Tràn ngập thông tin sữa nhiễm khuẩn, thực phẩm "ướp" hóa chất tuần qua

12/08/2013 11:08
Liễu Phạm (Tổng hợp)
(GDVN) - Sữa nhiễm khuẩn, bún có chứa chất gây ung thư, gạo tẩy trắng bằng thuốc diệt côn trùng, lợn chết trôi thành đặc sản… là những thông tin về thực phẩm khiến người tiêu dùng hoang mang tuần qua.
Nhiều "đại gia sữa" dính nghi án nhiễm khuẩn Clostridium Botulinum

Thông tin về nguyên liệu của hãng sữa lớn nhất New Zealand Fonterra nhiễm khuẩn Clostridium Botulinum có thể gây ngộ độc khiến nhiều hãng sữa lớn có nhập nguyên liệu của Fonterra phải tiến hành thu hồi sản phẩm của mình.

Cụ thể, Công ty Abbott Nutrition Việt Nam thông báo thu hồi 12.927 thùng sữa Similac GainPlus EyeQ cho trẻ 1-3 tuổi và Công ty Danone Việt Nam tiến hành thu hồi một lô sữa Dumex Gold bước 2, loại hộp 800g số lô 300513R1 sản xuất vào ngày 30/5. Trước đó, hãng Fonterra của New Zealand đã bắt đầu tiến hành thu hồi sản phẩm trên thị trường.

Tính đến trưa ngày 9/8/2013, Abbott Việt Nam đã thu hồi được xấp xỉ 96,9%, còn Công ty TNHH Danone Việt Nam đã thu hồi khoảng trên 95% số lượng sản phẩm có thể bị nhiễm khuẩn.



“Clostridium Botulinum là loại vi khuẩn nhiễm độc trong cơ thể, phát triển gây ra hiện tượng độc, gọi là độc tố thịt. Khi sống trong thực phẩm, vi sinh này sẽ chứa độc ngoại tố và gây hại cho thực phẩm. Đặc biệt sẽ gây ra những tình trạng xấu nếu người ăn phải. Nhưng nếu ăn phải nồng độ cao, độc tố sẽ không thể đào thải ra bên ngoài và gây chết người chết ngay lập tức. Bởi đây là vi sinh vật mang độc tố cực mạnh nếu như phát triển", TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho biết.

Thông tin sữa nhiễm khuẩn nhanh chóng tạo nên "làn sóng" hoang mang, lo lắng, theo đó không chỉ mất niềm tin với những sản phẩm sữa bị thu hồi, người tiêu dùng còn có thái độ quay lưng với nhiều sản phẩm sữa ngoại nói chung.

Chỉ 5kg cà phê "thật", DN An Khánh "ra lò" 100kg cà phê thành phẩm

Chiều 6/8, Báo CAND đưa tin, Phòng CSĐT tội phạm kinh tế (PC46) Công an Cần Thơ cho biết vừa có kết quả kiểm nghiệm đối với các mặt hàng cà phê gồm 6 loại (cả loại đã được DN công bố và chưa công bố) do Công ty TNHH MTV SXTM An Khánh (số 303/1, đường Hoàng Quốc Việt, phường An Khánh, quận Ninh Kiều) sản xuất mà cơ quan Công an đã phát hiện, thu giữ.

Kết quả thật hết sức bất ngờ so với lời khai trước đó của người làm công trong DN này (là chỉ cần 5kg cà phê nhân, có thể trộn với nhiều nguyên liệu khác cho ra 100kg cà phê thành phẩm).

Sản phẩm này chỉ có 0,68% hàm lượng cafein.
Sản phẩm này chỉ có 0,68% hàm lượng cafein.

Cụ thể, sản phẩm cà phê An Khánh loại A, hàm lượng cafein chỉ 0,48%; sản phẩm cà phê An Khánh loại B, hàm lượng cafein chỉ 0,36%; cà phê Chồn An Khánh bao bì màu cam có hàm lượng cafein 0,68%; cà phê Chồn An Khánh bao bì màu đỏ có hàm lượng cafein 0,66%. Và đặc biệt, sản phẩm Cà phê Thu Thảo có hàm lượng cafein chỉ 0,18%.

Bún, phở, bánh canh chứa tinopal

Ngày 8/8, báo VnExpress công bố, 8 trong số 144 mẫu bún được kiểm nghiệm tại TP.HCM trong tuần đầu tiên của tháng 8, bị phát hiện chứa chất làm trắng tinopal - hóa chất cấm sử dụng. Số liệu trên được đưa ra tại Hội nghị chuyên đề về an toàn vệ sinh thực phẩm sáng 7/8.

Trước đó, Trung tâm nghiên cứu và Tư vấn về Tiêu dùng công bố 24 trong số 30 mẫu bún, phở, bánh canh được lấy mẫu khảo sát tại TP.HCM có chứa chất làm trắng quang học Tinopal (còn gọi là huỳnh quang). 

Ngày 10/8, Sở Y tế TP.HCM công bố phát hiện 6 mẫu sản phẩm gồm bún tươi, bánh phở, bánh hỏi chứa chất Acid oxalic, là hoá chất công nghiệp không có trong danh mục cho phép của Bộ Y tế, và chất Natri sulfite, là chất có trong danh mục cho phép của Bộ Y tế  nhưng vượt mức cho phép của 3 cơ sở sản xuất được đại diện ký cam kết sản xuất sạch.

8 trong số 144 mẫu bún được kiểm nghiệm tại TP HCM trong tuần đầu tiên của tháng 8, bị phát hiện chứa chất làm trắng tinopal - hóa chất cấm sử dụng.
8 trong số 144 mẫu bún được kiểm nghiệm tại TP HCM trong tuần đầu tiên của tháng 8, bị phát hiện chứa chất làm trắng tinopal - hóa chất cấm sử dụng.

