Tài chính tiêu dùng – Sức sống mới sau hơn 10 năm phát triển

25/03/2021 15:31
Linh Phúc
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đây là chủ đề của tọa đàm thường niên lần thứ 5 diễn ra tại Báo Đầu tư ngày 25/3/2021.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Lê Trọng Minh - Tổng Biên tập Báo Đầu tư khẳng định qua 4 năm tổ chức, tọa đàm đã trở thành diễn đàn có ý nghĩa, đóng góp nhiều ý kiến hữu ích cho sự phát triển của ngành tài chính tiêu dùng còn non trẻ tại Việt Nam.

“Nhìn lại 1 năm kinh tế Việt Nam chịu tác động của đại dịch Covid-19, và nhìn dài hơn 10 năm phát triển của lĩnh vực tài chính tiêu dùng có thể thấy, ngoài những kết quả rất đáng khích lệ đạt được thì vẫn cần phải khẳng định rằng, số lượng các công ty tài chính tiêu dùng đang hoạt động trên thị trường chưa nhiều, tỷ trọng đóng góp trong dư nợ cho vay nền kinh tế vẫn còn thấp, hoạt động nội tại vẫn cần phải hoàn thiện.

Điều này nhìn ở góc độ phát triển lại gợi mở cho chúng ta về một tiềm năng thị trường chưa khai thác còn rất lớn, chưa kể tới nhu cầu tài chính cá nhân của người dân sẽ tiếp tục tăng khi kinh tế phát triển với tốc độ cao”, ông Minh phát biểu.

Phát biểu tại tọa đàm, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia & Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, ngành tài chính tiêu dùng tại Việt Nam trong những năm qua có nhiều bước phát triển tích cực về cả khuôn khổ pháp lý, quy mô thị trường, sản phẩm - dịch vụ và hiệu quả hoạt động.

Về quy mô thị trường, 10 năm qua, tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam đã có bước phát triển nhảy vọt. Dư nợ tín dụng tiêu dùng cuối năm 2020 đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ nền kinh tế, gấp 2,5 lần so với năm 2012 (khoảng 8%). Trong đó, đối với tín dụng bất động sản nhà ở đạt khoảng 1 triệu tỷ đồng (chiếm khoảng 55,5%), theo chỉ đạo của Chính phủ, từ năm 2019, loại tín dụng này được thống kê vào nhóm tín dụng bất động sản). Trong 5 năm qua, tín dụng tiêu dùng (gồm cả tín dụng bất động sản nhà ở) tăng trưởng khoảng 20%/năm - là tương đối tích cực so với tín dụng toàn ngành (tăng khoảng 15,4%).

“Tuy nhiên, nếu bóc tách phần tín dụng bất động sản nhà ở, thì tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam chỉ khoảng 800 ngàn tỷ đồng, chiếm khoảng 8,7% tổng dư nợ của nền kinh tế, thấp hơn nhiều so với các nước như Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc… với tỷ trọng tín dụng tiêu dùng (không bao gồm tín dụng bất động sản nhà ở) chiếm khoảng 15-35%/tổng dư nợ thì tiềm năng phát triển thị trường này tại Việt Nam là còn rất lớn”, ông Lực nhấn mạnh.

Tọa đàm "Tài chính tiêu dùng – Sức sống mới sau hơn 10 năm phát triển" tại Báo Đầu tư sáng 25/3/2021. Ảnh: Thanh Tâm.

Tọa đàm "Tài chính tiêu dùng – Sức sống mới sau hơn 10 năm phát triển" tại Báo Đầu tư sáng 25/3/2021. Ảnh: Thanh Tâm.

Sự phát triển của lĩnh vực tài chính tiêu dùng hơn 10 năm qua giúp nền kinh tế có thêm được nguồn vốn tín dụng hữu hiệu, giúp mở rộng tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất phát triển, gia tăng hàng hóa và tiêu dùng nội địa, góp phần quan trọng vào đẩy lùi hiện tượng tín dụng đen, ổn định đời sống xã hội của người dân. Đồng thời, thị trường tín dụng tiêu dùng góp phần phát triển hệ thống tài chính Việt Nam cùng với việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tài chính toàn diện.

Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước khẳng định, cùng với sự phát triển kinh tế thì mức tiêu dùng của người dân ngày càng tăng, theo đó nhu cầu về tài chính tiêu dùng phục vụ đời sống cũng tăng cao.

“Cho vay tiêu dùng là sản phẩm cho vay dưới dạng tín chấp hoặc thế chấp, nhằm hỗ trợ nguồn tài chính cho các nhu cầu mua sắm hàng gia dụng, mua xe, du học, khám chữa bệnh và các nhu cầu thiết yếu khác trong cuộc sống. Cho vay tiêu dùng một mặt giúp đáp ứng nhu cầu của người dân chi tiêu, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của đại bộ phận người dân, mặt khác còn có ý nghĩa lớn trong việc kích cầu nền kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Trong thời gian qua, hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung, đặc biệt là các công ty tài chính tiêu dùng đã phát triển mạnh mẽ nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ tiêu dùng của người dân, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, gia tăng công bằng xã hội”, bà Tùng cho biết.

