Quy mô dự án Cảng Sài Gòn, nơi Công ty Vạn Thịnh Phát vừa rút lui

10/01/2014 15:12
Bình An (Tổng hợp)
(GDVN) - Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước với quy mô cảng biển quốc tế, tổng vốn đầu tư trên 2.735 tỷ đồng. Dự án được xây dựng trên 39ha, bao gồm 800m cầu tàu, 2 bến sà lan..

Liên quan đến lời khai của Dương Chí Dũng về việc "lót tay" 20 tỷ đồng cho một cán bộ cao cấp để thực hiện chuyển đổi công năng Cảng Sài Gòn của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, chiều 9/1, trong thông báo gửi cho các cơ quan báo chí, Công ty TNHH MTV Cảng Sài Gòn (thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam) cho biết, việc di dời, chuyển đổi công năng khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội (thuộc Cảng Sài Gòn) được thực hiện theo chủ trương của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước.
Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước.

Ngày 16/5/2009, Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước (nằm trong khu Công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM) chính thức được xây dựng nhằm phục vụ cho việc di dời cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, TP.HCM.

Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước với quy mô cảng biển quốc tế, tổng vốn đầu tư trên 2.735 tỷ đồng. Dự án được xây dựng trên 39ha, bao gồm 800m cầu tàu có thể tiếp nhận tàu 50.000DWT, 2 bến sà lan tổng chiều dài 240m, 2 bến phao, 2 bãi container khoảng 78.000m2, bãi hàng tổng hợp 40.000m2...

Tham dự lễ khởi công, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định, sau khi hoàn thành dự án, cảng Sài Gòn - Hiệp Phước sẽ trở thành cửa ngõ thông thương hàng hóa xuất nhập khẩu của TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bên cạnh đó, dự án sẽ góp phần xây dựng khu Nam TP.HCM thành khu đô thị cảng, tạo tiền đề quan trọng để TP.HCM phát triển hướng ra biển Đông.

Mặc dù được khởi công từ tháng 5/2009, nhưng đến đầu tháng 4/2013 cảng mới hoàn thành 38% khối lượng công việc và phải tạm ngưng thi công toàn bộ các hạng mục do chủ đầu tư không thu xếp được vốn.

Tại thời điểm nói trên, ông Nguyễn Hoàng Dũng - Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước cho biết: Dự án mới hoàn thành 38%, gồm 200m cầu tàu số 3, 2 bến phao, 3 cẩu vạn năng, 6 gàu ngoạm, 3 phễu. Cầu tàu số 2 dài 400m đã thi công được 60%, việc xử lý nền đất yếu đạt 70%, xây dựng kho hàng rời đạt 34%. Hiện các hạng mục đều đã tạm ngưng thi công vì thiếu vốn. Chủ đầu tư đang nợ 10 nhà thầu trên 164 tỷ đồng.

Được biết, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - một trong những nhà đầu tư BĐS lớn tại TP.HCM đã đến tìm hiểu, đặt vấn đề góp vốn đầu tư. Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán với các đối tác có nguyện vọng tham gia dự án chuyển đổi công năng tại Cảng Sài Gòn, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã xin rút, không tham gia.

Theo kế hoạch, giai đoạn 1 của dự án sẽ được hoàn tất vào năm 2014 và Cảng Sài Gòn phấn đấu ngay trong năm 2010 sẽ đưa 200m cầu cảng vào khai thác. Trúng thầu việc xây dựng cầu cảng số 3 của dự án Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước giai đoạn 1 với thời gian 12 tháng là một nhà thầu trong nước, có nhiều kinh nghiệm xây dựng các cảng biển lớn trong nước là Tổng Công ty Xây dựng Đường Thủy.

Theo thiết kế, giai đoạn 2 của dự án Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước sẽ được triển khai trên diện tích hơn 40ha; chiều dài cầu tàu đạt 1.000m với trang thiết bị hiện đại, năng lực hàng hóa thông qua cảng đạt 10 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư cho giai đoạn 2 cũng lên đến 3.200 tỷ đồng.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, để hạn chế khó khăn, tránh lãng phí vốn đầu tư, Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước đã xin khai thác tạm 200m cầu tàu đã hoàn thành và sử dụng các bến phao để khai thác hàng rời. 

Trong năm 2012, cảng đã khai thác trên 240 nghìn tấn, doanh thu trên 6 tỷ đồng. Dự kiến đầu tháng 4/2013 sẽ tiếp nhận tàu chở gạo vào cập cảng cầu tàu tạm. Về lâu dài, ông Dũng cho biết đã lên kế hoạch xin phân kỳ thực hiện dự án tùy theo tình hình tài chính và khai thác cảng. 

Theo đó, từ nay đến năm 2015 sẽ hoàn tất các hạng mục chưa hoàn thiện, điều chuyển dần các thiết bị từ cảng Nhà Rồng - Khánh Hội để khai thác 600m cầu tàu với tổng nguồn vốn đầu tư 1.486 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đã thực hiện trong thời gian qua đã là 791 tỷ đồng, còn lại từ nay đến năm 2015 cần khoảng 695 tỷ đồng.

Cụ thể, trong năm 2013, cần 286 tỷ đồng để trả nợ cho các nhà thầu và tiến hành hoàn tất phần dở dang của 400m cầu tàu số 2, đường bãi tạm phục vụ khai thác, mua nền tái định cư. Qua năm 2014, cần 170 tỷ đồng để tiếp tục xử lý phần nền, xây dựng phân đoạn 6 của cầu tàu số 2. 

Đến năm 2015, cần 239 tỷ đồng để xử lý tiếp phần nền, xây dựng phân đoạn 2 cầu tàu số 2 và hoàn tất kho hàng dang dở. Đồng thời, chuyển toàn bộ thiết bị từ cảng Nhà Rồng - Khánh Hội đến./.

Bình An (Tổng hợp)