Từ 1/7, doanh nghiệp làm ăn chụp giật gặp khó?

27/06/2011 03:20
Theo ông Đỗ Gia Phan, luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp làm ăn theo kiểu chụp giật.

Khá nhiều doanh nghiệp tỏ ra lo lắng khi luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) có hiệu lực từ 1/7/2011. Theo phó chủ tịch hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, luật này chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp làm ăn theo kiểu chụp giật.

>> Bức xúc phí dịch vụ "cắt cổ', cư dân Keangnam dọa kiện

>> Sữa tươi Ba Vì bốc mùi chua, đắng, nhà sản xuất nhập nhèm xin lỗi

>> Khách hàng VinaPhone sốc với tin nhắn mời gọi xem clip tươi mát

Luật mới có những điều khoản giúp người tiêu dùng không bị hành khi sử dụng sản phẩm, nhưng những điều khoản này cũng khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng. Hiệp hội các nhà sản xuất xe hơi Việt Nam (VAMA) cho rằng, điều khoản cung cấp sản phẩm thay thế trong thời gian bảo hành để người tiêu dùng sử dụng khó thực hiện với các doanh nghiệp sản xuất xe hơi.

Tăng giá vì bảo hành?


Bà Vũ Thị Bạch Nga, trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng (cục Quản lý cạnh tranh, bộ Công thương) thông tin: Đại diện VAMA cho rằng, xe hơi là sản phẩm có giá trị cao, có thể lên đến cả triệu USD, do đó rất có thể phát sinh thêm tranh chấp khi người tiêu dùng sử dụng sản phẩm thay thế.

Ông Nguyễn Văn Thống, giám đốc trung tâm bảo hành Acer Việt Nam, cho biết việc bảo hành ba lần buộc phải thay máy mới cho người tiêu dùng là quá khắt khe đối với doanh nghiệp. “Hiện quy định đổi máy mới cho khách hàng của Acer khi sản phẩm bị sửa ba lần cùng một lỗi thuộc về phần cứng. Nếu không xác định lỗi mà căn cứ vào số lần sửa để đổi máy mới cho khách hàng thì không hợp lý”, ông Thống nhận xét.

Với Luật mới, doanh nghiệp phải cung cấp xe thay thế cho người sử dụng khi xe bảo hành.

Với Luật mới, doanh nghiệp phải cung cấp xe thay thế cho
người sử dụng khi xe bảo hành.

Bà Vũ Thị Bạch Nga cho biết, điều này đã được quy định thành luật và doanh nghiệp phải áp dụng. “Một cái máy mới mà trong vòng một năm sửa đến ba lần thì còn gì chất lượng nữa. Khi xây dựng luật, chúng tôi cũng đã bàn đến vấn đề này...”, bà Nga nói. Theo ông Nguyễn Văn Thống, điều khoản này sẽ rất có lợi cho người tiêu dùng, song nó cũng có mặt trái, bởi doanh nghiệp sẽ nâng chi phí bảo hành trong tổng giá trị sản phẩm lên để bù vào chi phí đổi máy cho khách hàng. Điều này sẽ khiến nhiều mặt hàng có thể tăng giá.

Ông Đỗ Gia Phan, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, luật BVQLNTD ra đời nhằm đảm bảo sự công bằng cho người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp, chứ không thiên vị bên nào. Theo ông Phan, luật mới chỉ gây khó khăn cho một số doanh nghiệp làm ăn theo kiểu chụp giật.

Doanh nghiệp có thể tự bảo vệ


Theo TS Đinh Thị Mỹ Loan, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, thực tế thời gian qua, phần lớn khiếu nại của người tiêu dùng đều có cơ sở và cần được cơ quan chức năng bảo vệ. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp người tiêu dùng lợi dụng quyền hạn của mình để làm khó doanh nghiệp, gây tổn hại cho hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp, thậm chí có những đòi hỏi một cách quá đáng. Trường hợp này, doanh nghiệp có thể kiện người tiêu dùng việc vu khống.

Bà Loan cho biết thêm, luật cũng quy định có bốn hình thức giải quyết khi xảy ra khiếu nại của người tiêu dùng là thỏa thuận, hòa giải, trọng tài và tòa án, trong khi trước đây hầu hết doanh nghiệp chỉ chọn thỏa thuận hoặc tòa án.

Với quy định này, cả người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn trong việc giải quyết tranh chấp, tránh việc đưa nhau ra tòa. Bởi người tiêu dùng sẽ đỡ mất thời gian hơn trong việc theo đuổi vụ kiện tại tòa, đồng thời doanh nghiệp cũng được bảo vệ thông tin. Bà Loan khuyến cáo doanh nghiệp tránh đưa vụ tranh chấp ra tòa, nếu không thể thỏa thuận, nên hòa giải hoặc nhờ đến trọng tài.

Luật BVQLNTD có 8 điểm mới so với Pháp lệnh bảo vệ người tiêu dùng năm 1999, đặc biệt là quy định thêm nhiều trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh khi bán hàng. Trong đó, người kinh doanh phải cung cấp thông tin về khả năng cung ứng linh kiện, phụ tùng thay thế của loại hàng hóa thiết bị khi hỏng hóc để người tiêu dùng cân nhắc trước khi mua; hợp đồng cung cấp dịch vụ với người tiêu dùng phải rõ ràng, minh bạch, trong trường hợp có cách hiểu khác nhau giữa hai bên thì cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ ưu tiên theo hướng có lợi cho người tiêu dùng.

Khi sản phẩm được mang đi bảo hành, doanh nghiệp phải cung cấp sản phẩm thay thế để người tiêu dùng sử dụng. Linh kiện thay thế khi bảo hành phải được tính thời gian bảo hành mới (từ thời điểm thay). Doanh nghiệp buộc phải thay thế sản phẩm mới tương tự hoặc trả lại tiền cho người tiêu dùng nếu món hàng bị bảo hành lặp đi lặp lại tới 3 lần mà vẫn không khắc phục được lỗi.

Theo Sài Gòn Tiếp thị

>> Bức xúc phí dịch vụ "cắt cổ', cư dân Keangnam dọa kiện

>> Sữa tươi Ba Vì bốc mùi chua, đắng, nhà sản xuất nhập nhèm xin lỗi

>> Khách hàng VinaPhone sốc với tin nhắn mời gọi xem clip tươi mát