Thâu tóm Metro, ông chủ người Thái giải nghi án trốn thuế thế nào?

11/08/2014 11:03
Hồng Minh (Tổng hợp)
(GDVN) - Ngay sau khi thâu tóm Metro Việt Nam, dư luận cho rằng BJC sẽ phải đối mặt với áp lực lớn khi mua lại một doanh nghiệp dính nghi án chuyển giá, trốn thuế

Xác nhận với phóng viên, ông Khuất Quang Hưng - Giám đốc đối ngoại Công ty Metro Việt Nam cho biết, Tập đoàn Metro (Đức) đã ký kết thỏa thuận với Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan. Theo đó, BJC sẽ mua lại lĩnh vực kinh doanh sỉ của Metro tại Việt Nam.

BJC sẽ tiếp quản toàn bộ hoạt động kinh doanh của công ty Metro Việt Nam, bao gồm 19 trung tâm phân phối và danh mục bất động sản có liên quan với giá trị 655 triệu Euro, tương đương 879 triệu USD. Việc chuyển nhượng này tuân thủ các điều kiện pháp lý và sự phê chuẩn của các cơ quan chức năng có liên quan. Dự kiến, thương vụ sẽ hoàn tất trong nửa đầu năm 2015. 

Nói về nguyên nhân dẫn đến sự chuyển nhượng, Metro từng khẳng định, vì muốn giảm hoạt động kinh doanh kém hiệu quả của công ty và cải thiện lợi nhuận. Đặc biệt, muốn giảm bớt các nhãn hiệu khác và tập trung vào Cash&Carry - mảng kinh doanh thực phẩm bán buôn trụ cột của Metro. 

Tiếng xấu chuyến giá trốn thuế của Metro sẽ để lại cho ông chủ người Thái
Tiếng xấu chuyến giá trốn thuế của Metro sẽ để lại cho ông chủ người Thái

Trong khi đó,  BJC cho rằng thương vụ mua lại Công ty Metro Cash&Cary Việt Nam sẽ bổ sung vào mạng lưới phân phối hiện có của BJC tại Việt Nam, đồng thời hoàn thiện chuỗi cung ứng và đưa doanh nghiệp vươn lên trong thị phần phân phối hiện đại.

BJC là tập đoàn đầu tư phân phối, tiếp thị và sản xuất Thái Lan. Tập đoàn này có 6 văn phòng ở Đông Nam Á với tổng doanh thu trong năm 2013 là 42 tỷ Bạt Thái.

Tuy nhiên ngay sau khi thâu tóm Metro Việt Nam, dư luận cho rằng BJC sẽ phải đối mặt với áp lực lớn khi mua lại doanh nghiệp dính nghi án chuyển giá. Nói cách khác, Tập đoàn BJC đang gián tiếp giúp Metro thoát khỏi nghi án chuyển giá.

Nhận định trên hoàn toàn có cơ sở bởi sau khi Metro Cash&Cary Việt Nam đang bị dư luận đặt nghi vẫn lớn chuyển giá.

Theo thống kê của Cục Thuế TP.HCM, dù doanh thu tăng liên tục qua các năm nhưng kết quả kinh doanh của công ty này lỗ triền miên. Cụ thể, năm 2007 doanh thu đạt hơn 6.607 tỉ đồng, nhưng số lỗ là 157 tỉ đồng. Năm 2008 doanh thu vọt lên 8.175 tỉ đồng, số lỗ lên đến hơn 190 tỉ đồng. Năm 2009 doanh thu đạt 8.728 tỉ đồng, số lỗ cũng rất ấn tượng: 160 tỉ đồng.

Từ khi thành lập (2001) đến nay, chỉ duy nhất năm 2010 công ty này khai có lãi 116 tỉ đồng, nhưng do được chuyển lỗ của những năm trước đó nên đến nay doanh nghiệp này cũng chưa đóng một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào. Đến năm 2011 Metro lại khai lỗ 89 tỉ đồng.

Có một điểm đáng lưu ý là trong khi kêu lỗ như vậy nhưng hệ thống các siêu thị bán lẻ của Metro lại liên tục tăng và mở rộng tại nhiều tình thành từ Bắc vào Nam.

Trong khi đó trả lời câu hỏi liên tục thua lỗ như vậy thì vốn ở đâu để doanh nghiệp này tiếp tục đầu tư mở rộng trong khi chi phí đầu tư một trung tâm bán sỉ không hề nhỏ, lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM cho biết Metro Cash&Carry Việt Nam giải trình rằng việc đầu tư dựa trên nguồn vốn vay từ một ngân hàng châu Âu và một tổ chức tài chính của Đức.

Về nghi án kê đội giá trang thiết bị để nâng khống vốn đầu tư, Cục Thuế TP.HCM cho biết việc nhập thiết bị lạnh Metro ký hợp đồng trực tiếp với một đối tác ở Hong Kong, Singapore chứ không thông qua công ty mẹ và cũng không nhập khẩu từ công ty mẹ. Từ đó nhiều ý kiến cho rằng Metro Việt Nam đang liên kết với đối tác thực hiện chuyến giá tại Việt Nam.

Có một thực tế, thời gian qua những chính sách của nước ta luôn dành nhiều ưu tiên cho doanh nghiệp FDI. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết năm 2013, có 9.093 doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên phạm vi toàn quốc, với tổng số vốn đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh hơn 3,411 triệu tỷ đồng. Doanh thu thuần đạt 3,138 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 248 nghìn tỷ đồng; đóng góp cho ngân sách 214,3 nghìn tỷ đồng.

Đáng chú ý, xét trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp (gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp FDI), một số chỉ tiêu cơ bản của khối FDI năm 2013 giảm so với năm 2000, như lợi nhuận giảm từ chiếm 52,4% xuống 45,4%, thuế và các khoản nộp ngân sách giảm từ chiếm 39,4% xuống 30,5%. Không chỉ vậy, nhiều mục tiêu Việt Nam đặt ra để thu hút FDI, như thu hút công nghệ cao, chuyển giao công nghệ, đầu tư vào nông nghiệp… vẫn chưa đạt được.

Với chính sách ưu đãi lớn không ít tập đoàn doanh nghiệp nước ngoài thành lập những công ty con tại các địa phương của Việt Nam, nhất là khu vực được nhiều ưu đãi với mục đích chuyển giá. Như vậy, từ một chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích đầu tư vào các địa bàn kinh tế khó khăn đã bị lợi dụng, trở thành công cụ để trốn tránh nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

Trở lại câu chuyện Metro Việt Nam bị bán cho ông chủ người Thái, nhiều người lo ngại sau khi chuyển giao về BJC, những nghi án chuyển giá trước đó bị xóa bỏ, một tiền lệ xấu được hình thành. Có lẽ sẽ có nhiều doanh nghiệp sau khi dính nghi án chuyển giá sẽ bán lại nhằm thu lợi tìm điểm đầu tư mới.

Mặc khác, tiếp quản một doanh nghiệp dính nghi án chuyển giá như Metro liệu ông chủ Thái Lan có tiếp tục sử dụng chiêu bài kêu lỗ? Câu trả lời còn ở phía trước, chỉ biết rằng trong những năm qua, hoạt động kinh doanh của Metro luôn trong tình trạng “nhộn nhịp” kể cả trong giai đoạn kinh tế suy thoái. Bán nhiều thì phải lãi nhiều – đó là điều tất yếu trong kinh doanh, không thể vì người tiêu dùng mà chịu lỗ liên tiếp. 

Hồng Minh (Tổng hợp)