TS.Nguyễn Minh Phong bày chiêu đối phó “bẫy” thu mua của TQ

29/07/2011 00:27
(GDVN) - Theo TS kinh tế Nguyễn Minh Phong: Bài học lớn nhất trong giao thương với TQ là phải biết tự vệ, tận dụng cơ hội, dùng chiêu "gậy ông đập lưng ông".

(GDVN) – “Bài học lớn nhất trong giao thương với TQ là phải vừa biết tự vệ hiệu quả, vừa tranh thủ khai thác các cơ hội, thậm chí có thể dùng chiêu “gậy ông lại đập lưng ông”. Đặc biệt, trong chuyện giao thương mua bán, dù là tiểu ngạch hay chính ngạch, Việt Nam cần học hỏi TQ về tính có tổ chức và biết đoàn kết hơn”, bàn về biện pháp đối phó với “bẫy” thu mua của TQ, TS Nguyễn Minh Phong - Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội đưa ra sáng kiến.

>> Bà Phạm Chi Lan “bắt mạch” những “ngón đòn hiểm ác” của thương lái TQ

Giao thương với TQ, đừng để “thấy cây mà không thấy rừng”

a
TS. Nguyễn Minh Phong.
Trao đổi với báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng: Thực tế cho thấy không ít mặt hàng mà thương lái TQ thu mua rất bí ẩn, khó hiểu. Nhiều mặt hàng xét về độ an toàn cho nền sản xuất có tính nhạy cảm cao.
Ví dụ: Tại sao họ không mua râu ngô già (loại râu ngô sau khi lấy bắp thì có thể bán thoải mái) mà lại mua râu ngô non? Trên thực tế, râu ngô non giống như bắp non, mới nhú lên mà đã hái để bán sẽ gây thiệt hại lớn về mặt sản lượng. Đối với người mua, họ có thể viện nhiều lý do.

Nhưng đối với người bán, nếu mờ mắt “thấy cây mà không thấy rừng”, vì lợi ích trước mắt mà không xét tính dài hạn về mặt sản lượng hay lợi ích lâu dài của quốc gia thì sẽ vô tình hay cố ý tự làm hại chính mình.
“Đây là lỗi của chúng ta, lỗi của người bán” – TS. Phong nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo TS. Phong: Khách quan mà nói, nếu dùng từ “phá hoại kinh tế” để nói về mục đích chính sách thu mua của TQ thì hơi nặng nề!. Ông lý giải: Về nguyên tắc, chúng ta đang chứng kiến thương lái TQ, chứ không phải Chính phủ TQ sang Việt Nam (VN) mua và bán rất nhiều mặt hàng.

Trong số những mặt hàng họ mua của chúng ta, tập trung rất nhiều những mặt hàng mang tính chất nguyên liệu hay những mặt hàng khá nhạy cảm xét về độ an toàn sản xuất, cũng như an ninh kinh tế. Và trong số mặt hàng họ mua, trước hết, xét về mặt nhu cầu thì không sai, vì trên thị trường có thể mua và bán mọi thứ, trừ những gì Nhà nước cấm.

“Những gì họ mua của VN về mặt pháp lý không phải cái VN cấm nên không thể lên án họ với tư cách quốc gia. Hơn nữa, những gì họ mua xét lợi ích ngắn hạn, ở tầm nhìn nào đó, lại có lợi cho người bán, thêm vào đó, họ thu mua một cách công khai, chứ không kín kín hở hở”, TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.

Ngoài ra, các lái thương TQ cũng khá sòng phẳng trong mua bán. Dù họ thường thích mua bán theo đường tiểu ngạch hơn là theo chính ngạch, và mang tính ngắn hạn hơn là theo cam kết hợp đồng dài hạn. Do vậy, họ không có những vi phạm lớn xét về mặt cam kết.

“Chỉ có điều, người VN mình cứ hay làm theo tâm lý, theo quán tính, mà không tính toán trước, thiếu thận trọng, cân nhắc kỹ càng mọi nhẽ. Và khi thương lái TQ không mua nữa, hoặc ta đã mua vét cạn kiệt hết rồi, thì mình mới ngã ngửa ra là bị thiệt; Đó không phải lỗi do họ, mà là cái mẹo của họ, mình phải biết để thận trọng và thậm chí cảnh giác hơn” – TS. Phong nhắc nhở. 
 
