Thương lái Trung Quốc "bỏ chạy" và câu chuyện "ớt mấy lần cay"

17/06/2014 10:07
NHẤT NGÔN (TỔNG HỢP)
(GDVN) - Ớt dần chết khô trên gần chục ha ruộng huyện Nam Đàn, nhưng vẫn vắng bóng người chăm sóc, thu hoạch vì doanh nghiệp Trung Quốc đã "chạy làng".

Thương lái bỗng nhiên... "tháo chạy"

Đang vào mùa thu hoạch nhưng trên cánh đồng trồng ớt tại xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An những ngày giữa tháng 6 này lại vắng hẳn bóng người. Chẳng ai mặn mà với việc thu hoạch ớt bởi doanh nghiệp (DN) Trung Quốc thu mua đã “bỏ chạy” từ giữa tháng 5/2014.

Trước đó, nghe giống ớt Trung Quốc cho thu hoạch cao, có khoảng 72 hộ dân xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đã tin theo một doanh nghiệp Trung Quốc và trồng khoảng 7,2 ha với lời hứa sẽ được bao tiêu sản phẩm. 

Tuy nhiên,  công ty này chỉ cho người về thu mua lấy lệ lúc ban đầu, cả gần tháng nay, người dân thu hoạch ớt về chất đống nhưng công ty không quay lại mua như hợp đồng đã cam kết. Trong khi đó, giá ớt bán ra thị trường quá rẻ nên người nông dân đành để ớt chín rục ngoài đồng. 

Nông dân của một địa phương khác của Nghệ An là xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc cũng gặp phải tình huống trớ trêu tương tự. Cả xã có hàng trăm hộ dân trồng khoảng 10 ha ớt cũng bị doanh nghiệp Trung Quốc "chạy làng". 

Ớt chín rục trên đồng vì doanh nghiệp Trung Quốc ngừng thu mua. Ảnh Người lao động.
Ớt chín rục trên đồng vì doanh nghiệp Trung Quốc ngừng thu mua. Ảnh Người lao động.

Cán bộ xã Khánh Sơn cho biết, xã đã ký hợp đồng kinh tế với Công ty Thực nghiệp Dục Dã Thượng Hải hồi tháng 3/2014, theo đó, công ty Trung Quốc chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm ớt tươi cho người dân trong xã. 

Thương lái Trung Quốc "bỏ chạy" và câu chuyện "ớt mấy lần cay" ảnh 2

Thương lái Trung Quốc ồ ạt mua hoa thanh long làm gì?

(GDVN) - Thương lái chỉ thu mua bông thanh long trước khi nở một ngày, không phân biệt lớn nhỏ và không lấy bông đã nở. Vậy họ ồ ạt mua như vậy để làm gì?

Tuy nhiên, đến thời điểm thu hoạch, đại diện Công ty Dục Dã Thượng Hải đến thu mua số lượng ít, ớt của bà con cũng bị loại gần hết vì công ty cho rằng không đảm bảo chất lượng. Sau đó, người của công ty này không trở lại thu mua nữa khiến người dân phải hái ớt phơi khô hoặc bỏ chín rục ngoài đồng.

Hiện chính quyền các địa phương trên đang làm việc với Công ty Dục Dã Thượng Hải để tìm hướng thu mua ớt cho nông dân. 

Ớt “cay” mấy lần….

Tại Gia Lai, do nhu cầu mua ớt của thương lái Trung Quốc nhiều, giá cao (khoảng 50.000 đồng/kg) nên người dân địa phương này đổ xô trồng ớt. Theo thống kê, toàn tỉnh có gần 3.000 ha ớt, nhưng đến thời điểm hiện nay, thương lái Trung Quốc chỉ thu mua ớt với giá 7.000 - 9.000 đồng/kg. Với mức giá này, trừ các khoản chi phí như đầu tư ban đầu và tiền công hái ớt thì người nông dân chắc chắn lỗ nặng. 

Đak Pơ là huyện có hơn 5.000 ha đất trồng rau. Đầu năm 2014, khi giá rau hạ, giá ớt tăng cao, nhiều người đã quyết định chuyển sang trồng ớt. “Thấy rau rớt giá nên gia đình tôi chuyển toàn bộ diện tích hơn 2 sào sang trồng ớt mong kiếm lời. Ai ngờ giá ớt rớt thê thảm, tôi phải bù lỗ trả tiền cho nhân công” - bà Lê Thị Thanh - ngụ xã Cư An, huyện Đak Pơ - cho biết.

Theo tính toán của người trồng thì vốn đầu tư trung bình cho một sào ớt là 15-20 triệu đồng, khoảng 4 tháng thu hoạch một vụ. Với mức giá đầu mùa 20.000-50.000 đồng/kg, bà con có thể lời 40 triệu đồng/sào. Thế nhưng, trong vụ này, giá bán ra quá thấp khiến nông dân phải chịu lỗ vốn. 

Gia đình ông Lê Văn Ơn - ngụ thôn Thuận Công, xã Cư An - trồng gần 3 sào ớt, cho biết: “Tiền công hái ớt đã 120.000-150.000 đồng/người/ngày, mất hơn một nửa giá bán ớt. Tính thêm chi phí đầu tư và công chăm sóc thì người trồng ớt phải bù lỗ”.

