Tiết lộ những "ẩn số" quanh chiêu thức nhắn tin mua hàng của Qbata

27/04/2012 07:10
Độc giả Tạ Tố Hoa
(GDVN) - Những chia sẻ rất riêng của độc giả báo Giáo Dục Việt Nam về hình thức nhắn tin mua hàng qua mạng mà website thương mại điện tử Qbata đang thực hiện.
LTS: Sau khi bài báo “Cộng đồng Facebook “tố” website bán hàng qua mạng lừa đảo”, nhiều ý kiến đã được đưa ra cả phía người mua lẫn người bán. Khi câu chuyện khách hàng sai hay đơn vị cung ứng sản phẩm đúng vẫn còn chưa ngã ngũ, báo điện tử Giáo Dục Việt Nam đã nhận được một bài viết của độc giả có tên là Tạ Tố Hoa. Một bài viết chia sẻ những cảm nhận rất riêng về cách bán hàng qua mạng mà website thương mại điện tử Qbata đang thực hiện.

Báo Giáo Dục Việt Nam xin trích đăng những ý kiến đóng góp của độc giả này.


Ẩn số đằng sau danh sách 200 người mua vé Galaxy thành công

Trong chương trình bán deal vé xem phim Galaxy, mỗi đợt, Qbata sẽ tung ra bán 200 vé và khách hàng nào nhanh chân nhắn tin trước, 200 khách hàng đầu tiên sẽ nhận được một Mobile Coupon nhận vé xem phim trị giá 80.000 đồng. Giá cho một tin nhắn là 15.000 đồng (đối với lần 1, lần 2, lần 3) và 3.000 đồng/tin đối với những lần tổ chức sau đó.

Tính chân thực của danh sách 200 khách hàng mua thành công deal Galaxy này vẫn còn là một dấu chấm hỏi với không ít khách hàng của Qbata. (Ảnh chụp màn hình tại website Qbata)
Tính chân thực của danh sách 200 khách hàng mua thành công deal Galaxy này vẫn còn là một dấu chấm hỏi với không ít khách hàng của Qbata. (Ảnh chụp màn hình tại website Qbata)

Hình thức này thu hút nhiều người quan tâm, nhất là giới trẻ, tuy nhiên, đây lại là chương trình do nhà cung cấp đưa ra, không ít người có thể hồ nghi và không thể biết 200 người mua được đó là ai. Có thể website đưa ra một list 200 người mua nhưng thực tế chỉ 10 người thôi thì sao?!.

Do đó, thiết nghĩ, việc phát hành deal phải minh bạch với các người chơi, danh sách 200 người trúng vé phải cụ thể, rõ ràng, đầy bằng chứng.

Trong khi đó, trên website của Qbata, sau mỗi lần kết thúc buổi mở bán, công ty này đều đăng tải danh sách 200 người mua thành công deal vé xem phim Galaxy, tuy nhiên, các số thuê bao đều bị ẩn đi 4 số cuối. Theo giải thích của Qbata thì “Vì lý do tránh gây spam cho khách hàng, chúng tôi không hiển thị tất cả số ĐTDĐ của khách hàng”.

Chắc có lẽ đoán được những nghi ngờ của khách hàng đằng sau danh sách 200 người mua này, Qbata đã phải “rào trước đón sau”: “Nếu quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc nào xin gọi 1900.561.555 (nhánh 0) hoặc gửi về hi@qbata.com để được giải đáp”.

Trên thực tế đã từng có trường hợp danh sách khách mua hàng được công bố sai. Ví dụ điển hình như trường hợp đã từng xảy ra trong năm 2011 khi siêu thị điện máy Pico khi khai trương cơ sở tại Tây Sơn (Hà Nội) tổ chức chương trình khuyến mại giảm giá tivi LCD Sharp.

Sau chương trình, nhằm minh bạch thông tin, danh sách 2.000 khách hàng mua đã được đăng tải trên website chính thức của siêu thị này. Mặc dù vậy, danh sách đó đã phải sửa đi sửa lại tới 2 lần sai vẫn hoàn sai, khiến không ít người tiêu dùng băn khoăn: Liệu có phải siêu thị đã tự lập nên danh sách để “che mắt” người tiêu dùng?!

Nhắn tin sớm chưa chắc đã mua được vé?

Một điều đáng nói trong chương trình bán Deal vé Galaxy của Qbata, 200 vé đầu tiên sẽ được tính theo “giờ giấc do hệ thống ghi nhận”, chứ không dựa vào thời gian quý khách gửi tin.

Như vậy, tùy từng hệ thống nhà mạng, tin nhắn của khách hàng sẽ được chuyển đi nhanh hay chậm. Giả sử mạng VinaPhone của bạn chuyển tin nhắn đi chậm hơn so với Viettel thì cho dù bạn nhắn tin sớm thì thời gian được tính (thời gian nhận) cũng muộn hơn các khách hàng dùng Viettel khác.

200 vé xem phim Galaxy được bán chỉ trong vòng 40 giây, hàng loạt khách hàng nhắn tin chậm (sau 40 giây) đều không mua được vé và vẫn bị trừ tiền.
200 vé xem phim Galaxy được bán chỉ trong vòng 40 giây, hàng loạt khách hàng nhắn tin chậm (sau 40 giây) đều không mua được vé và vẫn bị trừ tiền.

Trong khi đó, quá trình mua hàng chỉ diễn ra trong tích tắc. Bằng chứng là trong lần mở deal lần 6, Qbata đã ghi nhận kỷ lục bán 200 vé chỉ trong 40 giây. Như vậy, hoàng loạt những khách hàng nhắn tin sau 40 giây sẽ bị loại ra khỏi danh sách, vẫn bị mất tiền nhưng không được gì cả!

Thêm vào đó, còn chưa kể tới tính năng refresh của website cũng như đường truyền mạng tại vị trí của khách hàng. Việc cập nhật thông tin số lượng hàng đã bán có thể nhanh, có thể chậm tùy vào đường truyền mạng internet. Do đó, dù số lượng đã bán chỉ là 4/200 thì cũng không ai dám khẳng định, bạn vẫn còn cơ may mua được hàng – giống như trường hợp bạn Ngọc Ngà gặp phải mà báo Giáo Dục Việt Nam đã phản ánh.

Phân tích tất cả những điều đó để thấy: khách hàng muốn mua được một chiếc vé xem phim (trị giá 80.000 đồng) trên Qbata sẽ phải bỏ thời gian ra canh giờ mở bán, phải mất tiền phí tin nhắn, phải nhanh tay nhắn tin để tranh đấu, giành giật với hàng nghìn người khác, trong khi kết quả lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan khác (như lỗi mạng, mạng chậm, nghẽn…). Sự đánh đổi này có đáng không?!

* Tít phụ do tòa soạn báo đặt. Mọi ý kiến phản hồi xin gửi về toasoan@giaoduc.net.vn.


Có thể bạn quan tâm:
Thú chơi khuyển của các đại gia Choáng với thú chơi của đại gia Việt
Những dịch vụ "Đệ nhất Hà thành" Bảo vệ Người tiêu dùng
Clip - Ảnh ấn tượng Kinh hoàng "công nghệ" thực phẩm bẩn
Lình xình ở nhà N05 Vinaconex Gía vàng - ngoại tệ theo ngày


Độc giả Tạ Tố Hoa