Quan hệ thương mại Việt Nam – Mỹ được nâng cao trong thời gian tới

25/07/2013 07:12
Hoàng Lực
(GDVN) - "Trong bối cảnh hiện nay việc nâng cao quan hệ song phương hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ không chỉ mang ý nghĩa về thương mại kinh tế mà còn liên quan đến vấn đề địa chính trị...", TS Võ Trí Thành nhận định.
Nhận lời mời của Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Barack Obama, sáng 24/7, chuyên cơ chở Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã hạ cánh xuống sân bay quân sự Andrew, thủ đô Washington D.C. bắt đầu chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ từ ngày 24- 26/7.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear (trái) đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại sân bay quân sự Andrew, thủ đô Washington D.C, Hoa Kỳ. Ảnh: TTXVN
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear (trái) đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại sân bay quân sự Andrew, thủ đô Washington D.C, Hoa  Kỳ. Ảnh: TTXVN
Đây là chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ đầu tiên của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trên cương vị Chủ tịch nước. Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm quan hệ hợp tác giữa hai nước tiếp tục được thúc đẩy, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học kỹ thuật và giáo dục. Các cơ chế hợp tác cụ thể được thiết lập và đang triển khai trên nhiều lĩnh vực. Hoa Kỳ đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương, coi Việt Nam như một đối tác quan trọng trong ASEAN, một đối tác đàm phán quan trọng trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP. Dự kiến, các vấn đề liên quan đến Hiệp định này cũng sẽ là một phần quan trọng trong hội đàm giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Mỹ Barack Obama. Chuyến thăm cấp cao của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được đánh giá có ý nghĩa rất lớn đến quan hệ thương mại hai chiều Việt Nam– Mỹ. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đàm phán để tham gia Hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP. Liên quan đến sự kiện quan trọng này, phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).
TS Võ Trí Thành TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)
TS Võ Trí Thành TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)
- Thưa TS, ông đánh giá thế nào về quan hệ thương mại Việt Nam – Mỹ thời gian qua?TS Võ Trí Thành: Quan hệ thương mại Việt Nam và Mỹ thời gian vừa quan vẫn biến chuyển tốt, cái tốt ở đây trên cả hai nghĩa thứ nhất Mỹ tiếp tục vẫn là thị trường tiềm năng, sắp tới nếu hiệp định TPP (Hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP - PV) được ký kết và triển khai sẽ có tác động rất lớn. Rất nhiều nghiên cứu cho thấy trong các thành viên của TPP, Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất, tất nhiên đằng sau đấy còn rất nhiều khó khăn phải vượt qua.
Thứ hai Mỹ đang dần dần trở thành nhà đầu tư lớn tại Việt Nam, đầu tư này gắn với các ngành, các lĩnh vực rất quan trọng với sự phát triển kinh tế Việt Nam. Trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Mỹ phải hiểu rằng ngoài quan hệ trực tiếp thì chính thị trường Mỹ, quan hệ của Mỹ với Việt Nam cũng tạo sự hấp dẫn cho thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư khác. - Theo ông chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ tác động thế nào tới quan hệ thương mại Việt – Mỹ?TS Võ Trí Thành: Mỗi chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo mỗi nước đều đánh dấu mốc mới trong quan hệ giữa hai nước. Nói tới Việt Nam là nói tới Asean, nói tới Đông Á và Châu Á Thái Bình Dương vì vậy chuyến thăm cấp cao của Chủ tịch nước ta tới Mỹ sắp tới có ý nghĩa rất lớn. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam muốn tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng sâu rộng nền kinh tế. Cũng trong bối cảnh Việt Nam đặt vấn đề hội nhập tổng thể và giữa bối cảnh Asean, Đông Á và Châu Á Thái Bình Dương đang có bước chuyển rất mạnh để thúc đẩy tiến trình hội nhập phát triển. Rõ ràng với bối cảnh trong nước và khu vực như trên, việc quan hệ song phương hai nước được nâng tầm cao mới qua chuyến thăm của Chủ tịch nước sẽ không chỉ mang ý nghĩa về thương mại kinh tế nó còn có liên quan đến vấn đề địa chính trị.- Hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP đang được thương lượng giữa Mỹ và Việt Nam, tuy nhiên phía Mỹ lo ngại nếu ký hiệp định này sẽ ảnh hưởng đến ngành dệt may của Mỹ. Theo ông liệu chúng ta có đàm phán thành công TPP không?
TS Võ Trí Thành: Tôi cho rằng chúng ta đều hiểu vấn đề, tức là để tận dụng lợi thế khi ký TPP như giảm thuế xuất ngành dệt may từ 7% hiện nay xuống còn 0% thì chúng ta phải đáp ứng vấn đề như xuất xứ hàng hóa. Như hàng dệt may hiện nay chúng ta nhập rất nhiều từ nước ngoài như vậy không thỏa mãn, mà không thỏa mãn thì không thể tận dụng ưu đãi về thuế quan. Còn về việc có đàm phán thành công và ký TPP hay không theo tôi hiểu rào cản chắc chắn là khó khăn vì ở Mỹ có các nhóm sản xuất, tiêu dùng khác nhau, quan điểm khác nhau trong quốc hội vì vậy sẽ còn khó khăn và chắc không đơn giản. - Theo ông cần làm gì để thu hút doanh nghiệp Mỹ vào đầu tư tại Việt Nam?
TS Võ Trí Thành: Cái này liên quan đến câu chuyện môi trường kinh doanh của chính chúng ta, thời gian vừa qua môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện. Nhưng chúng ta biết để các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào trực tiếp hay gián tiếp thì chúng ta phải có môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, cạnh tranh có độ giải trình cao… Đây là vấn đề thực thi pháp luật và cùng với đó là nâng cao kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực. Chúng ta cũng hy vọng TPP không chỉ tạo ra cú hich mới không chỉ  chỉ mở ra cơ hội mới để hoạt động thương mại kinh doanh đầu tư theo hướng trách nhiệm mà qua đây còn giúp cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam, tạo áp lực mới trong việc cải cách trong nước, cải cách môi trường đầu tư tại Việt Nam tăng sức hút vào đầu tư vào Việt Nam. Tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách thể chế mà cải cách thể chế là một trong ba trụ cột thay đổi mô hình tăng trưởng hiện nay.- Xin cảm ơn ông!
>> Tra cứu điểm thi ĐH - CĐ tại đây: http://diemthi.giaoduc.net.vn/Home.mvc/Index
Hoàng Lực