"Vietnam Airlines tăng giá vé thời điểm này là không hợp lý"

09/12/2011 06:56
Tiểu Phương (thực hiện)
(GDVN) - Trong khi các hãng hàng không khác đều có chính sách khuyến mại, giảm giá trong thời điểm gần Tết thì việc VNA tăng giá vé đến 20% khiến NTD ngỡ ngàng.
Những ngày gần Tết, khi nhu cầu đi lại của người tiêu dùng tăng cao, các mặt hàng phục vụ Tết đều tăng giá đột biến, người lao động xa quê lại thêm một nỗi lo khi giá vé hàng không của Vietnam Airlines (VNA) bắt đầu tăng giá từ 15/12.

Phóng viên báo điện tử Giáo Dục Việt Nam
đã có buổi trao đỏi với ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn&Bảo vệ NTD Việt Nam xung quanh vấn đề này.

- PV: Thưa ông, VNA vừa thông báo: kể từ 15/12 tới, hãng sẽ điều chỉnh giá vé máy bay nội địa theo khung giá mới với mức tăng từ 15-20 % tùy theo từng đường bay. Theo ông, đây có phải là thời điểm hợp lý để tăng giá hay không?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Ảnh: Chinhphu.vn)
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Ảnh: Chinhphu.vn)
- Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Có thể thấy, thông tin hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) tăng giá từ 15/12 khiến nhiều người tiêu dùng ngỡ ngàng. Bởi VNA là doanh nghiệp Nhà nước, người tiêu dùng luôn kỳ vọng ở vai trò bình ổn giá cả thị trường của VNA, cũng như của bất cứ doanh nghiệp Nhà nước nào.

Cũng theo thông tin từ báo chí, trong khi VNA (chiếm khoảng 80% thị phần), tăng giá đúng dịp Tết, thì Jetstar Pacific và Vietjet Air khẳng định chưa tăng giá, còn Air Mekong luôn khẳng định mục tiêu của hãng là luôn tạo điều kiện bay cho mọi người và giá vé thấp.

Hơn nữa, VNA tăng giá vé hạng phổ thông lên đến 20%, tức là tăng kịch trần với số đông; còn hạng thương gia chỉ tăng 5%. Đối với người tiêu dùng, việc tăng giá cao như vậy đã là điều bất lợi, lại vào đúng dịp Tết là điều không hợp lý.

- Có người cho rằng: VNA tăng giá vào lúc này chẳng khác gì làm khó người dân, đặc biệt những người lao động xa xứ bởi việc đặt vé tàu hoặc các phương tiện vận tải khác trong thời điểm ngày Tết cận kề cũng rất khó khăn. Quan điểm của ông thế nào, thưa ông?

Tôi nghĩ, không hẳn thế. Dĩ nhiên, VNA sẽ có những lý do của mình về việc tăng giá. Là doanh nghiệp, họ có quyền tăng kịch trần cho phép. Nhưng trong bối cảnh Nhà nước, từ Trung ương đến địa phương, đang tìm mọi biện pháp để ổn định giá cả thị trường, nhất là trước, trong và sau Tết, thì việc tăng giá vé của VNA vào thời điểm này chưa thể hiện tiếng nói chung đó, cũng như chưa có sự chia sẻ với người tiêu dùng.

Tuy máy bay không phải là phương tiện phổ thông, nhưng đi lại bằng máy bay cũng là quyền được lựa chọn của người tiêu dùng.

- Vừa rồi, có thông tin Jetstar Pacific chuyển nhượng 70% cổ phần cho VNA, theo ông, người tiêu dùng được lợi và thiệt hại gì trong phi vụ tái cơ cấu này?

Độc quyền vừa vi phạm Luật cạnh tranh, vừa dẫn đến cửa quyền, kể cả trong giá cả và cung cách phục vụ. Tôi cho rằng, trừ những lĩnh vực thuộc an ninh quốc gia hoặc “quốc kế dân sinh”, Nhà nước phải nắm, còn lại cần khuyến khích cạnh tranh lành mạnh. Từ đó, người tiêu dùng mới có điều kiện để lựa chọn dịch vụ tốt nhất cho mình.

Chính vì vậy việc tái cơ cấu một doanh nghiệp nào đó mà dẫn đến độc quyền, không chỉ người tiêu dùng  mà ngay cả cơ quan quản lý Nhà nước về cạnh tranh với trách nhiệm chống cạnh tranh không lành mạnh cũng sẽ phải lên tiếng.

- Xin cảm ơn ông!

Tiểu Phương (thực hiện)