Thẩn thờ khi được doanh nghiệp trả lương bằng… bánh

08/12/2011 09:32
Khó khăn đã khiến nhiều DN không xoay xở được tiền trả lương cho nhân viên và đành phải trả nợ lương cho nhân viên bằng chính sản phẩm họ sản xuất ra...
Lao động thì ngậm ngùi nhận hàng mà không biết phải xử lý như thế nào.

Trả lương bằng một núi… bánh

Sau ba tháng bị chủ nợ lương cả công nhân và cấp quản lý, anh Ninh Xuân Tr. quyết định thôi việc tại công ty T.P.M chuyên sản xuất bánh tại Hà Nội. Là nhân viên phụ trách bán hàng của toàn thị trường miền Bắc, thu nhập của anh Tr. là gần 20 triệu mỗi tháng, như vậy khoản lương và thưởng công ty còn nợ anh hơn 50 triệu đồng.

Ngay khi thanh lý hợp đồng với công ty mới đây, anh Tr. sững sờ khi công ty tuyên bố trả nợ lương cho anh và những lao động khác của công ty bằng… bánh.

Khoản tiền hơn 50 triệu đồng thu nhập của anh Tr. tương đương với hơn 2.000 gói bánh. “Tiền lương của tôi tương đương với cả một xe tải bánh được chở ra khỏi công ty”, anh Tr. hài hước.

Nhiều nhân viên trong công ty như anh Tr. cũng lễ mễ đưa xe tới chở bánh về. Tuy nhiên, do đã từng là người phụ trách bán hàng nên anh Tr. gửi được các đại lý nhờ bán hộ “núi bánh” đó giúp mình với giá rẻ, nhưng tới thời điểm này các đại lý vẫn nợ lại tiền bán hàng nên anh Tr. vẫn chưa thực sự được nhận lương của mình.
Khó khăn đã khiến nhiều DN phải trả lương cho nhân viên bằng...bánh (Ảnh minh họa).
Khó khăn đã khiến nhiều DN phải trả lương cho nhân viên bằng...bánh (Ảnh minh họa).
Anh Nguyễn Công P., giám đốc điều hành công ty cũng trong tình trạng tương tự. Khoản lương của cán bộ quản lý cũng hoàn toàn được trả bằng… bánh. Đã mấy tháng qua, công ty trả lương cho anh P. khoản tiền 2.100 USD/tháng được quy ra… bánh.

“Công ty khó khăn, lượng tiền mặt không có vì các đại lý nợ tiền hàng, không xoay được tiền trả lương cho lao động, mình là cấp quản lý cũng đành chịu”, anh Phúc nói. Không biết xử lý thế nào với cả núi bánh được quy đổi từ lương, anh P. gửi cho bà con họ hàng và gửi lại kho của công ty vì chính gia đình anh cũng không có chỗ để.

Anh P. cho biết, làm việc trong ngành hàng tiêu dùng đã lâu, thời điểm này là lúc nhiều doanh nghiệp nhỏ trong ngành hàng này đang gặp khó khăn như vậy. Không xoay được tiền trả lương cho lao động, doanh nghiệp đành phải trả bằng chính sản phẩm mình làm ra. Người lao động dù không muốn nhưng vẫn phải nhận và tìm mọi cách để cho, bán, biếu, tặng…

Không chỉ có công ty T.P.M, hiện tượng các công ty trả lương, thưởng bằng sản phẩm đã không còn là hy hữu.

Chị Phan Thị Thu, công nhân công ty dệt may Đ. ở Long Biên, Hà Nội cho biết, thỉnh thoảng vào dịp lễ, tết, công ty chị thưởng bằng một hay hai chiếc áo khoác. “Ở nhà hiện còn đến bảy, tám cái áo, đem bán cũng không được mà cho không đắt vì áo không đẹp lắm. Công ty cứ nói là áo đó trị giá 400.000 – 500.000 đồng/cái nhưng thà họ cứ cho 100.000 – 200.000 đồng còn hơn”, chị Thu nói.

Còn ở một số đơn vị của công ty Thoát nước Hà Nội, người ta hay thay thế tiền độc hại cho công nhân bằng sản phẩm: đường, bột ngọt, dầu ăn... Anh P.V.C., nhân viên của công ty, nói: “Tôi đoán là bộ phận thực hiện việc này mua sản phẩm cho công nhân để ăn phần trăm chứ chúng tôi đâu có cần tháng nào cũng nhiều dầu ăn, bột ngọt... đến thế. Trong nhà tôi lúc nào cũng chất đầy tủ mấy thứ đó”.

Có vi phạm?

“Việc doanh nghiệp trả lương cho lao động bằng sản phẩm như vậy không có gì sai và được pháp luật cho phép”, bà Tống Thị Minh, vụ trưởng vụ Tiền lương tiền công thuộc bộ Lao động – thương binh và xã hội cho biết. Bộ Tài chính cũng đã có thông tư hướng dẫn và cho phép doanh nghiệp tính sản phẩm được dùng để trả lương cho lao động vào chi phí để khấu trừ. Tuy nhiên, bà Minh cho rằng, nếu khuyến khích điều này sẽ không có lợi cho người lao động.

“Doanh nghiệp khó khăn cũng cần sự chia sẻ từ phía người lao động và trong nhiều trường hợp, thà nhận được sản phẩm còn hơn doanh nghiệp cứ nợ và không biết đến khi nào sẽ trả”, bà Minh nhận định.

Theo bà Minh, những khó khăn tương tự như vậy hiện đang diễn ra chủ yếu ở khối doanh nghiệp tư nhân. Tại những doanh nghiệp này, hầu như không có tổ chức công đoàn nên người lao động khó bảo vệ quyền lợi cho mình. Nhà nước mới chỉ ban hành chính sách hỗ trợ cho những lao động bị nợ lương do doanh nghiệp phá sản. Ở những doanh nghiệp vẫn còn đang hoạt động nhưng èo uột, cầm chừng thì đó lại là thoả thuận giữa hai phía, khó có thể can thiệp.

Theo Sài Gòn tiếp thị