Tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế tháng 4/2017 được tổ chức ngày 25/4, bà Nguyễn Thị Yến - Phó Trưởng ban Dược và Vật tư y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) đã thông tin một số nội dung về việc sử dụng biệt dược gốc theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.
Bà Yến cho biết, trong số 698 thuốc biệt dược gốc đang sử dụng tại Việt Nam, có 447 thuốc đã hết hạn bảo hộ độc quyền. Hiện 266 thuốc đã có từ 2- 3 số đăng ký nhóm 1.
Bà Nguyễn Thị Yến - Phó trưởng Ban Dược và vật tư y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) - ảnh: H.Lực |
Bà Nguyễn Thị Yến cũng cho biết: “Ai cũng biết biệt dược gốc là loại thuốc tốt nhất trên thị trường.
Chúng tôi đều mong muốn người bệnh được sử dụng loại thuốc tốt nhất để điều trị. Tuy nhiên, tình trạng biệt dược gốc hết bảo hộ vẫn bán giá cao xảy ra sẽ gây khó khăn cho người bệnh”.
Phó Trưởng ban Dược và Vật tư y tế dẫn chứng thuốc Ceftiaxon 1g, tiêm là thuốc biệt dược gốc với tên thương mại là Rocephin, giá trúng thầu tại các hội đồng đấu thầu là 181.440 đồng/lọ; trong khi thuốc Ceftriaxon 1g, nhóm 1 có 10 số đăng ký trúng thầu tại các hội đồng đấu thầu, giá trúng thầu thuốc nhóm 1 trung bình là 25.414 đồng/lọ. Chênh lệch hơn 156 nghìn đồng/lọ thuốc.
Hay thuốc Meropenem 1g, tiêm cũng là thuốc biệt dược gốc với tên thương mại là Meronem Inj 1g 10’s, giá trúng thầu tại các hội đồng đấu thầu là 700.306 đồng/lọ; trong khi thuốc Meropenem 1g, nhóm 1 có 4 số đăng ký trúng thầu tại các hội đồng đấu thầu, giá trúng thầu thuốc nhóm 1 trung bình là 296.101 đồng/lọ. Loại này chênh lệch đến hơn 400 nghìn đồng/lọ.
Tương tự thuốc Paclitaxel 100mg, tiêm là thuốc biệt dược gốc với tên thương mại là Anzatax Ịn 100mg/16,7ml 1’s, giá trúng thầu tại các hội đồng đấu thầu là 3.927.000 đồng/lọ; trong khi thuốc Paclitaxel 100mg, nhóm 1 có 3 số đăng ký trúng thầu, giá trúng thầu thuốc nhóm 1 trung bình là 871.774 đồng/lọ.
Từ dẫn chứng trên bà Yến cho rằng, nếu có quản lý chặt chẽ về giá thuốc đối với thuốc biệt dược gốc sẽ giúp tiết kiệm chi hàng trăm tỷ đồng.
Tỉ lệ sử dụng biệt dược gốc trên cả nước ước tính chiếm khoảng 20 - 23% trên tổng chi phí thuốc, do đó khi giá thuốc biệt dược cao ảnh hưởng đến người bệnh - ảnh minh họa/ nguồn Báo Sức khỏe đời sống |
Về tình hình đầu thầu thuốc biệt dược gốc, bà Yến cho biết, qua phân tích kết quả lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc năm 2016 của 59 tỉnh, thành phố và các bệnh viện tuyến trung ương trên địa bàn Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh thì tổng giá trị trúng thầu là 19,65 nghìn tỉ đồng tương ứng với 8.371 mặt hàng trúng thầu.
Trong đó có khoảng 600 mặt hàng biệt dược gốc trúng thầu (tương ứng 300 hoạt chất, do một số thuốc có hàm lượng khác nhau, hoặc một số thuốc được gia hạn số đăng ký hoặc cấp lại số đăng ký), với tổng giá trị thuốc biệt dược gốc trúng thầu khoảng 7,28 nghìn tỉ đồng, chiếm khoảng 25% tổng giá trị tiền thuốc trúng thầu.
Các thuốc biệt dược gốc tham gia đấu thầu theo gói thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị, do không có các thuốc cạnh tranh trong đấu thầu nên hầu hết trúng thầu, giá thuốc cao.
Một số thuốc đã hết hạn bảo hộ độc quyền sáng chế, có giá chênh lệch khá lớn so với các thuốc nhóm 1 cùng hoạt chất, nồng độ, hàm lượng trên thị trường.
Theo số liệu sử dụng thuốc năm 2016, tỉ lệ sử dụng biệt dược gốc trên cả nước ước tính chiếm khoảng 20 - 23% trên tổng chi phí thuốc.
Tỷ lệ này tại một số bệnh viện tuyến trung ương chiếm từ 45% ở Bệnh viện Chợ Rẫy và đến trên 50% tại Bệnh viện Bạch Mai.
Phân tích việc sử dụng biệt dược gốc năm 2016 đối với 30 biệt dược gốc, đã có thuốc generic nhóm 1 có giá trị trúng thầu lớn (chiếm 30% tổng giá trị thuốc biệt dược gốc trúng thầu) tại một số cơ sở khám chữa bệnh tuyến trung ương và tại một số tỉnh cho thấy:
Tại một số bệnh viện tuyến trung ương như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy là các bệnh viện đầu ngành tuyến cuối, tỉ lệ sử dụng đối với 30 thuốc chiếm khoảng 24% tổng chi phí thuốc tại Bệnh viện Bạch Mai và khoảng 11% tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Tại một số tỉnh như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên: Tỉ lệ sử dụng 30 thuốc biệt dược gốc này chiếm khoảng 6% tổng chi phí thuốc sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh năm 2016.
Tương tự tại Nam Định, Lào Cai, Hà Nam, Sơn La, Thái Bình, tỉ lệ này là 1-2% tổng chi phí thuốc.
Việc biệt dược gốc hết hạn bảo hộ độc quyền vẫn được bán với giá cao đã khiến nhiều bệnh nhân điêu đứng vì chi phí điều trị quá đắt đỏ. Bệnh nhân chính là những nạn nhân trước tiên của tình trạng này.
Trước khó khăn của người bệnh, Ban Dược và Vật tư y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) đã có đề nghị gửi Bộ Y tế thông báo danh mục thuốc biệt dược gốc đã hết hạn bảo hộ, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét, đề xuất, thống nhất cơ cấu mua sắm sử dụng thuốc biệt dược gốc và thuốc nhóm 1 theo chỉ đạo của Chính phủ.