Vì sao chỉ số quản lý hành chính công cấp tỉnh Thừa Thiên-Huế giảm 6 bậc?

12/06/2019 08:58
Diệu Linh
(GDVN) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt câu hỏi trong buổi làm việc với lãnh đạo Thừa Thiên - Huế ngày 10/6/2019.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng biểu dương Thừa Thiên - Huế chủ động phát động phong trào không sử dụng bao bì nhựa dùng một lần để Huế xanh hơn, sạch hơn, xứng đáng là trung tâm du lịch quốc gia.

Phong trào này cần tiếp tục nhân rộng, không chỉ làm một lần là xong và các tỉnh, thành khác cần nghiên cứu, học hỏi, làm theo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Thừa Thiên - Huế cần xem lại các thành tố còn yếu như tính năng động, hỗ trợ doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng. ảnh: VGP.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Thừa Thiên - Huế cần xem lại các thành tố còn yếu như tính năng động, hỗ trợ doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng. ảnh: VGP.

Về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng nhìn nhận, tỉnh phát triển khá toàn diện, đáng lưu ý là dịch vụ chiếm gần 50% cơ cấu kinh tế. Tỉnh cũng là một trong những địa phương có mức chênh lệnh giàu nghèo thấp nhất cả nước.

Thủ tướng đánh giá cao sáng kiến, nỗ lực di dời dân ra khỏi khu Đại Nội, Kinh thành Huế. Đây cũng là kiến nghị mà mỗi lần làm việc với Thủ tướng, Thừa Thiên -Huế đều nêu ra, coi đây là kiến nghị cần quan tâm số 1.

Chỉ ra mặt tồn tại, hạn chế, Thủ tướng cho rằng, quy mô kinh tế của tỉnh còn nhỏ, GDP bình quân đầu người thấp nhất trong 5 tỉnh khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung. Chưa thấy xuất hiện động lực tăng trưởng mới.

“Vì sao Thừa Thiên - Huế là một trong những địa phương đi đầu trong cải cách hành chính, tăng đến 7 bậc, nhưng chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh lại giảm 6 bậc, xếp thứ 43”, Thủ tướng nói.

Chỉ số PCI năm 2018 xếp thứ 30, giảm 1 bậc. “Phải chăng những thủ tục hành chính liên quan đến kinh doanh có sự thụt lùi đáng kể”, Thủ tướng đặt vấn đề và cho rằng, tỉnh cần xem lại các thành tố còn yếu như tính năng động, hỗ trợ doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng…

Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn ít, quy mô nhỏ, đang thiếu nhiều doanh nghiệp lớn, có khả năng dẫn dắt nền kinh tế đi lên.

“Tôi biết có một số doanh nghiệp đã vào đây nhưng còn chưa quyết tâm để làm một số công trình, dự án lớn”, Thủ tướng nói.

Gợi mở định hướng lớn cho Thừa Thiên - Huế thời gian tới, trước hết, Thủ tướng nêu rõ, Huế có một hệ sinh thái đa dạng, tài nguyên di sản đặc sắc.

Do đó tỉnh phải nỗ lực dựa vào các thế mạnh, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch năm 2019 và chuẩn bị xây dựng các mục tiêu của giai đoạn 2020-2025.

Phải hướng tới mục tiêu xây dựng Thừa Thiên - Huế là một trung tâm văn hóa, du lịch, trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm khoa học công nghệ, trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao của miền Trung và cả nước, là nơi hội tụ các tiềm năng, thế mạnh đa dạng của vùng. 

Quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế của Thừa Thiên - Huế là tích cực nhưng cần tiên phong sử dụng các thước đo khác như cơ cấu giá trị kinh tế có dịch chuyển lên nấc cao hơn của chuỗi giá trị, mức tăng năng suất lao động, trình độ công nghệ.

Huế là một trung tâm trí tuệ của Việt Nam, cần đi đầu trong vận dụng vốn tri thức phục vụ phát triển, học kết hợp với hành, đây là những thước đo mới, tư duy mới về cơ cấu kinh tế.

Văn hóa vật thể và phi vật thể của Huế rất phong phú, hội tụ nhiều trí thức, tài hoa, đây là nguồn lực rất quý, không phải nơi nào cũng có được.

Vì vậy, theo Thủ tướng, mô hình phát triển của Thừa Thiên Huế là tối ưu hóa các lợi thế cạnh tranh của địa phương và các liên kết trong phát triển, nhất là liên kết du lịch, dịch vụ, kết nối hạ tầng, liên kết các chuỗi đô thị ven biển, giữa các trường đại học và trung tâm nghiên cứu với nhu cầu phát triển của Huế trong tương lai.

Đi liền với đó, Thủ tướng yêu cầu tỉnh rà soát và hoàn thiện các quy hoạch phù hợp với yêu cầu phát triển mới; sử dụng đất đai hợp lý để có thành phố lớn trực thuộc Trung ương, một thành phố xanh, hiền hòa với sông Hương – núi Ngự là điểm nhấn.

Cần tiếp tục nâng cao chất lượng điều hành, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở địa phương. Phát động các phong trào thúc đẩy phát triển du lịch như Huế không có túi nylon, bao bì nhựa, người dân phải biết tiếng Anh...

Tại buổi làm việc, Thủ tướng yêu cầu tỉnh khẩn trương hoàn thiện Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 48 của Bộ Chính trị Khóa X (ban hành năm 2009) về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế và đô thị Huế đến năm 2020 và thông báo số 175/2014 của Bộ Chính trị về thực hiện kết luận số 48, trình Bộ Chính trị trong quý 3/2019.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho ý kiến về các kiến nghị của tỉnh, trong đó có việc tạo cơ chế hỗ trợ nguồn lực để tỉnh thực hiện di dời dân cư ra khỏi khu Đại Nội và tái định cư. Thủ tướng giao các bộ, ngành nghiên cứu các giải pháp về nguồn để giúp tỉnh thực hiện nhiệm vụ này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. 

Thủ tướng cũng cho ý kiến về một số kiến nghị khác của tỉnh trong việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô đến năm 2025; điều chỉnh cục bộ đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Diệu Linh