VFF: Sếp bị tố nhận hối lộ, nhân viên quyết liệt ngăn cản báo chí

18/06/2015 16:31
Mai Anh
(GDVN) - Chiều ngày 18/6, liên hệ làm việc với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bị nhân viên bảo vệ VFF ngăn cản không cho vào.

Liên quan đến vụ việc ông Nguyễn Văn Chương – nguyên quyền Giám đốc Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ - Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) gửi đơn tố cáo ông Lê Hùng Dũng Chủ tịch VFF và Trần Quốc Tuấn Phó chủ tịch VFF nhận 100 triệu đồng hối lộ. 

Theo đơn ông Chương cho biết khi bị thuyên chuyển vị trí công tác trước khi bị cho nghỉ việc không rõ lý do, ngày 15/7/2014 ông Chương đã đưa 100 triệu đồng cho ông Trần Quốc Tuấn, tương tự ngày 28/8/2014 khi đến chơi tại nhà riêng ông Lê Hùng Dũng ông Chương cho cũng gửi quà biếu gồm giỏ hoa quả, một đồng hồ cổ và 1 phong bì 100 triệu đồng cho ông Dũng…

Nguyên nhân việc đưa tiền cho ông Dũng và ông Tuấn được ông Chương lý giải do ông Tuấn gây khó dễ trong việc bố trí công việc và có dấu hiệu gợi ý dùng tiền để được sắp xếp công việc.

Trụ sở Liên đoàn Bóng đá Việt Nam - Ảnh H.L
Trụ sở Liên đoàn Bóng đá Việt Nam - Ảnh H.L

Trước những nội dung tố cáo của ông Chương,  nhằm rộng đường dư luận chiều ngày 18/6 phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đến trụ sở Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (Đ.Lê Quang Đạo – Mỹ Đình – Từ Liêm – Hà Nội).

Tuy nhiên ngay khi giới thiệu là phóng viên đến liên hệ làm việc với Liên đoàn phóng viên đã bị nhân viên bảo vệ tên Nguyễn Văn Vĩnh (tên trên phù hiệu đeo trước ngực – PV) ngăn cản không cho vào cơ quan này.

Không những ngăn cản phóng viên, nhân viên bảo vệ Nguyễn Văn Vĩnh đuổi phóng viên ra khỏi khuôn viên Liên đoàn Bóng đá Việt Nam với lý do đơn giản: “Tôi không cho vào là không cho vào, ông ra ngoài kia”.

Nhân viên bảo vệ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam liên tục ngăn cản đuổi phóng viên ra khỏi cơ quan và không cho vào liên hệ làm việc. Ảnh Mai Anh
Nhân viên bảo vệ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam liên tục ngăn cản đuổi phóng viên ra khỏi cơ quan và không cho vào liên hệ làm việc. Ảnh Mai Anh

Trước thái độ của ông Vĩnh, để tránh xảy ra sự việc đáng tiếc, phóng viên liên hệ qua hai số điện thoại +84.4.22425998 ( SĐT được đặt dưới trang website chính thức VFF http://www.vff.org.vn) và hai số điện thoại (84-4) 37332644; (84-4) 38452480 (đây là những số điện thoại được VFF giới thiệu khi đơn vị này chuyển trụ sở từ Số 18 Lý Văn Phức – Quận Đống Đa – Hà Nội sang địa chỉ mới nằm trên đường Lê Quang Đạo – Mỹ Đình – Từ Liêm – Hà Nội năm 2010).

Điều 2 Luật báo chí 1989 quy định: “Không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động”

Điều 15 Luật sửa đổi bổ sung Luật báo chí 1999 quy định: “Nhà báo có quyền được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”và “Nhà báo có nghĩa vụthông tin trung thực về tình hình trong nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân; phản ánh ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, góp phần thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân”.

Tuy nhiên cả 3 số điện thoại bàn đều không có người nghe máy.

Tiếp tục phóng viên liên hệ với ông Lê Hùng Dũng tuy nhiên ông Dũng không nghe máy, sau đó gọi lại số điện thoại không liên lạc được. 

Phóng viên tiếp tục liên hệ với ông Trần Quốc Tuấn, ông Tuấn cho biết mình đang ở Đà Nẵng. Theo ông Tuấn mọi liên hệ phóng viên cần liên lạc với ông Lê Hoài Anh – Tổng thư ký VFF. Sau đó ông Tuấn tắt máy.

Sau khi có được số điện thoại cầm tay của ông Lê Hoài Anh, phóng viên gọi điện nhiều lần nhưng không có người nghe máy.

Trong diễn biến khác ngay sau khi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải loạt bài viết về nghi án lãnh đạo VFF nhận hối lộ nhiều độc giả đã đọc và chia sẻ comment bình luận. Cụ thể, độc giả Đặng Long cho rằng: “Phải làm sáng tỏ để dân biết. Tốt nhất công an phải vào cuộc điều tra sớm”.

Tương tự, độc giả có tên Diệp Minh Tuấn gửi bình luận: “Như vậy chứng tỏ ông Dũng đã có nhận quà,vì một khi đã khước từ thì phải dứt khoát, không nên để ông Chương bỏ lại gói quà,còn nếu vì lý do khách quan khác thì ông Dũng không nên mở gói quà ra,vì ông Dũng đã mở gói quà ra cũng đồng nghĩa với việc ông Dũng chấp nhận hành vi cho biếu của ông Chương. Thế là mọi việc đã rõ, còn có tiền hay không thì rồi đây trắng đen sẽ biết”.

Trong khi đó độc giả Loan Nguyễn cho rằng, cả người đưa hối lộ và người nhận hối lộ đều đã từng hoặc đang nằm dưới sự quản lý của VFF nhưng tại sao Liên đoàn không lên tiếng hay VFF đang che dấu điều gì?.

Theo độc giả Loan Nguyễn, đã có đủ cơ sở để khởi tố vụ án và điều tra, vậy tại sao các cơ quan không tiến hành. Nếu có hối lộ, tham nhũng là có tội với bóng đá, có tội với người hâm mộ và có tội với nhân dân.

Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản: Điều 7. Hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Uy hiếp tính mạng nhà báo, phóng viên;

b) Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên;

c) Thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên.”

Mai Anh