Vì sao Kiểm toán nhà nước ít phát hiện ra tham nhũng?

24/02/2016 14:55
Ngọc Quang
(GDVN) - Ngoài sự phát hiện của nhân dân và báo chí, tham nhũng chỉ lộ ra khi nội bộ có mâu thuẫn, còn qua kiểm toán phát hiện rất hạn chế.

Ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng nói thẳng, lo kiểm toán cho đúng luật lệ thì ít mà lo đối phó là nhiều. Vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm là kiểm toán tài chính công và tài sản công.

Ông Phan Trung Lý đặt ra vấn đề khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước. Đồng thời, ông Lý đặt ra vấn đề: Chưa thấy ai bị xử lý kỷ luật vì không thực hiện nghiêm báo cáo của kiểm toán và Kiểm toán nhà nước cũng không đề xuất kỷ luật ai?

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hiện – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thì cho rằng, ngoài sự phát hiện của nhân dân và báo chí, tham nhũng chỉ lộ ra khi nội bộ có mâu thuẫn, còn qua kiểm toán phát hiện rất hạn chế.

Ông Hiện đề nghị Tổng kiểm toán nhà nước bổ sung thông tin, trong nhiệm kỳ vừa qua có phát hiện sai phạm của cán bộ kiểm toán trong khi thực thi công vụ không. Nếu có phát hiện và xử lý thì cần đưa vào báo cáo, để đảm bảo sự minh bạch thông tin đến với người dân.

Kiểm toán nhà nước phát hiện hàng trăm tỷ đồng sai phạm. Ảnh minh họa: Tuổi trẻ.
Kiểm toán nhà nước phát hiện hàng trăm tỷ đồng sai phạm. Ảnh minh họa: Tuổi trẻ.

Tại phiên làm việc sáng nay, ông Nguyễn Hữu Vạn – Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, qua kiểm toán cho thấy, tình trạng bố trí vốn đầu tư còn dàn trải, hiệu quả chưa cao; chi thường xuyên chưa hợp lý, một số khoản chi chưa đảm bảo tỷ lệ quy định như: Chi sự nghiệp khoa học, sự nghiệp giáo dục - đào tạo...; chi quản lý hành chính còn lớn trong tổng chi ngân sách địa phương do biên chế trong bộ máy lớn, nhiều nơi vượt cao so với biên chế được giao.

Việc chấp hành các quy định về kê khai, nộp thuế, thu phí, lệ phí tại hầu hết các doanh nghiệp, đơn vị được kiểm toán chưa được thực hiện đầy đủ; việc hạch toán thiếu doanh thu, xác định sai chi phí tính thuế, nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước còn xảy ra phổ biến; tình trạng thất thu về thuế, phí, lệ phí, thu khác ngân sách và thu vượt, thu chưa có quy định hoặc tự ban hành mức thu tại các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương… chậm được chấn chỉnh, xử lý.

Công tác miễn, giảm, giãn, hoàn, xóa nợ thuế và chống thất thu ngân sách đối với hoạt động chuyển giá; công tác quản lý thu từ hoạt động tạm nhập, tái xuất; việc ban hành giá thuê đất, đơn giá thu tiền sử dụng đất, miễn, giảm, gia hạn nộp tiền sử dụng đất, điều chỉnh đơn giá thuê đất sau thời gian ổn định... cũng còn khá nhiều bất cập.

Một số địa phương hụt thu nhưng không rà soát, cắt giảm nhiệm vụ chi theo quy định; ngân sách còn khó khăn nhưng bổ sung ngoài dự toán một số khoản chi không thực sự cấp bách; sử dụng sai nguồn kinh phí, cho vay, tạm ứng sai quy định, kéo dài nhiều năm còn xảy ra tại hầu hết các địa phương được kiểm toán.

Quá trình quản lý chi đầu tư phát triển còn nhiều tồn tại từ khâu xây dựng, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư đến nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng, quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành; xác định phương án tài chính, thời gian thu hồi vốn của các hợp đồng BT, BOT còn bất hợp lý; nợ đọng xây dựng cơ bản cao...

Kết quả kiểm toán các chuyên đề, chương trình mục tiêu quốc gia đã đánh giá được tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực trong tổ chức triển khai các chương trình và phát hiện một số văn bản, chính sách hướng dẫn chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời; công tác chỉ đạo điều hành, phối hợp thực hiện còn hạn chế; việc bố trí vốn không sát thực tế; chưa huy động và lồng ghép đầy đủ các nguồn lực theo quy định; một số mục tiêu của các chương trình đạt thấp; tổ chức triển khai dàn trải, thiếu gắn kết.

Tổng hợp kết quả kiểm toán trong nhiệm kỳ, kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 101.037 tỷ đồng.

Cụ thể, tăng thu ngân sách nhà nước 23.017 tỷ đồng, giảm chi 22.503 tỷ đồng, các khoản nợ đọng tăng thêm 9.868 tỷ đồng, các khoản phải nộp, hoàn trả, quản lý qua ngân sách nhà nước 43.414 tỷ đồng và kiến nghị xử lý tài chính khác 2.235 tỷ đồng.

Đã thực hiện kiểm toán 106 lượt tập đoàn, tổng công ty, KTNN đã kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước 9.843 tỷ đồng, phát hiện, điều chỉnh giảm tổng tài sản/nguồn vốn 6.511 tỷ đồng, giảm doanh thu, thu nhập 1.370 tỷ đồng, tăng chi phí 4.475 tỷ đồng.

Kiểm toán 5.285 lượt dự án (168 dự án nhóm A, 1.638 dự án nhóm B, 3.371 dự án nhóm C và 108 dự án khác), kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 12.990 tỷ đồng (thu hồi nộp ngân sách nhà nước 1.039 tỷ đồng; giảm cấp phát, thanh toán 1.788 tỷ đồng; giảm quyết toán chuyển quyết toán năm sau 1.273 tỷ đồng; giảm quyết toán các khoản đề nghị quyết toán không đúng nguồn 167 tỷ đồng; giảm giá trị trúng thầu 997 tỷ đồng; giảm chi ngân sách nhà nước khác 7.726 tỷ đồng.

Ngọc Quang