Không chỉ là lợi nhuận thương mại trước mắt

Trước thời kỳ bắt tay trở lại hợp tác với TQ, thương lái TQ lùng sục hang cùng, ngõ hẻm  để mua rễ hồi, râu ngô hay kích động dân Việt nuôi ốc bươu vàng,… Sau này, khi đã thiết lập mối bang giao hữu hảo, mặt hàng mà thương lái TQ săn lùng lại là những nguyên liệu thô dễ tinh chế, nâng cao giá trị như: long nhãn, dưa hấu, thanh long, gỗ sưa, dược liệu... Suy cho cùng, mục tiêu của TQ là gì? Theo các chuyên gia, kinh doanh của Trung Quốc không chỉ thuần túy vì mục tiêu lợi nhuận thương mại trước mắt…!
A
Râu ngô non từng được các thương lái thu mua và xuất ra nước
ngoài (Nguồn: Internet)
.

Có thể nói, TQ là một đối tác thương mại trên thế giới có rất nhiều kinh nghiệm trong cạnh tranh, nhất là trong vấn đề tìm kiếm bí quyết thương mại và kỹ thuật. Thậm chí, trong rất nhiều trường hợp, lái thương TQ còn tạo mối quan hệ với người bản xứ, “sắp xếp” và khéo dùng bàn tay người bản xứ để “tận khai” và độc chiếm các nguồn tài nguyên, các nguyên liệu của nước sở tại với giá rẻ.

TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Bài học lớn nhất trong giao thương với TQ, phải vừa biết tự vệ hiệu quả, vừa tranh thủ khai thác các cơ hội, thậm chí có thể dùng chiêu “gậy ông lại đập lưng ông”. Đặc biệt, trong chuyện giao thương mua bán dù là tiểu ngạch hay chính ngạch thì VN cần học hỏi TQ về tính có tổ chức và biết đoàn kết hơn”.
Hơn nữa, có những cái lỗi không chỉ của người bán, của dân, địa phương,  mà còn lỗi của Chính phủ, lỗi của cơ quan chức năng, đó là không thể có thông tin kịp thời để cảnh báo, cũng như có chính sách ngăn ngừa việc mua bán này một cách sớm nhất.

Biến rủi ro thành cơ hội

Nhằm đối phó với cái “bẫy” của thương lái TQ, theo TS. Nguyễn Minh Phong: Biện pháp khả thi nhất là sớm thành lập các hiệp hội, các tổ chức, các ngành hàng tương ứng và nâng cao vai trò của nó trong đời sống kinh tế - xã hội. Ví dụ như hiệp hội những người trồng hồi hay hiệp hội những người trồng dược thuốc.

Khi TQ buôn bán qua con đường tiểu ngạch thì chúng ta sử dụng những hiệp hội sẽ hay hơn cấp quốc gia. Các hiệp hội này có nhiệm vụ đấu tranh chống lại những chính sách thu mua của TQ, đối phó với “bẫy” của TQ bằng những hình thức thích hợp.
 

“Bài học lớn nhất trong giao thương với TQ, phải vừa biết tự vệ hiệu quả, vừa tranh thủ khai thác các cơ hội, thậm chí chơi chiêu “gậy ông lại đập lưng ông”.

Đặc biệt, trong chuyện giao thương mua bán dù là tiểu ngạch hay chính ngạch thì Việt Nam cần học hỏi TQ về tính có tổ chức và biết đoàn kết hơn”.

(TS.Nguyễn Minh Phong-Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện nghiên cứu phát triển KT-XH HN)

Đặc biệt, một bài học xương máu ngàn đời mà người VN phải ghi nhớ đó là: Khi “chơi” với TQ phải nhìn thấy cái dài hạn, không thể chỉ nhìn thấy cái ngắn hạn, chạy theo lợi ích trước mắt. Khi TQ thu mua gì, lập tức phải phân tích lý do tại sao họ thu mua, lợi hại ra sao, ngắn hạn, dài hạn như thế nào, sức tiêu thụ ra sao và hơn hết phải sử dụng biện pháp “gậy ông đập lưng ông”.

Nếu cần, ta tổ chức đáp ứng để không gây hại cho đất nước. Đồng thời, bảo vệ được tiềm lực của đất nước, nhất là với những sản vật, nguyên liệu không tái tạo được, người VN phải lưu ý để giữ thế độc quyền.

