Thu hồi, ngừng lưu thông bột ngọt Ajino Takara của công ty Hà Trung Hậu

01/09/2015 15:30
Mai Anh
(GDVN) - Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) yêu cầu dừng lưu thông sản phẩm “Chất điều vị- Bột ngọt (Mì chính) hiệu Ajino Takara (Thailand) - Monosodium Glutamate (MSG)”.

Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, Chi cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng đang tạm giữ một số lượng mì chính (bột ngọt) lớn vì bị nghi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu hàng hóa theo Luật Sở hữu trí tuệ.

Sản phẩm bột ngọt bị tạm giữ là AJINO-TAKARA nhập khẩu nguyên liệu từ Thái Lan và đóng gói tại Đà Nẵng bởi Công ty TNHH sản xuất - thương mại Hà Trung Hậu (địa chỉ số 28, đường số 3, Cư xá Chu Văn An, phường 26, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) phân phối cho chi nhánh ở Đà Nẵng.

Số bột ngọt này bị nghi ngờ là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Ba chữ tượng hình” được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 169 của Công ty Ajinomoto Co.,INC (Tokyo, Nhật Bản).

Gói mì chính (bột ngọt) gắn dấu hiệu "Ajino-Takara" bị nghi ngờ xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu "Ba chữ tượng hình" của Ajinomoto.
Gói mì chính (bột ngọt) gắn dấu hiệu "Ajino-Takara" bị nghi ngờ xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu "Ba chữ tượng hình" của Ajinomoto.

Để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật, Công ty Ajinomoto cũng đã gửi mẫu vật là hai gói mì chính có gắn dấu hiệu “Ajino-Takara và hình” đề nghị Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học & Công nghệ) giám định để phục vụ việc xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Viện Khoa học sở hữu trí tuệ sau khi tiếp nhận đã tiến hành giám định và đã có “Kết luận giám định Sở hữu công nghiệp, số NH291-15YC/KLGĐ”. Kết luận nêu rõ, dấu hiệu “Ba chữ tượng hình” gắn trên sản phẩm mì chính như thể hiện tại mẫu vật giám định là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Ba chữ tượng hình” được bảo hộ của Công ty Ajinomoto Co.,INC (Tokyo, Nhật Bản).

Sau khi đưa ra kết luận trên, Cục Sở hữu trí tuệ đã có văn bản gửi Cục An toàn thực phẩm.

Căn cứ văn bản số 82/VSHTT-TVGĐ ngày 30/7/2015 của Viện khoa học sở hữu trí tuệ về việc xem xét lại kết luận giám định số NH348-14YC/KLGĐ, Cục An toàn thực phẩm yêu cầu Công ty TNHH sản xuất thương mại Hà Trung Hậu dừng đưa ra lưu thông và thu hồi đối với sản phẩm: “Chất điều vị-Bột ngọt (Mì chính) hiệu Ajino Takara (Thailand)- Monosodium Glutamate (MSG)” số xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm: 12039/2014/ATTP-XNCB ngày 14/7/2014.

Đồng thời Công ty TNHH Sản xuất thương mại Hà Trung Hậu phải báo cáo kết quả thu hồi và biện pháp xử lý về Cục An toàn thực phẩm trước ngày 11/9/2015.

Hình thức xử phạt với vi phạm: "Xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu" được quy định tại Điều 13 Nghị định Số: 106/2006/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp.

Điều 13. Hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và tên thương mại

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 lần đến 2 lần giá trị hàng hóa vi phạm đã phát hiện được đối với cá nhân, tổ chức thực hiện một trong các hành vi dưới đây xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và tên thương mại, gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội; không chấm dứt hành vi vi phạm quyền mặc dù đã được chủ sở hữu quyền yêu cầu trong trường hợp hàng hóa vi phạm phát hiện được có giá trị đến 15.000.000 đồng:

a) Gắn (in, dán, đính, đúc, dập khuôn hoặc bằng các hình thức khác) dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và tên thương mại được bảo hộ lên hàng hóa, bao bì hàng hóa;

b) Bán, vận chuyển, chào bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và tên thương mại;

c) Nhập khẩu các loại hàng hóa, dịch vụ có yếu tố xâm phạm đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và tên thương mại;

d) Sử dụng dấu hiệu trên sản phẩm, hàng hóa, bao bì hàng hóa có yếu tố xâm phạm đối với tên thương mại.

2. Phạt tiền từ 2 lần đến 3 lần giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm phát hiện được đối với cá nhân, tổ chức thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ vi phạm có giá trị từ trên 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

3. Phạt tiền từ 3 lần đến 4 lần giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm phát hiện được đối với cá nhân, tổ chức thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ vi phạm có giá trị từ trên 30.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng.

4. Phạt tiền từ 4 lần đến 5 lần giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm phát hiện được đối với cá nhân, tổ chức thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ vi phạm có giá trị từ trên 45.000.000 đồng trở lên.

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi gắn (in, dán, đính, đúc, dập khuôn hoặc bằng các hình thức khác) lên phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch, bảng hiệu dấu hiệu vi phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý.

6. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với các hành vi quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 và khoản 5 Điều này;

b) Đình chỉ hoạt động kinh doanh sản phẩm, dịch vụ vi phạm từ một đến ba tháng đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 và khoản 5 Điều này.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc loại bỏ các yếu tố vi phạm trên sản phẩm, hàng hóa, phương tiện kinh doanh đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 và khoản 5 Điều này;

b) Buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm có chất lượng kém, gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 và khoản 5 Điều này;

c) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng hóa, phương tiện vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 và khoản 5 Điều này.

Mai Anh