TP.Hà Nội "điểm danh" hàng loạt dự án ngoại chậm tiến độ

07/05/2013 12:59
Diệu Linh
(GDVN) -  Các dự án bị điểm tên là Cao ốc quốc tế Hồ Tây của Công ty TNHH Cao ốc quốc tế Hồ Tây; Dự án chung cư cao cấp tại Khu đô thị Mỗ Lao (quận Hà Đông) do Booyoung Việt Nam đầu tư, với 100% vốn đầu tư Hàn Quốc...

UBND TP.Hà Nội vừa có văn bản nhắc nhở các quận, huyện tăng cường giám sát các dự án bất động sản có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại địa phương, trong đó điểm tên hàng loạt dự án sử dụng vốn OAD, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và vốn ngân sách nhà nước đang chậm tiến độ và phải giám sát chặt chẽ trong năm 2013.

Trên địa bàn TP Hà Nội có 95 dự án bất động sản sử dụng vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp phép, số vốn đầu tư đăng ký là gần 10 tỷ USD. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên thực tế số vốn đầu tư được giải ngân chỉ đạt khoảng 35%.

Con số thống kê cũng cho thấy, trong 1,8 tỷ USD nộp ngân sách từ 2008 – 2010 chủ yếu là từ các dự án đầu tư vào khu công nghiệp, còn lại các dự án bất động sản khác như nhà ở, khu đô thị, sân golf… số tiền nộp ngân sách không đáng kể.

Trước tình hình trên, UBND TP.Hà Nội đã yêu cầu các địa phương cần phải giám sát chặt chẽ hơn với các dự án đầu tư bất động sản nước ngoài. Các dự án bị điểm tên là Cao ốc quốc tế Hồ Tây của Công ty TNHH Cao ốc quốc tế Hồ Tây; Dự án chung cư cao cấp tại Khu đô thị Mỗ Lao (quận Hà Đông) do Booyoung Việt Nam đầu tư, với 100% vốn đầu tư Hàn Quốc. Dự án này khởi công từ năm 2007 và đã có 5 lần điều chỉnh giấy phép đầu tư, nhưng cho tới nay vẫn chỉ là một khu đất trống.

Hà Nội đưa các dự án chậm tiến độ vào danh sách giám sát năm 2013. Ảnh minh họa, nguồn internet.
Hà Nội đưa các dự án chậm tiến độ vào danh sách giám sát năm 2013. Ảnh minh họa, nguồn internet.

Một dự án khác là Tháp Thiên niên kỷ Hà Tây của Công ty TNHH TSQ Việt Nam (100% vốn Ba Lan)  tại Phường Yết Kiêu, quận Hà Đông, Hà Nội có vốn đầu tư 37,6 triệu USD với 2 tòa tháp cao 45 tầng và 4 tầng hầm, nhưng dù được cấp phép từ tháng 11/2006 đến nay cũng vẫn là một bãi đất.

TP.Hà Nội cũng đề cập tới 22 dự án sử dụng vốn viện trợ phát triển (ODA), vốn ngân sách  (trên 30% tổng đầu tư) và 31 dự án dùng vốn FDI, BT, BOT  đều thuộc diện phải giám sát trong năm 2013.

Có thể kể tới một số dự án, đó là: Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Hà Nội, Bệnh viện U bướu Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Phú Xuyên, Trạm xử lý nước thải Bệnh viện Tim Hà Nội, Trường THCN đa ngành Sóc Sơn; Bệnh viện đa khoa huyện Mỹ Đức, Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội, Dự án thực hiện sáng kiến 3R tại Thành phố Hà Nội, Dự án thoát nước cải tạo môi trường Hà Nội (dự án 2); Dự án tăng cường năng lực quản lý giao thông đô thị, Dự án khu du lịch sinh thái Đông Anh – Hà Nội của Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ Mefrimex; Tòa tháp VCCI của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Khu đô thị Nam Thăng Long của Công ty TNHH phát triển đô thị Nam Thăng Long…

Ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết, thành phố đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư, các quận, huyện và thị xã báo cáo định kỳ 6 tháng/lần việc giám sát các dự án đầu tư trong phạm vi ngành, lĩnh vực được giao quản lý. Kiểm tra ít nhất 1 lần đối với các dự án có thời gian thực hiện hơn 12 tháng; kiểm tra điều chỉnh dự án làm thay đổi địa điểm, quy mô, mục tiêu, vượt tổng mức đầu tư từ 30% trở lên.

“Riêng dự án có sử dụng vốn ngân sách nhà nước từ 30% trở lên, hằng tháng phải có báo cáo với người quyết định đầu tư, báo cáo quý, 6 tháng và năm cho cơ quan chủ quản và Sở Kế hoạch và Đầu tư. Với các dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A thì ngoài việc gửi báo cáo giám sát, đánh giá đến cơ quan đầu mối thực hiện giám sát đến cơ quan đầu mối thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư thuộc cơ quan chủ quản, đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo quý, 6 tháng và báo cáo năm”, ông Sửu cho hay.

* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
Diệu Linh