Rùng mình với các thảm họa thực phẩm tuần qua

08/08/2011 03:11
(GDVN) - Từ bánh mỳ mốc tới bia Sài Gòn hôi hay hàng loạt các món tươi chứa chất bảo quản,... khiến nhiều người tiêu dùng rùng mình ớn lạnh!

(GDVN) - Có lẽ chưa khi nào những sự cố thực phẩm lại nổi cộm như tuần qua. Các chiêu bài biến trái non chín đều sau 1 đêm, cận cảnh công nghệ chế hàng trăm lít mỡ thối tung ra thị trường, hàng loạt các món ăn tươi chứa chất bảo quản, nôn thốc, nôn tháo do uống bia Sài Gòn hôi hay bánh mỳ bán tại Fivimart còn hạn sử dụng đã mốc xanh, mốc đen…

>> Cảnh báo công nghệ chế biến bẩn: Từ sữa Ba Vì tới bát bún chả

Báo Giáo Dục Việt Nam xin điểm lại một số sự cố tiêu dùng nổi bật nhất đăng tải trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trong tuần qua.

1. Cận cảnh “lò” thắng mỡ thối

Bám theo xe ba gác máy của vợ chồng bà Hương chở đầy các loại mỡ, da đã thối rữa đựng trong nhiều bọc nilông, phóng viên đến cơ sở Hương Hoa chuyên tái chế mỡ thối trên đường Nguyễn Văn Quá, P.Đông Hưng Thuận, Q.12. Cách cơ sở này chừng 50m, mùi tanh hôi nồng nặc bốc ra từ những chảo mỡ nghi ngút khói và những đống da, mỡ heo mốc xanh đặt dưới nền. Một người dân ở đây cho biết: “Mỗi ngày, lò mỡ heo thối này cháy chảo từ lúc 3g-4g sáng và khách nườm nượp kéo nhau tới lấy mỡ heo cứ thế kéo dài đến 18-19g”.

a
Mỡ thối được một cơ sở ở Q.12 xử lý trước khi đưa
vào thắng.

Tại đây luôn có hơn chục nhân viên quần quật quanh các chảo thắng mỡ. Không cần rửa lại, các loại da, mỡ được nhân viên nữ cầm dao hì hục cạo lông chất thành từng đống. Tất cả được đưa vào một máy xay cũ kỹ, gỉ sét để xay nhuyễn cho rơi thẳng xuống những chậu nhựa hứng sẵn dưới đất.

Hai người đàn ông đứng chảo luôn tay bốc từng nắm mỡ thảy vào trong chảo đang sùng sục sôi. Cứ khoảng năm phút, nhân viên đứng kế bên lại dùng một thanh sắt lùa mùn cưa để nhen lửa. Mùn cưa, tro lửa cứ thế bay luôn vào chảo mỡ. Lâu lâu, họ lại dùng gáo nhựa múc mỡ đã thắng trong chảo đổ ra hai thùng sắt chờ nguội trước khi đóng thùng loại 24 lít bỏ mối.

“Cơ sở tui chỉ bán sỉ hay bán cho các nhà hàng, quán ăn, các cơ sở làm bánh, bếp ăn tập thể. Bán giá bèo mà đem về chiên ăn thì tụi tui không chịu trách nhiệm gì đâu nghe. Giá mỡ loại 1 tụi này bỏ mối tại lò là 24.000 đồng/kg, loại “đen” hơn một tí thì giá 20.000 đồng/kg” - bà Hương nói. Các loại da, mỡ heo thối được cơ sở này gom về từ các quầy thịt heo ở các chợ với giá 5.000-15.000 đồng/kg tùy chất lượng mỡ còn trắng hay đang bị phân hủy.

2. Bánh mỳ mốc đen tại Fivimart

Tìm đến siêu thị thay vì đi chợ hay ghé vào các đại lý nhỏ lẻ mua hàng từ lâu đã trở thành thói quen của nhiều người tiêu dùng Việt. Tuy nhiên, không ít trường hợp, khách hàng đã thất vọng vì mua phải thực phẩm hỏng, thối rữa, kém chất lượng.

a
Chiếc bánh mỳ mốc xanh, mốc đen mua tại siêu thị Fivimart.

Phản ánh tới báo giaoduc.net.vn, bác Oanh (cư ngụ tại ngõ 100 đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) cho biết: Chiều ngày 1/8, bác có vào siêu thị Fivimart trên đường Hoàng Quốc Việt để mua 03 gói bánh mỳ Benbơ mặn, nhân pho mát cho cháu nhỏ ăn và một số vật dụng gia đình khác. Trên gói bánh mỳ có ghi rõ hạn sử dụng từ 22/7/2011 đến ngày 01/08/2011, vỏ bao bì vẫn phồng căng như bình thường. Tuy nhiên, ngay khi đem về nhà, buổi tối hôm đó, lúc bóc bánh ra cho cháu ăn thì bác ngạc nhiên phát hiện: Bánh đã mốc xanh từ bao giờ. Hai bề mặt bánh nhuốm một màu đen ngòm vì mốc thay vì màu vàng nhẹ thơm ngon, bắt mắt.

