Từ 1/7 chế tài có đủ mạnh để xử lý triệt để hàng giả, hàng nhái?

29/06/2016 14:45
Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội)
(GDVN) - Từ 01/7/2016, phạt tù lên đến 20 năm hoặc chung thân khi chế biến, cung cấp hoặc buôn bán hàng hóa thực phẩm "bẩn", "giả"

Bộ luật Hình sự (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kì họp thứ 10 ngày 27/11/2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016.

Một trong những điểm thay đổi quan trọng nhận được nhiều quan tâm của người dân là tăng mức chế tài trong việc xử lý hình sự đối với các vấn đề vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm và sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm từ mức cao nhất chỉ 5 năm lên mức phạt tù đến 20 năm hoặc chung thân.

Đây là một tín hiệu thể hiện sự quyết liệt trong công cộng đấu tranh phòng chống, tội phạm trong lĩnh vực hàng giả, hàng nhái và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và hàng giả tràn lan tại Việt Nam trong những năm gần đây đã gây ra sự bức xúc rất lớn trong dư luận xã hội. Sức khỏe của người dân bị đe dọa, doanh nghiệp bị thiệt hại lớn bởi hàng hóa của doanh nghiệp mình bị làm giả, làm nhái. 

Lực lượng chức năng kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm và hàng giả, hàng nhái.
Lực lượng chức năng kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm và hàng giả, hàng nhái.

Hàng loạt các vấn đề về thực phẩm “bẩn”, “giả” từ kinh doanh chế biến các loại thịt, nội tạng động vật đã có dấu hiệu phân hủy, sử dụng chất cấm trong sản xuất thực phẩm để tẩy trắng, tạo màu, tạo mùi… đến các loại hàng giả, hàng nhái sử dụng những nguồn nguyên liệu không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng… đã và đang gây nhức nhối và tạo tâm lý hoang mang lo lắng trong xã hội. 

Các phương tiện truyền thông báo đài liên tục gióng những hồi chuông cảnh báo những vấn đề về sức khỏe của người tiêu dùng khi tiêu thụ những thực phầm “bẩn” và “giả” này.

Trong khi đó, khi nhắc đến vấn đề an toàn thực phẩm, dường cụm từ “con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ lại ngắn và dễ dàng đến thế” luôn được người tiêu dùng nhắc đến.

“Loay hoay” với quy định hiện hành

Có rất nhiều nguyên dẫn đến việc hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường nhưng nguyên nhân chủ yếu là do lợi nhuận từ việc sản xuất hàng giả, hàng nhái rất lớn trong khi đó chế tài xử lý trước đây chưa đủ mạnh, chưa đủ răn đe, việc phát hiện, xử lý cũng còn nhiều bất cập. 

Thực tế, các cơ quan chức năng đến nay cũng còn khá “loay hoay” với việc xử lí các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân vi phạm liên quan đến lĩnh vực này. Phần lớn các vụ việc bị phát hiện liên quan đến các vấn đề nêu trên chỉ dừng lại ở mức độ xử phạt vi phạm hành chính. 

Chế tài hình sự thường chỉ được áp dụng đối với tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm khi nào người tiêu dùng do sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh mà bị tử vong hoặc bị thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe đồng thời phải chứng minh được người thực hiện hành vi vi phạm biết rõ là thực phẩm đó không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm thì những người chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mới bị xử lý hình sự. 

Bộ luật Hình sự có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2016 đã giải quyết thấu đáo những vấn đề khiến các cơ quan chức năng còn “loay hoay” liên quan đến các vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm và sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm.
Bộ luật Hình sự có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2016 đã giải quyết thấu đáo những vấn đề khiến các cơ quan chức năng còn “loay hoay” liên quan đến các vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm và sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm.

Điều này đã tạo một “kẽ hở” cho các đối tượng chế biến, cung cấp và kinh doanh thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm tìm cách lách luật và ngang nhiên hoạt động trong thời gian qua.

