Thu phí bảo trì đường bộ: Người dân lại phải thêm gánh nặng đóng phí?

24/03/2012 12:03
Bình An
(GDVN) -Thu phí bảo trì đường bộ, doanh nghiệp vận tải sẽ tăng giá cước vẫn tải mọi khoản phí cuối cùng đều đổ lên đầu người dân
Trong khi liên Bộ Giao thông và Bộ Tài Chính đang gấp rút xây dựng mức phí bảo trì đường bộ thì đã xảy ra những tranh luận nảy lửa của người dân và một số doanh nghiệp vận tải khác.
Trước thông tin chỉ còn hơn hai tháng nữa phương tiện đi lại cá nhân sẽ bị áp mức phí quy định, nhiều cá nhân doanh nghiệp vận tải đều lên tiếng phản đối vì họ đang gánh quá nhiều chi phí.

Bán xe hay “nuôi” xe

Anh Bùi Văn Minh (Giám đốc công ty cổ phần HTM – Nam Thăng Long, Hà Nội) bức xúc: “Đầu năm, công ty tôi vừa đóng cổ phần để mua một chiếc xe Ford everest nhằm mục đích đi lại, phục vụ công việc. Tính riêng năm ngoái, tiền chi phí đi lại cho việc thuê xe của công ty mình tính cũng mất ngót ngét hơn 100 triệu đồng. Mình đi giao dịch ở các tỉnh, không lẽ lại đi xe máy hoặc xe không nên thuê xe riêng tự lái. Bây giờ vui vì mua được chiếc xe nhưng lại lo vì chi phí nuôi xe giờ lại quá đắt".
Lo lắng về số phận chiếc xe của mình còn chưa trả xong tiền vay mua xe cho ngân hàng, chị Hoài An (Hoàng Liệt, Hà Nội) than thở: "Chắc phải bán xe mất. Kinh tế khó khăn, làm ăn không được nên xe từ lâu toàn để rọ ngoài bãi gửi. Hôm trước nghe tin phải đóng thêm phí gì đó mà hai vợ chồng não hết cả ruột gan. Kiếm đâu ra tiền để đóng phí trong khi cả tháng chỉ sử dụng xe 3,4 lần cho những chuyến đi cuối tuần".
Để sở hữu một chiếc ô tô, người dân đang phải "cõng" rất nhiều thuế phí.
Để sở hữu một chiếc ô tô, người dân đang phải "cõng" rất nhiều thuế phí.

Trăm phí đổ đầu dân

Trao đổi với Phóng viên báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, ông Nghiêm Thế Anh, Phó giám đốc Công ty Vận tải Hoàng Long chia sẻ: “Tại sao trước khi đưa ra nghị định thu phí đường bộ, cơ quan quản lý không tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp cũng như hiệp hội vận tải. Bây giờ nghị định đã ban xuống, nếu các doanh nghiệp có kêu than thì cũng không giải quyết được gì nhiều. Vấn đề là nên áp dụng thu phí thế nào cho hợp lý”.
Ông Thế Anh cũng cho biết, mỗi tháng doanh nghiệp đã chi phí hơn 5 tỷ đồng cho phí đường bộ, qua cầu, qua đường. Nếu bây giờ còn phải nộp thêm phí bảo trì đường bộ thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
"Doanh nghiệp kinh doanh cần có lãi để nuôi nhân viên, khi có mức thu phí khác phải đóng thì chắc chắn sẽ phải cân nhắc điều chỉnh giá vé đối với hành khách và mọi chi phí người cuối cùng phải chịu vẫn là người dân. Ít doanh nghiệp tự bỏ tiền túi của mình ra để đóng phí thay vì hạch toán kinh doanh trên khách hàng", ông Thế Anh nhấn mạnh.
Một đại diện của hãng taxi Vạn Xuân cũng chia sẻ, hiện nay chưa biết mức thu phí như thế nào, nhưng nói chung cũng như giá xăng dầu tăng vậy, khi phải đóng phí thì tiền cước đối với khách hàng cũng tăng lên. Nhiều khi xăng dầu tăng, nhu cầu đi lại bằng taxi của người dân vẫn không giảm. Nên khi phải đóng phí bảo trì đường bộ thì người dân vẫn là người chịu thiệt vì giá cả tăng theo.

Có cái nhìn khác hơn về việc thu phí, ông Nguyễn Anh Quân - Taxi Thành Công cho rằng: "Việc thu quỹ là phù hợp nếu sử dụng quỹ đó đúng mục đích đã đề ra, tuy nhiên cần cân nhắc thời gian đưa vào thực hiện và mức thu sao cho phù hợp vì thời điểm hiện tại đang có rất nhiều áp lực lên lĩnh vực kinh doanh vận tải như giá xăng, dầu tăng cao..."
Khi đóng thêm phí, tất nhiên khi doanh nghiệp vận tải phải chịu thêm nhưng khoản phí mới thì việc tăng giá cước là điều không thể tránh khỏi, tuy nhiên việc tăng giá cước sẽ được DN cân đối hài hòa để người tiêu dùng cùng chia sẻ chứ không phải là đổ hết lên đầu người tiêu dùng.

Ông Quân cũng cho rằng, taxi là văn hóa của Thủ đô Hà Nội và rất nhiều thủ đô khác trên thế giới. Taxi vận chuyển hành khách với số lượng không kém so với các loại hình vận tải công cộng khác. Vì thế cần phải coi taxi là loại hình vận tải hành khách công cộng không phải phương tiện cá nhân.
Còn ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội khẳng định: "hiện nhiều doanh nghiệp vận tải đã gửi phản ánh lên hiệp hội và  hiệp hội sẽ có kiến nghị gửi các cơ quan chức năng về việc lùi thời gian áp dụng thu phí bảo trì đường bộ đến 1/1/2013 và giảm phí bảo trì đường bộ bằng 60% mức dự kiến. Hiện tại các doanh nghiệp vận tải đang gặp nhiều khó khăn nên việc kiến nghị chắc chắn cơ quan chức năng sẽ xem xét cho phù hợp".
Bình An