Đáng chú ý là mạng lưới hoạt động của các công ty tài chính ngày càng phát triển và có xu hướng tiếp cận gần gũi hơn với khách hàng hơn. Ông Nguyễn Thành Phúc – Phó Tổng giám đốc FE CREDIT cho rằng: “Sự có mặt của các công ty tài chính tiêu dùng đã gia tăng cơ hội tiếp cận tài chính cho người dân, đặc biệt là những người có thu nhập trung bình thấp – đây là nhóm khách hàng dưới 'chuẩn' cho vay của các ngân hàng thương mại truyền thống. Sau hơn 10 năm hoạt động, công ty đã và đang cung cấp dịch vụ cho hơn 11 triệu khách và húng tôi vẫn đang mở rộng mạng lưới hoạt động để gia tăng khả năng tiếp cận nguồn tín dụng chính thống cho người dân”.

Mặc dù vậy, theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thị trường tài chính tiêu dùng còn có một số bất cập như qui mô còn nhỏ, thị trường phát triển còn tập trung chủ yếu vào 1 số công ty lớn (3 công ty hàng đầu chiếm đến hơn 75% thị phần); kiến thức về tài chính - tín dụng của người dân còn hạn chế; thiếu thông tin minh bạch, dữ liệu chuẩn về khách hàng; bản thân các công ty tài chính còn khó khăn về huy động vốn (do thị trường vốn còn chưa phát triển), thông tin đôi khi còn thiếu minh bạch, năng lực nhân viên và trình độ công nghệ không đồng đều, bộ máy cồng kềnh dẫn đến chi phí hoạt động còn cao.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực nêu một số giải pháp, trong đó lưu ý: Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc quản lý, giám sát các công ty tài chính (nhất là các qui định về chuẩn mực an toàn cũng như minh bạch thông tin, tiếp thị sản phẩm, quản trị rủi ro...); Khuyến khích, thúc đẩy sản phẩm tài chính gắn với công nghệ, song vẫn kiểm soát được rủi ro và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp; Tạo điều kiện cho các công ty tài chính quy mô vừa và nhỏ phát triển, nhằm tăng tính cạnh tranh thông qua việc thu hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, tiếp nhận nguồn vốn ưu đãi quốc tế… để hạn chế rủi ro tập trung vào số ít các công ty tài chính lớn. Điều này sẽ giúp giảm lãi suất, tăng đa dạng về sản phẩm-dịch vụ, mang lại nhiều lợi ích hơn cho người tiêu dùng cũng như nền kinh tế.

Rà soát, điều chỉnh chiến lược kinh doanh; phát triển mô hình kinh doanh mới phù hợp với xu hướng thị trường trong và sau dịch bện; Phát triển các nền tảng công nghệ phục vụ cho vay tiêu dùng, giảm chi phí, tăng năng suất lao động, phối hợp phát triển các mô hình kinh doanh mới; Chú trọng quản trị rủi ro tín dụng trong bối cảnh chất lượng tín dụng suy giảm do tác động bởi dịch bệnh, cần thường xuyên đánh giá lại chất lượng danh mục cho vay; Cải tiến phương pháp phân tích, chấm điểm tín dụng nhằm tăng cường khả năng giám sát rủi ro tín dụng cũng như xây dựng các phương án kiểm soát rủi ro; Tiết giảm chi phí để tối ưu hóa hoạt động, cân đối phù hợp giữa rủi ro và lãi suất cho vay…

Cũng tại tọa đàm, chuyên gia kinh tế, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh khẳng định vai trò quan trọng của tài chính tiêu dùng trong thúc đẩy tiêu dùng xã hội và đẩy lùi tín dụng đen.

Trích số liệu của ngành ngân hàng, ông Thịnh nói: “Hiện có khoảng 47% người Việt tham gia vay tiền, nhưng chỉ có 18,5% là vay từ những tổ chức tín dụng và các tổ chức tài chính chính thức, phần còn lại là vay từ người thân, bạn bè hoặc tín dụng đen. Khi các hộ gia đình và các chủ thể có thể dễ dàng tiếp cận kênh tài chính tiêu dùng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu vốn nhỏ lẻ, sẽ hạn chế được tình trạng tín dụng đen, tín dụng ngầm trên thị trường, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, tránh được các bất ổn trong đời sống xã hội…”.

Phó Giáo sư Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh yêu cầu phát triển công nghệ để tăng năng suất lao động, tối ưu hoá chi phí vận hành, có tổ chức công ty gọn nhẹ, vận hành hiệu quả, quản trị rủi ro tốt, mang tới cho khách hàng những trải nghiệm tốt, cung cấp cho khách hàng thông tin đầy đủ khi sử dụng các sản phẩm. Trên cơ sở đó, chi phí đầu ra của công ty sẽ rẻ hơn và có thể giảm lãi suất cho khách hàng, nâng cao cơ hội cạnh tranh với các công ty tài chính khác.

Linh Phúc