Tinopal là một hóa chất tẩy rửa dạng bột màu hơi vàng được sử dụng trong công nghiệp. Việc sử dụng thường xuyên thực phẩm có chứa tinopal sẽ gây hại đường tiêu hóa, niêm mạc thành ruột, thậm chí có thể dẫn đến viêm loét ruột, dạ dày. Nếu ăn thực phẩm chứa chất tinopal lâu dài sẽ gây suy gan, suy thận, cơ thể mệt mỏi và mắc cả bệnh ung thư. Ngoài ra, tùy theo lượng độc tố tinopal vào cơ thể với hàm lượng bao nhiêu mà có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính.

Heo chết thối hô biến thành heo quay đặc sản

Ngày 32/7, báo Xa Lộ pháp luật đưa tin, sáng ngày 13/7, tại khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương), lực lượng chức năng đã bắt được một xe tải đông lạnh chứa gần 100 con heo sữa bốc mùi hôi thối đang chuẩn bị giao cho khách.

Cơ quan chức năng xác định số heo sữa này đã chết nhiều ngày, ước tính trọng lượng khoảng 300kg. Tại cơ quan chức năng, người nhận số heo thối tên Thanh đã khai nhận toàn bộ số heo sữa này nếu được trót lọt sẽ được giao cho nhiều nhà hàng ở Quận 5 và Quận 1 (TP.HCM). Chính anh này cũng không biết, số heo trên được nhập từ đâu và đã chết bao nhiêu ngày.




Theo những giấy tờ thu thập được trong quá trình kiểm tra cho thấy số heo sữa thối trên sau khi được Thanh nhận hàng, sẽ phân chia làm 3 loại rồi giao cho các nhà hàng kinh doanh ăn uống.

Theo những người nông dân có kinh nghiệm chăn nuôi, loại heo con mới sinh được vài ngày tuổi này ở những vùng nông thôn, người dân đem đi tiêu hủy hoặc làm thức ăn cho cá.

Giò chả chứa hàn the đậm đặc

Báo Thanh niên sáng 30/7 cho biết, đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã lấy 32 mẫu giò và chả của 12 điểm bán lẻ tại chợ Tân Hiệp để kiểm tra. Kết quả kiểm tra nhanh cho thấy có 22 mẫu chứa chất hàn the ở mức đậm đặc, trong đó các mẫu kiểm tra trong giò lụa và giò chay có hàm lượng hàn the cao.

Những mặt hàng này đều có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản tịch thu và tiêu hủy gần 10kg giò, chả các loại.

Trước đó, kiểm tra 10 sạp kinh doanh thực phẩm tại chợ Biên Hòa, đoàn kiểm tra phát hiện 6 sạp bán mặt hàng mỳ sợi khô có chứa chất hàn the đậm đặc với số lượng khoảng 50kg.

Theo quy định của ngành y tế, hàn the là chất cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm. Hàn the có thể làm thoái hóa các cơ quan sinh dục, gây vô sinh. Nếu trẻ em ăn phải thực phẩm có lượng hàn the cao có thể dẫn đến tử vong.

Hóa chất độc hại tẩy gạo mốc thành gạo trắng thơm

Báo Tiền phong ngày 2/8 cho biết, nhiều nhà máy xay xát đang dùng hóa chất bị cấm ở nhiều nước vì gây suy gan, thận, ung thư, để khiến gạo trắng hơn, thổi cơm nở gấp đôi, biến gạo mốc meo trở nên trắng thơm….

Theo một chủ máy xay xát, để tạo mùi cho gạo thì phải mua “loại hóa chất tạo mùi thơm được mua từ Trung Quốc. Mấy loại này thị trường không bán nhiều, chỉ có thể mua từ những công ty cung cấp hóa chất ở chợ Kim Biên (quận 5, TP.HCM).

Những loại hóa được sử dụng bao gồm bột bezoyl peroxide và calcium peroxide chuyên để tẩy trắng gạo.
Những loại hóa được sử dụng bao gồm bột bezoyl peroxide và calcium peroxide chuyên để tẩy trắng gạo.

Quy trình làm trắng và tạo mùi cho gạo rất nhanh chóng, chỉ sau 10 phút, hai bao gạo 50kg đã trắng sáng và thơm mùi gạo mới. Sau khi gạo được “hóa phép”, công đoạn cuối cùng là đóng bao với nhãn mác mới rồi chuyển ngược lại đại lý gạo để bán ra thị trường.

Nếu chỉ nhìn bằng mắt thường thì khó có thể nhận biết được đâu là gạo mới và đâu là gạo mốc vừa được hóa phép. 

Theo ông Trần Văn Thanh, Giám đốc công ty Hóa chất Minh Thanh (chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, TP.HCM), những loại hóa được sử dụng bao gồm bột bezoyl peroxide và calcium peroxide chuyên để tẩy trắng gạo và mì mà Trung Quốc đã cấm lưu hành trong chế biến thực phẩm vì dùng quá liều sẽ gây ra hiện tượng rối loạn tiêu hóa, gây tử vong. Loại chất chống mốc là chất deltamethrin chuyên sử dụng diệt côn trùng và khử trùng.

Theo ông Thanh, chất tạo mùi là loại hóa chất chuyên dùng cho công nghiệp thực phẩm, còn bột tạo màu gạo thì chưa rõ, hầu như những loại màu đó có xuất xứ từ Trung Quốc.

Liễu Phạm (Tổng hợp)