Liên quan tới vấn đề này, bà Trần Thị Thanh An, cán bộ phụ trách kinh doanh của Công ty TNHH CBTP Thanh Tâm – đơn vị sản xuất bánh mỳ Benbơ giải thích: Trong quá trình làm nguội và đóng gói, nhân viên đã đưa sản phẩm vào đóng gói khi sản phẩm chưa nguội hoàn toàn, dẫn đến hiện tượng sản phẩm bị hấp hơi, vì vậy bánh đã xảy ra hiện tượng mốc.

Một nguyên nhân khác nữa là nhân viên chăm sóc siêu thị của công ty Thanh Tâm chưa sát sao trong việc thu hồi sản phẩm tại hệ thống siêu thị. Khi hạn sử dụng còn 03 ngày, nhân viên đã không tiêu hủy sản phẩm theo cam kết, quy định của công ty nên đã xảy ra sự việc đáng tiếc nói trên.

3. Nôn thốc tháo vì uống phải bia Sài Gòn bị mốc, hôi

a
Bia Sài Gòn bị "tố" là mốc và hôi.
Đêm 5/8, khi đang ngồi nhậu, hai người bạn của anh Trần Công Thành (Bố Trạch, Quảng Bình) bắt đầu nôn, chóng mặt và có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm. Xem xét thực phẩm và thức uống trên bàn, anh Thành và những người bạn của mình phát hiện tất cả số bia Sài Gòn đã dùng đều có dấu hiệu bị mốc... nhãn mác dán không đúng vị trí mà còn bị lệch. Đáng chú ý, là bia có mùi hôi khó chịu, đầy các vết mốc và vị chua.

Sau khi được biết thông tin, Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Quảng Bình đã đến tiến hành kiểm tra và lập biên bản sự việc

Phía Sabeco tại Quảng Bình cũng khẳng định: Sự việc trên là có thật. Tuy nhiên, ông Trần Văn Trực, Giám sát kinh doanh của Sabeco Quảng Bình lại phân bua rằng: Chủ quán nhậu tại đây lấy hàng phân phối từ đại lý và số lương bia này cũng xuất phát từ các đại lý. Ông cho biết thêm phía Công ty sẽ xem xét và giải quyết vấn đề bức xúc của khách hàng.

Về phía người tiêu dùng, anh Thành chia sẻ: Bỏ tiền ra để sử dụng sản phẩm nhưng sản phẩm của họ khiến người dân cảm thấy không an tâm.Vì vậy,  mọi người đều muốn các cơ quan kiểm tra làm việc và có câu trả lời thích đáng để người dân không phải lo lắng khi sử dụng sản phẩm Bia Sài Gòn.

4. Trái non "biến hóa" thành chín... chỉ sau 1 đêm

Thông thường sầu riêng từ lúc ra hoa đến kết trái chín phải mất 100-110 ngày, tuy nhiên, theo một thương lái ở huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai cho biết: Họ thường cho người vào tận vườn cắt trái non chỉ từ 70-80 ngày tuổi, sau đó “biến hóa” thành hoa quả chín bằng hóa chất.

Công nghệ “tắm” thuốc cho trái chín nhanh và đều khá đơn giản. Chỉ về phía thùng nhựa 20 lít, “cho 2-3 nắp ethephon vào thùng, khuấy đều rồi lần lượt nhúng trái vào thùng và xếp qua bên này. Chỉ sau một đêm là trái chín đều hàng loạt” – một người dân trong nghề tiết lộ.

Không khó để tìm ra loại thuốc này ở các tiệm bán thuốc bảo vệ thực vật, phân bón ven quốc lộ 1A, quốc lộ 56 thuộc tỉnh Đồng Nai. Ông Tâm, một chủ tiệm tạp hóa ở chợ Nhân Nghĩa, cho biết: “Hàng này rất bán chạy, người ăn trái có làm sao đâu. Giá 32.000 đồng/500ml”.
 
a
Với vài thao tác đơn giản, quả sẽ chín nhờ hóa chất chỉ  sau 1 đêm


Đã sử dụng “công nghệ” được hơn một năm nay, bà Mai hướng dẫn: “Sau khi dùng dùi nhọn đâm vào cuống trái, chỉ cần bơm 2-5cc (1cc = 1ml) tùy trái lớn hay nhỏ, muốn chín nhanh thì bơm nhiều hơn. Sau hai ngày bảo đảm trái chín đều, không sượng. Trường hợp trái đã chín một phần thì bơm thuốc vào phần còn lại coi như trái chín đều”.

Bà Mai cho hay lượng hàng mỗi ngày có thể lên đến gần 1 tấn, đa số do các đầu mối ngoài Hà Nội và miền Trung đặt làm. “Mít ở đây sau thời gian vận chuyển tới nơi là trái đã chín đều, bán chạy hơn” - bà Mai khẳng định.