TS. Nguyễn Minh Phong đưa ra ví dụ: “Thương lái TQ mua lát sắn khô thì tốt quá. Nhưng mình đừng nhổ tất cả các cây khác để trồng sắn, vì nếu sau đó TQ không mua nữa thì nguy hiểm. Mình phải bắt họ ký kết hợp đồng dài hạn, nếu họ không mua nữa thì mình có thể kiện ra tòa, chứ không âm thầm chịu thiệt một mình; đồng thời, cần chủ động đa dạng hóa người mua, tìm mối khác để bán cho nước khác, chứ không phải không mua nữa thì mình nhổ đi.

TQ mua thịt lợn của VN cũng tốt, nếu mình biết nắm bắt cơ hội tổ chức chăn nuôi kiểu công nghiệp và ổn định thị trường tiêu thụ với TQ theo hợp đồng đúng chuẩn quốc tế. Phải thấy thị trường tiêu thụ khổng lồ 1,3 tỷ người của TQ, tận dụng nó như một may mắn của chúng ta so với những nước khác ở xa TQ, như Mỹ”.

Biện pháp quan trọng thứ 2 là: Tổ chức việc tuyên truyền rộng rãi cho người dân. Cảnh báo về mặt lợi, mặt hại của chính sách thu mua của TQ, giúp người dân hiểu đúng bản chất thật của sự việc. Và đặc biệt là các cơ quan địa phương (chưa cần nhà nước vội) tổ chức ngăn chặn hoặc tiêu thụ một cách có lợi nhất cho đất nước, cho địa phương đó, với mặt hàng đó. “Vì lái thương TQ buôn bán theo đường tiểu ngạch nên mình chỉ cần cấp địa phương” – TS Phong nhấn mạnh.

a
Theo TS. Nguyễn Minh Phong: Khi TQ cần gì thì ta tăng cường
sản xuất để cung cấp cho họ, chơi chiêu "gậy ông đập lưng ông".
(Ảnh: Vinacorp).

Biện pháp thứ 3
cũng cần lưu ý là: Hoàn thiện động thái về mặt pháp lý. Ví dụ, khi thương lái TQ muốn mua râu ngô non hoặc móng trâu thì mình cấm xuất ra những mặt hàng đó. Mình được phép ra lệnh hành chính nếu nó gây nguy hại an ninh quốc gia, thiệt hại về mặt sản xuất, kinh tế của nước nhà. Thêm nữa, nếu không tổ chức được công khai, thì phải có thông tin nội bộ, thông tin tuyên truyền hoặc rỉ tai nhau để mọi người cùng nắm rõ. “Từ trước tới nay, chúng ta không làm được việc này nên người dân không biết và cứ thế làm tự phát”.

Bên cạnh đó, thay vì buôn bán tiểu ngạch, Nhà nước ta phải sớm định hướng chuyển mạnh giao thương với TQ sang kinh doanh chính ngạch, có nghị định thư thì càng tốt. Ta phải khuyến khích tạo điều kiện phát triển chính ngạch, có hợp đồng theo chuẩn chung quốc tế. Bởi khi có chế tài sẽ có những xử lý tranh chấp hoặc biện pháp xử phạt khi lái thương TQ bỏ đi, buôn bán giữa chừng.

“Có thế nói, TQ là một thị trường đầy tiềm năng, nhưng cũng chứa đựng nhiều rủi ro, bao gồm cả rủi ro trước mắt và rủi ro lâu dài, cả về kinh tế, chính trị và chủ quyền. Vì vậy, khi buôn bán với TQ phải hết sức thận trọng, hết sức cảnh giác, hết sức khôn ngoan, nhưng không thể cấm, vì nó là lẽ thông thương tự nhiên. Do đó, phải thấy ở đây vai trò của Nhà nước, vai trò của địa phương, trách nhiệm vai trò của doanh nghiệp là hết sức quan trọng. Thậm chí phải đặt ở vị trí hàng đầu, ở mức độ cao nhất” – TS. Nguyễn Minh Phong kết luận.

Phương Hạ

Tin bài liên quan:

>> 10 "ngón đòn hiểm ác" của thương lái TQ: Điêu đứng "độc chiêu" phá giá

>> 10 "ngón đòn hiểm ác" của thương lái TQ khiến dân Việt Nam điêu đứng

>> 10 "ngón đòn hiểm ác" của thương lái TQ: Hành động nhỏ, “dụng ý” lớn?

alt