Sau ngày khai trương tại VN, thực khách nói gì về McDonald's?

10/02/2014 15:36
Lâm Giang
(GDVN) - "McDonald's ở Mỹ chỉ là thức ăn bình dân, còn về Việt Nam nó lại được xem như một thương hiệu cao cấp".

Thương hiệu đồ ăn nhanh hàng đầu của Mỹ McDonald's đã khai trương nhà hàng đầu tiên tại Việt Nam hôm 8/2. 

Mặc dù thâm nhập sau các đối thủ KFC, Starbucks... nhưng trong một tuyên bố hồi tháng 7/2013, McDonald's cho biết họ vẫn nhìn thấy cơ hội phát triển ở Việt Nam trên cơ sở tăng thu nhập bình quân và sự thay đổi thị hiếu của người Việt. 

Sự gia nhập thị trường Việt Nam của McDonald's đã đánh dấu mốc quan trọng, trong đó tất cả các thương hiệu ăn nhanh của Mỹ đều đã hiện diện tại Việt Nam.
Sự  gia nhập thị trường Việt Nam của McDonald's đã đánh dấu mốc quan trọng, trong đó tất cả các thương hiệu ăn nhanh của Mỹ đều đã hiện diện tại Việt Nam.
"Đây là thời điểm phù hợp thể thâm nhập vào Việt Nam sau khi đã xác định được một đối tác mạnh mẽ và cơ hội kinh doanh khả thi", phát ngôn viên của McDonald's Liam Jeory nói với Wall Street Journal.
Theo Wall Street Journal, giá McDonald's vẫn còn khá đắt so với hầu hết người Việt Nam, nên có thể đối mặt với sự cạnh tranh lớn từ các món ăn truyền thống Việt Nam. Giá một xuất Big Mac của McDonald's tại Việt Nam là 2,85 USD (khoảng 50.000 VNĐ), trong khi giá một bát phở truyền thống chỉ tầm 30.000 VNĐ. 
"Tôi tin rằng McDonald's sẽ có một thị phần lớn ở đây khi nhu cầu thức ăn nhanh và khám phá lối sống Mỹ đang ngày càng trở nên phổ biến trong một phần lớn dân thành thị Việt Nam", ông Vương Quân Hoàng - một nhà kinh tế của tổ chức DHVP Research&Consultancy bày tỏ lạc quan.

Trong khi đó, nhiều người dân Việt Nam đã đưa ra các nhận định trái chiều nhau ngay cả trước khi McDonald's khai trương.

"Tôi đã nghe nói về McDonald's trong một thời gian dài và không có gì ngạc nhiên khi nó cuối cùng sẽ đến Việt Nam", Lê Mai Phương - một sinh viên Đại học Thăng Long tại Hà Nội cho biết: "Tôi sẽ thử, nếu nó đến Hà Nội".
Nữ sinh viên này cũng cho biết trên Wall Street Journal: Khi có nhiều thời gian, cô và bạn bè thường chọn thưởng thức các món ăn địa phương như bún chả, phở... nhưng lúc bận rộn thì sẽ chọn ăn trưa tại Burger King hoặc KFC "vì thuận tiện và không mất nhiều thời gian, trong khi giá cả chấp nhận được".
Nguyễn Hoàng Long, một người Việt từng du học ở California (Mỹ) nói  với tờ Bloomberg rằng anh thích đồ ăn nhanh, nhưng "McDonald's ở Mỹ chỉ là thức ăn bình dân, còn về Việt Nam nó lại được xem như một thương hiệu cao cấp".
Ngoài ra, chất lượng cuộc sống gia tăng cũng khiến nhiều người Việt Nam phải đối mặt với bệnh béo phì và tiểu đường, đặc biệt là ở TP.Hồ Chí Minh, nơi 10% trẻ em được cho là bị thừa cân. Hồng Điệp (33 tuổi) đã dẫn hai con của mình đi ăn McDonald's trong ngày khai trương, nhưng cho biết cô chỉ cho chúng ăn bánh mì kẹp thịt và khoai tây chiên như một dịp đặc biệt.
"Tôi biết nó không lành mạnh. Xét về dinh dưỡng, nó không thể so sánh với các món ăn tôi nấu ở nhà được", cô nói. /.
Lâm Giang