Rà soát vị trí đặt trạm, mức thu phí BOT

05/10/2017 06:09
Diệu Linh
(GDVN) - Đây là vấn đề được dư luận cả nước đặc biệt quan tâm thời gian qua, nhất là sau khi có hàng loạt trạm thu phí BOT “thất thủ” trước sự phản ứng của người dân.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các địa phương và chủ đầu tư liên quan rà soát việc đặt trạm thu phí và mức thu phí (kể cả các dự án chưa tổ chức thu).

Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng, phải có giải pháp xử lý thích hợp, kịp thời, trên cơ sở khoa học và thực tiễn; đồng thời cung cấp thông tin đầy đủ, khách quan để không phát sinh các vấn đề xã hội phức tạp.

Trạm thu phí BOT Tam Nông (Phú Thọ) cũng đã từng bị người dân phản đối vị trí đặt trạm gây khó khăn cho đời sống của người dân ở khu vực này. ảnh: TTXVN.
Trạm thu phí BOT Tam Nông (Phú Thọ) cũng đã từng bị người dân phản đối vị trí đặt trạm gây khó khăn cho đời sống của người dân ở khu vực này. ảnh: TTXVN.

Trên thực tế đã có nhiều vụ việc người dân phản ứng với các vị trí đặt trạm BOT khiến cho họ phải trả những khoản tiền vô lý dù quãng đường di chuyển rất ngắn (chỉ vài km) để đến nơi làm việc, đón con… vẫn diễn ra nhiều năm nay.

Có thể kể tới đó là sự phản ứng của người dân tại trạm thu phí BOT ở huyện Tam Nông (Phú Thọ), trạm BOT Cầu Bến Thủy (Nghệ An – Hà Tĩnh); trạm thu phí Phước Tượng-Phú Gia bị người dân ở Lăng Cô phản ứng; Trạm thu phí ở Sóc Trăng; Trạm thu phí tuyến tránh Thành phố Biên Hòa (Đồng Nai); Trạm thu phí đường 91 (đoạn Cần Thơ – An Giang); Trạm BOT Quốc lộ 6 (Xuân Mai, Hòa Bình)…

Rà soát vị trí đặt trạm, mức thu phí BOT ảnh 2

Sai phạm tại các dự án BOT: Sao chưa ai phải cúi đầu nhận tội?

Gần đây nhất là hàng loạt lái xe trả tiền lẻ khi qua trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) và trạm BOT trên đường 5 cũ (đoạn qua Đình Dù, Hưng Yên) cũng là để phản đối mức thu phí cao và vị trí đặt trạm không hợp lý gây khó khăn cho sinh hoạt của người dân ở quanh khu vực.

Tất cả những bất cập này đáng lẽ ra phải được tính toán và giải quyết ngay từ quá trình lập dự án cho tới khi đi vào hoạt động chính thức, nhưng chủ đầu tư và cơ quan quản lý ở cấp cao nhất là Bộ Giao thông Vận tải đã bỏ qua, cho đến khi có sự phản ứng dữ dội của người dân thì mới tiến hành giảm hoặc miễn thu phí.

Sau khi có phản ứng của người dân thì các địa phương cũng đã lên tiếng yêu cầu di chuyển trạm thu phí đến vị trí hợp lý, tránh gây khó khăn cho người dân sinh sống ổn định tại khu vực.

Trên thực tế, có những trạm thu phí BOT ngay từ khi xây dựng đặt trạm đã bị người dân phản đối, chính quyền đã có văn bản đề nghị di chuyển đến vị trí khác nhưng Bộ Giao thông Vận tải không thực hiện, điển hình là trạm BOT tại Tam Nông (Phú Thọ).

Không chỉ xảy ra chuyện đặt trạm thu phí ở những vị trí không phù hợp gây khó khăn cho nhân dân tại các khu vực này mà thực tế có cả chuyện thu phí vô lý như ở đường 5 cũ (thu tăng lên để bù cho phần vay làm đường 5 mới).

