Thực phẩm, rau xanh tiếp tục giảm giá, người đi chợ "nhẹ đầu"

21/02/2012 11:00
Hơn 1 tuần nay, giá thực phẩm, rau xanh trên địa bàn Hà Nội có dấu hiệu giảm. Xu hướng này đã mang lại tâm lý tích cực cho người tiêu dùng.
Ngạc nhiên là tâm lý chung của không ít bà nội trợ trước diễn biến giá cả tiêu dùng này. Chị Hiền (Hà Đông) vui vẻ cho biết: “Thịt và rau xanh đều giảm giá từ hơn một tuần nay. Mỗi thứ giảm một chút cũng giúp tôi thấy nhẹ nhõm”.

Theo chị Hiền, các loại thịt giảm trung bình từ 5.000-8.000 đồng/kg. Cụ thể, tại chợ Yên Phúc (Hà Đông), thịt ba chỉ có giá 110.000 đồng/kg, thịt thăn 120.000 đồng/kg, sườn lợn dao động từ 110.000-120.000 đồng/kg, thịt bò phổ biến từ 150.000 - 250.000 đồng/kg, tùy từng loại. Các loại rau xanh cũng giảm giá nhẹ: cải cúc, rau cải từ 2.500 - 3.000 đồng/mớ, rau muống 5.000 đồng/mớ, giảm từ 500-1.000 đồng/mớ so với trước đây. “Hiện tại chỉ còn rau cần là tương đối đắt”- chị Hiền cho biết.
Giảm lợi nhuận ở khâu trung gian sẽ giúp giá tiêu dùng “hạ” nhiệt
Giảm lợi nhuận ở khâu trung gian sẽ giúp giá tiêu dùng “hạ” nhiệt

Ngay ở chợ Thành Công - chợ có mức giá bán hàng hóa tương đối cao so với mặt bằng chung tại Hà Nội, giá các mặt hàng trên cũng có xu hướng “hạ nhiệt”. Su hào còn 3.000 đồng/củ, súp lơ xanh 8.000 đồng/cây thay vì 10.000 đồng/cây như cách đây khoảng 10 ngày. Các loại thịt lợn, thịt bò xuống giá thêm 10.000-15.000 đồng/kg.

Ghi nhận diễn biến giá cả này, chị Lan (Lạc Long Quân - Tây Hồ) cho hay: “Chi tiêu thức ăn hàng ngày giảm khá nhiều rồi. Sau tết tiền tiêu có hạn hơn, đỡ gánh nặng tâm lý mỗi ngày đi chợ”. Để chứng minh, chị Lan cho biết, thịt bắp bò trước tết 380.000 đồng/kg, sau tết giảm xuống 300.000 đồng/kg, nay chỉ còn 200.000 đồng/kg; nạc vai cũng giảm 20.000 đồng/kg, từ 130.000 đồng xuống 110.000 đồng/kg. Ngoài ra, rau xanh cũng giảm sâu. Rau cải xanh trước hơn 5.000 đồng/mớ, nay còn 3.000 đồng/mớ…

Tại các siêu thị, nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá tiếp tục được tổ chức, trong đó có giảm giá cho các mặt hàng thực phẩm, rau xanh, chia sẻ gánh nặng với người tiêu dùng. Có siêu thị còn áp dụng hình thức khuyến mãi, mua càng nhiều, giá càng giảm để kích thích mua sắm. Tuy nhiên, ghi nhận của PV ANTĐ cuối tuần qua cho thấy, lượng khách đến các siêu thị: Big C, Fivimart… không đông, không có hiện tượng khách hàng phải chờ thanh toán.

Theo quy luật, giá thực phẩm tiêu dùng thường tăng mạnh sau dịp Tết Nguyên đán, sau đó hạ dần. Năm nay, các mặt hàng này đã nhanh chóng giảm sau tết, về mức tương đương so với ngày thường. Song đáng chú ý, mặt bằng này đã tiếp tục giảm nhẹ trong những ngày gần đây.

Các chuyên gia kinh tế phân tích, nhiều khả năng, do giá cả tiêu dùng tăng mạnh dịp tết, tình hình kinh tế vẫn khó khăn, người tiêu dùng tiếp tục thắt chặt chi tiêu nên ngay cả các mặt hàng thiết yếu cũng tiêu thụ chậm hơn. Thực tế này đòi hỏi người buôn trung gian buộc phải giảm lợi nhuận, giảm giá bán tới tay người tiêu dùng để bán được nhiều hàng hơn. Tương tự với mặt hàng thực phẩm tươi sống, nguồn cung thời điểm này cũng được dự đoán không dồi dào hơn so với dịp tết, nhất là khi dịch bệnh trên gia cầm đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, giảm giá vẫn là việc cần làm để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa.

Theo An ninh thủ đô