Thực hư chuyện phát hiện chất biến đổi gen trong phở Việt

17/11/2011 10:55
Theo thông tin từ phía Nhật Bản, nước này đã phát hiện có chất biến đổi gen trong bánh phở của Công ty CPTP Bích Chi (Đồng Tháp), xuất khẩu sang Nhật Bản.
Các phương tiện truyền thông Nhật Bản vừa đồng loạt đưa tin phát hiện chất biến đổi gen (GMO) trong bánh phở làm từ gạo của một công ty ở Việt Nam gây hoang mang dư luận. Sự thực như thế nào?
Hàng rào kỹ thuật của bạn?
Theo thông tin từ phía Nhật Bản, nước này đã phát hiện sản phẩm bánh phở (Rice Noodle) xuất khẩu sang Nhật Bản của Công ty cổ phần Thực phẩm (CPTP) Bích Chi, trụ sở tại thị xã Sa Đéc (Đồng Tháp) có chất biến đổi gen. Ngay sau thông tin trên, Công ty CPTP Bích Chi đã cho tiến hành lấy các mẫu sản phẩm và gửi Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn - Đo lường- Chất lượng 3 TP.Hồ Chí Minh (QUATEST 3), thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng Việt Nam phân tích. Tại phiếu thông báo kết quả thử nghiệm đối với 4 mẫu phân tích ngày 14 và 19/10 của QUATEST 3 gồm: Gạo, bánh phở, bột gạo, tinh bột khoai mì đều khẳng định không phát hiện có chứa hàm lượng chất biến đổi gen (giới hạn 0,1%).
Đóng gói gạo xuất khẩu tại Cảng Cần Thơ.
Đóng gói gạo xuất khẩu tại Cảng Cần Thơ.
Ông Phạm Thanh Bình - Tổng Giám đốc Công ty CPTP Bích Chi cho biết: “Chúng tôi xuất khẩu bánh phở sang thị trường Nhật Bản từ 10 năm nay. Khi xuất hiện thông tin trên, chúng tôi đã cho kiểm tra ngay nguyên liệu đầu vào, cũng như sản phẩm xuất khẩu đi Nhật Bản đều âm tính như QUATEST 3 đã thông báo. Có thể nói, đây là thông tin không đúng với thực tế ở Việt Nam”. Theo văn bản của Công ty CPTP Bích Chi gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nguyên liệu mà Công ty này sử dụng để sản xuất bánh phở gồm có 87% là gạo (mua tại địa phương) và 13% là tinh bột khoai mì (mua từ Tây Ninh). Ông Bình khẳng định: “Nguyên liệu chúng tôi mua đều từ trong nước, chứ không ai dại gì mà đi nhập khẩu, mà ở Việt Nam hiện chưa có lúa biến đổi gen. Chúng tôi chỉ là một doanh nghiệp, nên không thể đi tranh cãi với phía Nhật Bản được, vì thế chúng tôi đã có công văn gửi VFA, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản để nhờ can thiệp và có ý kiến với họ về vấn đề này. Tình hình hiện nay của công ty đang rất bi đát, khi có nhiều đơn hàng bị hủy, nên mọi hoạt động sản xuất đã bị dừng lại”.Không có lúa biến đổi gen Trước thông tin trên, ngày 26/10, ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch VFA đã ký công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương. Theo ông Phong: “Thông tin này sẽ ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu gạo và các sản phẩm gạo của Việt Nam ở thị trường Nhật Bản, mà còn ở nhiều nước khác. Do đó, VFA đề nghị các Bộ nhanh chóng giải quyết trường hợp trên để lấy lại uy tín cho gạo Việt Nam”.
Theo ông Nguyễn Trí Ngọc - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT): "Hiện luật pháp Việt Nam không cho phép nhập khẩu và kinh doanh loại gạo biến đổi gen, nên rất khó có khả năng loại gạo này có mặt tại thị trường trong nước. Không riêng gạo, tất cả loại thực phẩm biến đổi gen đều chưa được Chính phủ cho phép nhập khẩu để kinh doanh, tiêu thụ trong nước".
Cũng về vấn đề này, ông Dương Quốc Nghĩa - Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Tháp khẳng định: “Hiện nay, nguồn nguyên liệu lúa đang trồng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp là những loại giống không có nguồn gốc GMO”. Do tính chất nghiêm trọng của sự việc, ngày 7/11 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi các bộ yêu cầu kiểm tra sản phẩm bánh phở của Công ty CPTP Bích Chi có chứa GMO. Sau đó, ngày 11/11, Bộ NNPTNT đã có công văn gửi VFA yêu cầu Công ty CPTP Bích Chi tiếp tục lấy thêm các mẫu gạo (nguồn đã sử dụng làm bánh phở) để gửi cho QUATEST 3 tiếp tục phân tích, đồng thời VFA cũng xem xét lấy một số mẫu gạo đang xuất khẩu từ Đồng Tháp gửi cho QUATEST 3 phân tích. Ông Phạm Văn Dư - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) khẳng định: “Việt Nam không có chủ trương sản xuất gạo GMO. Tuy nhiên, với thông tin từ phía Nhật Bản, chúng tôi vẫn đang tiếp tục xem xét, đợi thêm kết quả phân tích và sẽ sớm có kết quả trả lời chính thức cho họ”. Theo Dân Việt