Trạm thu phí đường 5 cũ cũng từng bị lái xe trả tiền lẻ để phản đối mức thu phí cao. Sau khi xảy ra sự cố này, tỉnh Hưng Yên đã đề nghị di dời trạm thu phí đến vị trí khác. ảnh: vov.
Trạm thu phí đường 5 cũ cũng từng bị lái xe trả tiền lẻ để phản đối mức thu phí cao. Sau khi xảy ra sự cố này, tỉnh Hưng Yên đã đề nghị di dời trạm thu phí đến vị trí khác. ảnh: vov.

Còn ở tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ thì theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, chủ đầu tư mới chi phí 30% mà đã thu tiền như đường đầu tư mới hoàn toàn.

Đó là một cách làm ăn trắng trợn mà nhiều người gọi là “móc túi” của dân, ấy vậy mà đã tồn tại nhiều năm qua, cho tới khi Thanh tra Chính phủ chính thức vào cuộc và công bố sai phạm ở dự án này.

Rà soát vị trí đặt trạm, mức thu phí BOT ảnh 4

Di sản của ông Đinh La Thăng: BOT và công tác cán bộ!

Như vậy là cách làm của chủ đầu tư BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ thực chất chỉ là “đánh bùn sang ao”, nhằm đánh lừa dư luận.

Bị dư luận phản ứng kịch liệt thì nhà đầu tư lại lý giải vòng vo rằng thu phí cao như vậy để giảm thời gian thu xuống còn 11 năm, sau đó họ giảm phí 25% nhưng lại đánh tiếng là sẽ giữ nguyên thời gian thu 17 năm.

Trước thực trạng này, rất nhiều ý kiến đã đề nghị cần có một cơ quan chức năng độc lập không thuộc Bộ Giao thông Vận tải vào cuộc làm rõ những sai phạm ở trạm BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ và các trạm BOT khác, xử lý nghiêm minh, dứt khoát không thể để tồn tại tình trạng “đầu tư giả, thu tiền thật”, không thể để cho các nhà đầu tư yếu kém “tay không bắt giặc”.

Việc các trạm BOT giảm phí và Bộ Giao thông Vận tải chưa có động thái nào thanh tra, kiểm tra ở từng dự án liệu có phải là xuê xoa cho những sai phạm?

Ông Nguyễn Ngọc Bảo (Đại biểu Quốc hội khóa 13) phân tích: “Triển khai các dự án theo hình thức BOT là chủ trương hoàn toàn đúng, nhưng chúng ta phải quản lý, kiểm soát để đảm bảo lợi ích của người dân, lợi ích của doanh nghiệp, lợi ích đất nước chứ không phải lợi ích nhóm.

Điều dễ nhận thấy hiện nay là cứ ông nào được làm BOT tất nhiên sẽ có rất nhiều tiền. Từ "tay không bắt giặc" nói về đầu tư vào BOT là hoàn toàn chính xác.

Các dự án BOT bị đội giá đến mức độ hầu như nhà đầu tư không phải bỏ tiền túi ra mà vẫn có lãi. Quy định hiện nay cũng không chặt chẽ nên nhà đầu tư không có năng lực tài chính vẫn trúng thầu và được vay quá nhiều.

Hệ lụy là bây giờ người dân, doanh nghiệp không chịu nổi phải phản ứng, còn Chính phủ thì đang vất vả giải quyết những sự cố ấy”.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội: “Thu phí BOT hiện nay như kiểu trấn lột, các trạm thu phí đặt một cách bừa bãi. Thu phí dù chỉ một đồng của người dân nhưng là bất công cũng phải dừng ngay".

Vì vậy, ông Dũng đề nghị: "Cần phải xem xét lại tất cả các hợp đồng BOT. Các dự án BOT giao thông hiện nay đang có nhiều điều không ổn. Không xử lý sớm bất ổn có thể sẽ xảy ra".

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, Quốc hội cần phải vào cuộc vì đây là cơ quan cao nhất đại diện cho quyền và lợi ích của người dân, cần phải có những phiên tranh luận, điều trần để làm sáng rõ khía cạnh chính sách liên quan đến BOT.

Diệu Linh