Cũng với mặt hàng ớt, giữa tháng 4/2014, nông dân Bình Định đã "nếm" đủ vị cay của ớt khi thương lái Trung Quốc ngừng thu mua khiến giá ớt rớt thảm hại. Đầu mùa, giá ớt loại quả lớn 45.000 - 50.000đồng/kg, ớt nhỏ 30.000 - 32.000 đồng/kg. Tuy nhiên, sau khoảng 2 tháng, giá ớt chỉ còn 2.500 đồng/kg cũng chẳng bán được. Giá bán ớt chẳng bằng tiền thuê nhân công hái ớt, nhiều nông dân đánh để ớt chín đỏ ngoài ruộng. 

Trước đó, hồi đầu tháng 4/2014, nông dân trồng giống ớt Demon tại huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) rơi vào tình cảnh bi đát khi giá hiện tại của giống ớt này chỉ còn dưới 10.000 đống/kg. Thậm chí, nhiều nơi chủ vựa không mua loại ớt này vì phía Trung Quốc chỉ ăn hàng tươi chứ không ăn hàng khô.

Chị Lê Thị Ngân Tâm - một chủ vựa ớt ở Thanh Bình xót xa nói: “Nói thiệt, chi 2.000-3.000 đồng mua một ký ớt của nông dân mà tôi muốn rơi nuớc mắt, nhưng biết sao bây giờ, giá đó tôi cũng có lời đâu. Thấy tội bà con nên tôi mua rồi chở thẳng hàng ra biên giới phía Bắc giao cho thương lái Trung Quốc chứ ở đây không còn ai mua loại ớt Demon này đâu”.

Theo tìm hiểu được biết, trước đây mấy tháng, các thương lái Trung Quốc liên tục đến huyện Thanh Bình, đi vào tận nhà nông dân, kêu họ trồng giống Demon và hứa sẽ mua hết. Các thương lái đó còn mở “chiến thuật” mới là đưa giống cho các đại lý thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), khuyến dụ các đại lý này bán cho nông dân với giá rẻ. 

Thế nhưng, ớt (trái tươi) giống Demon thì không ai mua. Đã thế thị truờng Trung Quốc cũng không ăn hàng khô (ớt phơi khô hoặc sấy) nên nông dân “ngồi khóc” trên đống ớt... 

Người dân trồng ớt trở nên điêu đứng.
Người dân trồng ớt trở nên điêu đứng.

Theo bà Trần Thị Phiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Bình, sau khi nghe các chủ vựa ớt phản ánh về tình hình các thương lái Trung Quốc tranh mua, tranh bán, đã cho xác minh thực tế là họ không mua mà chỉ hứa… 

Thương lái Trung Quốc "bỏ chạy" và câu chuyện "ớt mấy lần cay" ảnh 4

(GDVN)- Việt Nam xuất khẩu gạo, cao su sang Trung Quốc nhưng Việt Nam cũng phải chi nhiều tỷ USD để nhập hàng hóa nguyên liệu, máy móc từ nước này.

“Tuy nhiên, huyện đã có các biện pháp đối với thương lái Trung Quốc, cụ thể là đã nhắc nhở 3 trường hợp đến các hộ nông dân để gạ mua ớt, nhắc nhở họ phải tuân thủ luật pháp Việt Nam”, bà Phiến cho biết.  
Từ trước tới nay, nông dân Việt Nam đã rất nhiều lần nếm "trái đắng" với thương lái Trung Quốc khi những người này thường thổi giá các mặt hàng lên rất cao để nông dân đổ xô vào sản xuất, sau đó lại ngừng thu mua, "lặn mất tăm" khiến nông dân phải ngậm ngùi với bạt ngàn nông sản không tiêu thụ được.

Thoát bằng cách nào?

Thực tế thời gian qua xuất khẩu nông sản Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Nhiều loại nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khi Trung Quốc đột ngột ngừng thu mua.

Không riêng gì ớt mà cả dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) bị dồn ứ, giá dưa hấu giảm mạnh có những khi chỉ còn 1.000-2.000 đồng/kg, dưa hấu phải đổ bỏ cho trâu bò ăn.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Nền kinh tế Việt Nam phải bước ra khỏi sự lệ thuộc đối với Trung Quốc, nhất là trong tình hình căng thẳng trên Biển Đông hiện nay.

Theo đó bà Lan cho rằng để thoát Trung trước hết tự bản thân mình phải xem lại mình điều chỉnh cách thức phát triển quan hệ kinh tế đối ngoại của mình.

Cụ thể bà Lan phân tích hiện chúng ta đang hơi cực đoan khi cứ hướng đến xuất khẩu trong khi thị trường trong nước vẫn còn rất rộng.

Ví dụ vải Bắc Giang, Hải Dương cứ lo liệu Trung Quốc năm nay có mua hay không trong khi cả thị trường miền Nam, miền Trung bao nhiêu người dân cũng có nhu cầu và có thể mua. Tại sao lại cứ lo bán sang biên giới hơn là trong nội địa.

Hay như dưa hấu miền Nam cũng vậy, chở lên biên giới để rồi người ta không mua khiến thối hỏng, trong khi dưa hấu ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc vẫn rất đắt. Những cái đó mình phải tự điều chỉnh thị trường nội địa. 

Bà Lan cũng nhìn nhận: nếu Việt Nam không tìm kiếm kênh mới, bỏ tư duy làm ăn kiểu dễ dãi thì sẽ còn gặp khó khăn khi các thương lái Trung Quốc lừa như thời gian qua.
NHẤT NGÔN (TỔNG HỢP)