỷ đồng, qua đó người lao động được hưởng quyền lợi.

Chúng tôi rất mong muốn việc khởi kiện tiếp tục được phát huy trong thời gian tới. Chúng tôi rất mong muốn Quốc hội thông qua Bộ luật Hình sự trong đó quy định vấn đề trốn đóng, nợ đóng Bảo hiểm xã hội có tính răn đe, như xử tù đến 7 năm và phạt tiền tới 13 tỷ đồng.

Theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng Bảo hiểm xã hội. Vậy chức năng này được thực hiện thời gian qua ra sao, đem lại hiệu quả thiết thực gì trong việc bảo đảm quyền lợi cho người lao động?

Ông Đào Việt Ánh: Triển khai quy định của luật, chúng tôi đã hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý.

Đây là một chức năng rất mới, ngay sau khi luật ban hành, chúng tôi đã phối hợp với thanh tra Chính phủ để tổ chức đào tạo cho cán bộ làm công tác thanh tra.

Hiện tại, chúng tôi đã đào tạo hơn 1.000 cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra; khoảng 145 cán bộ làm trưởng đoàn thanh tra. Vấn đề đào tạo nhân lực luôn được chúng tôi đặt lên hàng đầu.

Bắt đầu thực hiện từ 1/6/2016, sau hơn một năm triển khai kết quả ban đầu đem lại tương đối tốt.

Chúng tôi đã thực hiện hơn 1000 cuộc thanh tra chuyên ngành từ trung ương xuống địa phương.

Từ đó, chúng tôi đã kiến nghị thu hồi được hơn 300 tỷ đồng và 45.000 người lao động thông qua đó được đóng Bảo hiểm xã hội đầy đủ hơn. Kết quả này được đánh giá là tương đối tốt trong thời gian đầu triển khai.

Diệu Linh