Không ít người dùng các loại hóa chất không tên vì mục đích lợi nhuận. Nhiều chủ sạp thừa nhận nhiều khi bán chậm phải dùng hóa chất bảo quản để kéo dài tuổi thọ cho trái, như vậy mới mong thu hồi vốn.

Mặc dù vậy, ông Huynh vẫn phân trần: “Làm thế cũng chưa bằng loại nho Trung Quốc. Mười lần khui thùng hàng thì có đến mười lần tôi phát hiện bên trong có chai nhỏ bốc mùi khó chịu. Loại trái này để được gần tháng trời vẫn tươi nguyên”.

5. Giò lụa, xôi gấc cùng hàng loạt món tươi chứa chất bảo quản

Con gái bà Tâm (Tp. HCM) đã từng để quên đĩa chả lụa trong lồng bàn hai ngày, trong thời tiết nóng ẩm, không bảo quản lạnh, miếng chả vẫn không bị hư. Thấy vậy bà Tâm đã thử mua cây chả gói lá chuối mang về dùng 1/2 cây, và 1/2 còn lại để tủ lạnh, sau một tháng chả vẫn tươi.

Còn bà Tuyết (quận 3) đã hốt hoảng khi thấy nước tiểu của con trai tám tuổi có màu đỏ. Truy hỏi cặn kẽ mới biết cậu bé đã ăn đến hai gói xôi gấc mua gần trường. Bà Tuyết chia sẻ: Tôi không rõ họ nấu bằng phẩm màu gì mà đi tiểu ra màu đỏ, từ đó không bao giờ tôi dám mua xôi gấc, xôi xanh lá dứa hay tím lá cẩm nữa.

Ngay cả bánh trung thu, cũng đừng tưởng loại nào cũng dùng toàn nguyên liệu tự nhiên như lòng đỏ trứng tẩm vào vỏ bánh để khi nướng có màu vàng nâu và bảo quản bằng độ ngọt của đường. Một số loại bánh nhân thập cẩm còn chứa chất điều vị, bánh nhân ngọt chứa hương liệu tạo mùi đậu xanh, trà xanh, dâu… và phẩm màu.
 

a

Nhiều món tươi như giò chả vẫn chứa chất bảo quản.


Ngày 4/6/2011 tại hội thảo Phụ gia thực phẩm: những nguy cơ tiềm ẩn” tổ chức tại TP.HCM, ông Vũ Trọng Thiện - phó viện trưởng viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM cho biết: qua kiểm tra ngẫu nhiên 100 chiếc bánh bao được bày bán trên thị trường thì có đến 93 chiếc sử dụng chất bảo quản ngoài danh mục cho phép. Một số thực phẩm khác như: phômai, sữa tươi tiệt trùng, thực phẩm chay, mì ăn liền, tương ớt, tương cà cũng sử dụng liều lượng natri benzoat vượt mức cho phép, có loại vượt gấp nhiều lần.

Rau câu, bánh flan, sữa đậu xanh… vốn là loại ăn liền, người bán để trong tủ lạnh và người mua cũng phải giữ lạnh nên thường bị nhầm lẫn là món tươi. Thực ra trong thành phần một số loại bánh flan, có ghi chứa muối natri. Một số loại còn thêm hương liệu để dậy mùi sữa, mùi caramen. Trong rau câu ngoài chất bảo quản, còn có thêm màu xanh, màu đỏ, màu cam… và mùi hương lá dứa, hương dâu, hương cam (tuỳ theo loại).
TP.HCM có hàng trăm điểm bán bánh bao, từ tiệm ăn đến lề đường, hầu hết đều lấy từ các lò. Thời gian từ lúc sản xuất đến tay người dùng có khi qua vài ngày. Vì vậy chất bảo quản sẽ giúp nhân thịt, trứng không bị hư.

Việc sử dụng chất bảo quản natri benzoat (còn gọi là muối natri) để thực phẩm không bị ôi thiu, nấm mốc nhằm kéo dài thời hạn sử dụng đang rất phổ biến.

Khởi Sự (Tổng hợp)

Tin bài liên quan:

>> Hãi hùng dầu tái chế lẫn rau củ, xác côn trùng ở TP.HCM

>> Sửng sốt bánh mỳ mốc xanh, mốc đen của siêu thị Fivimart

>> Nôn thốc tháo vì uống phải bia Sài Gòn bị mốc, hôi

>> TP.HCM: Tràn lan thực phẩm ăn liền chứa chất bảo quản

>> “Tắm” hóa chất khiến trái non chín đều sau… 1 đêm

>> Bán bánh mỳ mốc, Fivimart và nhà sản xuất xin lỗi khách hàng

>> Biến nầm lợn hôi thối thành nầm dê bằng hóa chất cực độc

>> Phát hiện hàng tấn thịt dê bốc mùi cung cấp cho nhà hàng Dũng râu

>> Thịt lợn tai xanh chế thành chả, ruốc và tuồn về Hà Nội?

alt