Liên quan đến vấn đề trên, tại Điều 157 BLHS hiện hành cũng có quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng giả nhưng chỉ được quy định rõ đối tượng là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.

Từ 1/7 chế tài có đủ mạnh để xử lý triệt để hàng giả, hàng nhái? ảnh 3

Coi thường phản ánh của báo chí, ai che chắn cho Quản lý thị trường Hà Nội?

(GDVN) - Thời gian qua, nhiều vấn đề có liên quan đến vai trò, trách nhiệm của Chi cục quản lý thị trường Hà Nội khiến dư luận bức xúc.

Từ 1/7 chế tài có đủ mạnh để xử lý triệt để hàng giả, hàng nhái? ảnh 4

Lãnh đạo từ xã đến tỉnh phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra thực phẩm bẩn

(GDVN) - Thủ tướng ra chỉ thị yêu cầu Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch tỉnh,cơ quan thuộc Chính phủ... tăng cường quản lý an toàn thực phẩm.

Trong khi đó, các phụ gia thực phẩm như bột ngọt, các chất điều vị khác, phẩm màu và chất tạo mùi, tạo hương… cũng là những thành phần được sử dụng rất phổ biến trong sản xuất và chế biến thực phẩm lại chưa được quy định rõ ràng.

Điển hình như gần đầy xuất hiện khá nhiều vụ sản xuất và buôn bán bột ngọt giả hoặc nhái các thương hiệu uy tín được phanh phui.

Phần lớn các đối tượng sử dụng bột ngọt nhập lậu từ Trung Quốc hoặc bột ngọt 3 không (không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng) và bao bì giả cũng in từ Trung Quốc. 

Mặc dù, có những vụ lên đến hàng tấn hàng giả bột ngọt nhưng cơ quan chức năng phần lớn chỉ có thể xử phạt ở mức vi phạm hành chính vì bột ngọt thuộc nhóm phụ gia thực phẩm và pháp luật hình sự hiện hành chưa có quy định chi tiết, cụ thể về tội phạm liên quan đến việc sản xuất, buôn bán hàng hóa là phụ gia thực phẩm.

“Mạnh tay” và “triệt để” 

Bộ luật Hình sự có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2016 đã giải quyết thấu đáo những vấn đề khiến các cơ quan chức năng còn “loay hoay” và người tiêu dùng vô cùng hoang mang, lo lắng trong thời gian qua liên quan đến các vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm và sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm.

Cụ thể, Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 01/7/2016 quy định khá chi tiết về “Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Theo đó, chỉ cần có hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm sẽ đều bị xử lý hình sự với hình phạt cao nhất tới 20 năm tù mà không cần phải có hậu quả xảy ra như chết người hay gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Mặt khác, việc luật hóa hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm tại Điều 193 Bộ luật Hình sự sửa đổi sẽ có hiệu lực trong thời gian tới là một tín hiệu đáng mừng cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Bên cạnh mặt hàng lương thực, thực phẩm đã được quy định trong BLHS hiện hành; hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm sẽ bị phạt tù ít nhất từ 2 – 5 năm. Tùy vào tính chất và mức độ của hành vi vi phạm, người vi phạm là cá nhân có thể bị phạt tù từ hai năm đến chế tài cao nhất của tội này là mức tù chung thân. 

Ngoài ra, một điểm mới đáng lưu ý tại điều luật đó là pháp nhân thương mại cũng là chủ thể của tội này.

Theo đó, pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại điều này thì bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 18 tỷ đồng thậm trí bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Thời gian tới, khi mà những quy định pháp luật hình sự được sửa đổi, bổ sung liên quan đến vấn đề trên có hiệu lực thi hành, người tiêu dùng có thể an tâm hơn và hy vọng rằng những phụ gia thực phẩm giả như bột ngọt giả, phẩm màu bẩn... sẽ không còn cơ hội len lỏi vào từng bữa cơm của mỗi gia đình để đe dọa sức khỏe của người tiêu dùng như trong thời gian qua.

Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội)