Sáp nhập ngân hàng né sở hữu chéo: Toan tính của các ông chủ

25/04/2014 10:55
Hoàng Lực
(GDVN) - Đó là nhận định của nhiều chuyên gia trước làn sóng sáp nhập ngân hàng mới thời gian vừa qua đặc biệt nhìn vào trường hợp của SacomBank và Ngân hàng Phương Nam

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục tái cơ cấu một số tổ chức tín dụng (TCTD), trong đó sẽ xử lý từ 6 - 7 ngân hàng thông qua hình thức sáp nhập, đưa số ngân hàng bị giải thể, rút giấy phép từ trước đến nay lên từ 7 - 10 ngân hàng.

Theo đó, khác với những trường hợp sáp nhập ngân hàng trước đây khi việc sáp nhập dựa trên yêu cầu cơ quan quản lý, hiện nay làn sóng sáp nhập ngân hàng mới đang dần trở thành nhu cầu sống còn của các ngân hàng, đặc biệt với ngân hàng nhỏ. 

Một làn sóng sáp nhập ngân hàng mới đang diễn ra với nhiều điểm mới
Một làn sóng sáp nhập ngân hàng mới đang diễn ra với nhiều điểm mới

Qua thương vụ Mekong Bank chuẩn bị sáp nhập vào Maritime Bank hay sáp nhập Southern Bank vào Sacombank, nhiều "bí mật" đã được vén màn.

Thứ nhất sáp nhập để tránh sở hữu chéo, điển hình là mô hình Sacombank sáp nhập Southerbank và Maritime Bank sáp nhập MDB.

Cụ thể, với việc Sacombank sáp nhập Southerbank, ông Trầm Bê - Phó chủ tịch HĐQT Sacombank đã “quy được về một mối” sở hữu của mình tại hai ngân hàng này. Hiện ông Trầm Bê và những người liên quan đang nắm 6,78% vốn điều lệ của Sacombank và hơn 20% vốn điều lệ tại Southerbank.

Sáp nhập Ngân hàng Phương Nam và Sacombank gia đình ông Trầm Bê được hưởng lợi?
Sáp nhập Ngân hàng Phương Nam và Sacombank gia đình ông Trầm Bê được hưởng lợi?

Tương tự, sáp nhập MDB vào Maritime Bank cũng giúp hai tổ chức này gỡ được mối quan hệ chằng chịt, phức tạp về sở hữu chéo. Cụ thể, Maritime Bank đang nắm 10,16% vốn MDB, chưa kể khoản đầu tư ủy thác thông qua Công ty cổ phần Quản lý Quỹ Tín Phát - TPF (khoảng 282 tỷ đồng). Trong khi đó, MDB đã mua 300 tỷ đồng trái phiếu của một công ty thành viên Tập đoàn Phát triển Việt Nam (V.I.D Group) - tập đoàn có mối quan hệ mật thiết với lãnh đạo Maritime Bank và nắm giữ 325 tỷ đồng trái phiếu của Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản Maritime Bank.

Đưa quan điểm đánh giá về đặc điểm này, TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, trong trường hợp của SacomBank và Ngân hàng Phương Nam, một trong những điểm thuận lợi là nhằm giảm sở hữu chéo. Như trường hợp gia đình ông Trầm Bê, trước khi sáp nhập ông đang sở hữu cổ phần của 2 ngân hàng còn khi sáp nhập thì sở hữu đó thu về một mối. 

“Tôi không biết đằng sau việc sáp nhập này có phải ý tưởng của cá nhân ông Trầm Bê hay không nhưng tác dụng là rõ ràng làm giảm sở hữu chéo. Nếu các ngân hàng nhờ việc sáp nhập mà làm tinh gọn lại quyền sở hữu của một số cá nhân trong nhiều ngân hàng đây là điều có lợi cho nền kinh tế”, ông Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, nếu còn tồn tại sở hữu chéo trong nền kinh tế sẽ dẫn đến việc một số cá nhân lạm dụng vị trí tại nhiều ngân hàng để kinh doanh có lợi cho cá nhân hoặc cho nhóm lợi ích của mình. “Nếu giải quyết được sở hữu chéo, có nghĩa chúng ta đã lấy đi công cụ lạm dụng của họ. Điều này là tốt cho nền kinh tế và có lợi cho ngành ngân hàng”, TS Hiếu phân tích.

Thứ hai xuất hiện mô hình ngân hàng con, ngân hàng mẹ cụ thể như trong làn sóng sáp nhập mới là việc Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) xin ý kiến cổ đông sáp nhập vào một ngân hàng lớn của nhà nước nhưng không phải là xóa đi tên PG Bank.

TS Nguyễn Trí Hiếu trong cuộc trao đổi với phóng viên
TS Nguyễn Trí Hiếu trong cuộc trao đổi với phóng viên

Đây là điều được xem là nghịch lý trong cạnh tranh vìếu mà hai ngân hàng cùng hoạt động trên cùng địa bàn cùng có những sản phẩm dịch vụ khác nhau và có cùng thị trường và có nhiều khách hàng trùng lặp thì rõ ràng dẫn đến việc “tay phải” sẽ cạnh tranh với “tay trái” .

Theo ông Hiếu, mô hình ngân hàng con trong ngân hàng mẹ trên thế giới cũng có, chẳng hạn bên Mỹ cũng có những ngân hàng mẹ có nhiều ngân hàng con. Nhưng chức năng hoạt động của các ngân hàng đó khác biệt. Ví dụ ngân hàng mẹ hoạt động trên bình diện liên bang, ngân hàng con hoạt động bình diện tiểu bang, thành phố nhỏ... nghĩa là thị trường khác biệt, chức năng riêng biệt.

“Nói như vậy để thấy mô hình này có thể thực hiện được nếu chức năng của các ngân hàng được tách biệt một cách rạch ròi cũng như việc tách biệt về địa lý và thị trường khi đó mô hình này sẽ phát triển tốt còn ngược lại thì nội bộ ngân hàng mẹ sẽ phải cạnh tranh lẫn nhau”, ông Hiếu nhận định. 

Tuy nhiên ngược lại, nếu đề án này thành công sẽ cho thấy, PGBank đã rất khôn khéo khi đưa ra đề xuất này bởi dù sáp nhập nhưng trên giao dịch tài chính cái tên PGBank vẫn tồn tại. “PGBank vẫn giữ được thương hiệu, khách hàng được lợi khi không phải chuyển đổi giao dịch, chỉ có quyền sở hữu được thay đổi. PG Bank bảo toàn được thương hiệu và dịch vụ mà họ mất công xây dựng, đây là sự khôn khéo của PGBank”, TS Hiếu nhận định. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chưa rõ lý do vì sao PGBank "rút lại" kế hoạch trên.

Đặc điểm thứ ba trong làn sóng sáp nhập ngân hàng mới đó là việc các ngân hàng nhỏ luôn phải tìm một ngân hàng lớn để xin sáp nhập. Theo TS Hiếu, đây là điều dễ hiểu bới các ngân hàng nhỏ đang gặp rất nhiều khó khăn như hiện nay, nếu không sáp nhập không thể tồn tại.

“Đây chưa phải là giai đoạn các ngân hàng nhỏ cùng ngồi lại hợp tác với nhau để cùng vượt qua khó khăn, mà các ngân hàng nhỏ phải tìm ngân hàng lớn để dựa vào. Nhưng không loại trừ tường hợp qua giai đoạn khó khăn sẽ có làn sóng các ngân hàng nhỏ ngồi hợp tác để trở thành ngân hàng lớn, người khổng lồ mới. Bởi thực tế ngành ngân hàng nước ta hiện tại tổng tất cả con số ngân hàng kể cả ngân hàng chính sách có trên 40 ngân hàng đây là số lượng ngân hàng rất lớn để phục vụ cho thị trường nhỏ như Việt Nam. Nên việc rút con số ngân hàng lại là điều cần thiết thông qua việc sáp nhập”, ông Hiếu đưa dự đoán.

Hoàng Lực