Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Phạm Hồng Hà chiều 4/6/2019, đại biểu Trần Thị Dung (Đoàn Điện Biên) cho rằng, tiến độ di dời trụ sở các bộ, ngành khỏi nội đô thành phố Hà Nội vẫn còn chậm và quỹ đất sau di dời chưa được bàn giao cho thành phố Hà Nội; đồng thời đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về sự chậm trễ này?
Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng việc này liên quan tới nhiều cơ quan, nhiều bộ. Cụ thể, Bộ Xây dựng được giao lập danh mục và biện pháp di dời, Bộ Y tế lập danh sách các bệnh viện, Bộ Giáo dục lập danh mục tiêu chí lộ trình di dời cơ sở giáo dục đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội lên danh sách các cơ sở dạy nghề và các tiêu chí ra ngoài ngoại thành.
Bộ Tài chính có nhiệm vụ xây dựng cơ chế chính sách tài chính để khai thác quỹ đất trụ sở nội đô, đề xuất phương án án tài chính để đầu xây dựng trụ sở mới.
Tuy nhiên tình hình hiện nay chậm dù Hà Nội đã bố trí một số địa điểm, lập danh mục phải di dời.
"Một số bệnh viện như cơ sở 2 của các bệnh viện: Nội tiết trung ương, Bạch Mai, Việt Đức đã di dời xong nhưng một số cơ sở của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vẫn chưa hoàn thành việc lập danh mục cũng như tiêu chí di dời", Bộ trưởng Hà cho biết.
Ông Phạm Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Xây dựng. ảnh: quochoi.vn |
Sau trả lời của Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tóm tắt vấn đề: “Việc này thực hiện rất chậm, có trách nhiệm của các Bộ ngành và cả Bộ Xây dựng nữa, đề nghị sau cuộc chất vấn này, Bộ trưởng phải ngồi lại với các bộ, ngành để làm rõ chậm ở chỗ nào, khắc phục như thế nào”.
Tranh luận lại với Bộ trưởng Xây dựng, đại biểu Trần Thị Dung cho rằng, Luật Thủ đô sau 2 nhiệm kỳ đã được thông qua và ban hành năm 2012, hiện đã có hiệu lực 8 năm.
Một trong những quy định không đi vào cuộc sống chính là quy định về việc di dời trụ sở bộ ngành của thành phố Hà Nội. Việc này đã được Ủy ban Pháp luật giám sát và báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 vừa qua.
Nợ của ngành giao thông quá lớn, nhiệm kỳ sau chưa chắc đã trả hết |
Theo quy định của Luật Thủ đô, quỹ đất sau khi di dời, các cơ sở sản xuất, công nghiệp được ưu tiên để xây dựng phát triển các công trình công cộng. Tuy nhiên, thực tế rất nhiều chung cư cao tầng được xây dựng trên phần đất này.
“9 cơ quan được bố trí quỹ đất chuyển ra ngoại nội đô thì có 7 cơ quan tiếp tục giữ lại trụ sở cũ và 2 cơ quan được chấp thuận chuyển đổi mục đích sang đầu tư xây dựng nhà ở văn phòng, nhà cao tầng, không khu đất nào được sử dụng để xây dựng các công trình công cộng, chưa có cơ sở giáo dục nào di dời ra ngoại thành, thậm chí chưa được giao đất.
Sự chậm trễ này gây hệ lụy về quy hoạch, hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, quy mô dân số đi ngược lại mục tiêu ban đầu đề ra khi thực hiện di dời các nhà máy xí nghiệp”, bà Dung nêu rõ.
Đại biểu Trần Thị Dung cũng cho rằng, Bộ Xây dựng và các bộ phải có trách nhiệm trong vấn đề này, theo quy định tại Điều 4, quyết định 130 của Chính phủ, cần quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, bởi việc triển khai thực hiện chưa nghiêm túc.
Cũng liên quan tới vấn đề di dời trụ sở các bộ, ngành trong nội đô Hà Nội, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) đặt vấn đề xử lý trách nhiệm đối với những đơn vị đã di dời những vẫn chưa chịu bàn giao trụ sở cũ, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, hiện còn khoảng 8-9 cơ quan chưa bàn giao lại trụ sở. Sắp tới, Bộ Xây dựng sẽ có các biện pháp để xử lý dứt điểm tình trạng này.
Trước đó, khi trả lời vấn đề chậm di dời trụ sở các bộ ngành vào năm 2017 tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, đã có quy định chi tiết về mục tiêu di dời, nguyên tắc và trách nhiệm các bộ ngành, tuy nhiên tiến độ công việc trên rất chậm do bố trí đất quy hoạch để di dời “không đơn giản”. Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan cũng chưa có đề án cụ thể về kế hoạch di dời.
Qua rà soát có 13 bộ, ngành phải di dời từ nội đô ra khu vực Mễ Trì, Tây Hồ Tây và mọi phương án đã được tính toán, chỉ còn vấn đề nguồn lực rất khó, trừ một số trường hợp rất đặc biệt, còn lại không thể dùng ngân sách đầu tư công để di dời.