SJC sẽ là vàng miếng độc quyền của NHNN Việt Nam

25/11/2011 10:01
Khởi Sự
(GDVN) - Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định trong QH sáng nay (25/11): Để tiết giảm chi phí, từ nay trở đi, nhãn hàng SJC trở thành vàng của NHNN Việt Nam.

Bên cạnh các vấn đề về tái cấu trúc ngân hàng, quản lý hệ thống tiền tệ,… nhiều câu hỏi xoay quanh Nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng mà Ngân hàng Nhà nước vừa trình Chính phủ xem xét ban hành cũng được nêu ra dồn dập trong phiên chất vấn của Quốc hội sáng nay (ngày 25/11).


"Từ nay trở đi, vàng SJC sẽ là vàng của NHNN Việt Nam"

Trước câu hỏi của đại biểu QH về thế độc quyền của SJC trong thời gian tới và việc “Thống đốc có cam kết rằng: không có tình trạng đầu cơ diễn ra ngay không?”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: Vàng SJC hiện nay đang chiếm 90% cổ phần, nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng mới này ra đời sẽ thực hiện được 2 mục tiêu: Một là đảm bảo NHNN sẽ độc quyền trong vấn đề sản xuất kinh doanh vàng miếng, hai là sẽ tiết giảm chi phí kinh doanh vàng miếng vì hiện nay có tới hàng trăm tấn vàng của chúng ta đã được dập ra vàng SJC và thương hiệu này đã được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận.

Vì vậy, “để tiết giảm chi phí, chúng tôi sử dụng luôn nhãn hiệu đó và chúng ta phải hiểu rằng: Từ nay trở đi, nhãn hàng SJC trở thành vàng của NHNN Việt Nam. Khi điều kiện cho phép, chúng tôi sẽ đổi tên SJC thành STV cho đồng bào cả nước yên tâm” – Thống đốc Bình khẳng định.
"Khi điều kiện cho phép, chúng tôi sẽ đổi tên SJC thành STV cho đồng bào cả nước yên tâm” - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho biết trong Quốc hội sáng nay (25/11)
"Khi điều kiện cho phép, chúng tôi sẽ đổi tên SJC thành STV cho đồng bào cả nước yên tâm” - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho biết trong Quốc hội sáng nay (25/11)

Trước đó, không ít các chuyên gia kinh tế đã đưa ra ý kiến khi cho rằng: Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu để đưa ra một hệ số chuyển đổi đi cùng với nó. Tức là với các điều kiện, quy định đó, chỉ có vàng miếng thương hiệu SJC đáp ứng được và tiếp tục sản xuất, những sản phẩm vàng thương hiệu khác sẽ được chuyển đổi sang vàng SJC theo một hệ số nào đó. Điều này sẽ giúp ổn định tâm lý thị trường và hạn chế những xáo trộn.

Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra và cũng là những băn khoăn, lo lắng của giới kinh doanh vàng: Nếu việc độc quyền vàng miếng của SJC trở thành hiện thực liệu thị trường vàng trong nước sẽ đi về đâu?

Nghị định quản lý vàng sắp tới sẽ ảnh hưởng tới một nhóm lợi ích

Hiện tượng “đại hạ giá” từ một số doanh nghiệp không sản xuất, không sở hữu vàng miếng không phải SJC đã diễn ra trong thời gian gần đây. Với câu hỏi của đại biểu về việc: Nghị định quản lý vàng sắp tới sẽ ảnh hưởng tới một nhóm lợi ích, Thống đốc Bình quả quyết: “Nội dung chính của Nghị định quản lý mới này sẽ tạo ra một khuôn khổ để hoạt động sản xuất kinh doanh vàng, theo đó khuyến khích hoạt động sản xuất, chế tác vàng trang sức – Đó là một hoạt động bình thường tạo ra hàng hóa xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho những đơn vị sản xuất, chế tác vàng trang sức.

Chúng ta siết lại một bước việc quản lý kinh doanh vàng miếng theo nguyên tắc nhà nước độc quyền về sản xuất và kinh doanh vàng miếng. Vì vậy, nếu có nhóm lợi ích nào bị Nghị định này làm ảnh hưởng thì các nhóm lợi ích đó đi trái lại lợi ích của quốc gia sẽ không được chấp nhận và sẽ không được tồn tại trong thời gian tới” – Thống đốc NHNN khẳng định.
Nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng mà Ngân hàng Nhà nước vừa trình Chính phủ xem xét có thể sẽ ảnh hưởng tới một nhóm lợi ích kinh doanh vàng.
Nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng mà Ngân hàng Nhà nước vừa trình Chính phủ xem xét có thể sẽ ảnh hưởng tới một nhóm lợi ích kinh doanh vàng.

Cũng trong buổi chất vấn của Quốc hội, Thống đốc Bình thừa nhận những bất cập về mặt bằng pháp lý của nước ta trong việc điều hành, quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Thống đốc Bình nói: Trong luật NHNN năm 1997 có quy định: NHNN thống nhất quản lý vàng nhưng các văn bản dưới luật như nghị định 174, hoạt động sản xuất kinh doanh vàng được phân ra rất nhiều khúc, trong đó NHNN chỉ được quản lý khâu xuất nhập khẩu vàng, vàng nguyên liệu và sản xuất vàng miếng. Còn tất cả khâu sau được coi là hàng hóa bình thường và được quy định về hàng hóa bình thường.

“Điều đó gây ra nhiều bất cập, cùng một thỏi vàng, ví dụ nhập về là 25kg, chạy qua máy giặt của công ty vàng miếng, sang đầu bên kia, 2 đầu là 2 cơ chế hoàn toàn khác nhau, bên này là NHNN quản lý (vì vàng là nguyên liệu), bên kia là Bộ Công thương (vì vàng được coi là hàng hóa).

Hơn nữa, trước đây, cũng có một thời gian dài, thị trường coi vàng miếng là hàng hóa thông thường. Do vậy, các cửa hàng kinh doanh vàng trang sức có tới 12.000 cửa hàng trong cả nước,tập trung chủ yếu ở Hà Nội và Tp. HCM được quyền thả sức kinh doanh vàng miếng.

Ngoài yếu tố bất cập trong mặt bằng pháp lý của Nhà nước, việc giá vàng “loạn giá” và bất ổn trong thời gian vừa qua, theo Thống đốc Bình một phần nguyên nhân bởi ảnh hưởng của tình hình thế giới.

“Do đó, một yêu cầu cấp thiết hiện nay là xây dựng lại nghị định về quản lý và hoạt động kinh doanh vàng. Đến nay, NHNN đã hoàn thành việc xây dựng dự thảo, chính phủ đang lấy ý kiến của bộ ngành và sẽ tiến hành đi vào thực hiện” – Thống đốc nói.

Ngoài ra, hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng gần đây cũng đã ban hành Nghị định 95 xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ngoại hối và kinh doanh vàng. Cùng với đó, hiện nay, NHNN cũng đang gấp rút xây dựng một đề án về Nhà nước huy động vàng.

Với "phát đồ" như vậy, Thống đốc cho rằng: “Có thể sẽ ảnh hưởng tới nhóm lợi ích, mong tất cả mọi người vì đảm bảo lợi ích quốc gia, các đơn vị, các doanh nghiệp, các nhóm lợi ích nào đó có thể phải hi sinh lợi ích của mình”.

Khởi Sự