Với “sức bật” từ kinh tế biển, Hải Phòng hướng tới phát triển bền vững

30/10/2021 14:01
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phát triển cảng biển, phát triển du lịch biển, nuôi trồng thủy sản là một trong những mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của Hải Phòng.

Nằm ở vị trí trọng điểm vùng duyên hải Bắc Bộ, với tiềm lực kinh tế biển vô cùng lớn, những năm qua, Hải Phòng đã tận dụng được nguồn lực, cơ hội để nền kinh tế tăng trưởng cao, phát triển mạnh.

Các Nghị quyết 32-NQ/TW, Nghị quyết 36-NQ/TW và Nghị quyết 45-NQ/TW, Trung ương luôn đặt kinh tế biển chính là trụ cột. Có thể khẳng định chiến lược phát triển kinh tế, trong đó có phát triển kinh tế biển có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế.

Nhắc đến tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế biển của Hải Phòng phải nói đến tổ hợp tài nguyên thiên nhiên, môi trường tự nhiên và vị thế của 4 vùng tự nhiên: Vùng biển đảo Cát Bà – Long Châu; vùng biển đảo Bạch Long Vỹ; vùng biển và cửa sông Bạch Đằng; vùng biển và cửa sông châu thổ Văn Úc – Thái Bình.

Hải Phòng khẳng định vai trò trụ cột của kinh tế biển để thành phố hướng tới phát triển bền vững. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Thành phố Hải Phòng)

Hải Phòng khẳng định vai trò trụ cột của kinh tế biển để thành phố hướng tới phát triển bền vững. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Thành phố Hải Phòng)

Ngày 02/06/2020, Hải Phòng đã ban hành Chương trình hành động số 72-CTr/TW về thực hiện Nghị quyết 36, đưa Hải Phòng trở thành địa phương mạnh về biển, giàu từ biển, là trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước. [1]

Cụ thể, Hải Phòng có 6 ngành, lĩnh vực biển trọng tâm của thành phố cần chú trọng là: Du lịch biển; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và khoáng sản; nuôi trồng và khai thác thủy sản; công nghiệp ven biển; phát triển năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.

Đặc biệt, phát triển hệ thống cảng, dịch vụ cảng và vận tải biển. Hải Phòng phấn đấu trở thành trung tâm dịch vụ hàng hải và vận tải biển lớn của Việt Nam, có vị thế trong khu vực Đông Nam Á; Phát triển công nghiệp biển, các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, phát triển khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải thành trung tâm kinh tế hiện đại của cả nước, là cửa chính mở ra biển, đồng thời, đưa Hải Phòng trở thành trung tâm đóng mới và sửa chữa tàu biển lớn nhất Việt Nam.

Về kinh tế thủy sản, Nghị quyết đề ra mục tiêu xây dựng Hải Phòng là trung tâm giống, khai thác, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản của vùng duyên hải Bắc Bộ. Bên cạnh đó, phát triển du lịch biển trở thành ngành kinh tế chủ lực trong các ngành kinh tế, tạo ra các sản phẩm du lịch mới và dịch vụ cao cấp. Về khoa học – công nghệ và đào tạo, đảm bảo đào tạo đủ nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành, lĩnh vực biển Hải Phòng và cả nước.

Việc điều chỉnh cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ – công nghiệp kinh tế biển cũng là một nhiệm vụ quan trọng, tập trung mạnh mẽ vào các ngành dịch vụ logistics, dịch vụ hàng hải. Để đạt được các mục tiêu này, quyết tâm của thành phố là chuyển từ tăng trưởng chiều rộng sang chiều sâu, quá trình tăng trưởng dựa trên những ngành tham gia mạng sản xuất toàn cầu, tiêu hao ít hơn tài nguyên, năng lượng, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường. Tăng trưởng kinh tế dựa trên sự phát triển của khu kinh tế ven biển hiện đại, khu công nghiệp chuyên sâu.

Để hướng tới phát triển bền vững, thành phố đã chủ động các giải pháp đối phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Tăng cường quản lý kết hợp đổi mới công nghệ để khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, bảo đảm cân bằng sinh thái. Đặc biệt là bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu vực Cát Bà, Bạch Long Vỹ, vùng ven biển, các sông, giữ gìn các tài nguyên không tái tạo như tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước. Thành phố cũng phân định rõ các quy hoạch phát triển các huyện đảo, xây dựng mô hình kinh tế biển của thành phố cũng như các chính sách và khung thực hiện chiến lược biển, mở ra lộ trình vươn ra biển lớn.

Những chiến lược, kế hoạch trên đã vạch ra con đường phát triển kinh tế biển trong tương lai cho Thành phố Hải Phòng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình, hội nhập quốc tế.

Sức bật mạnh mẽ từ phát triển kinh tế biển

Mới đây, Hải Phòng nhận hơn 6,4 nghìn tỷ đồng xây dựng cảng biển. Ngày 27/9/2021, Công ty cổ phần Tập đoàn Hateco đã chính thức được thành phố Hải Phòng cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư “Dự án xây dựng Bến số 5, số 6 Khu bến cảng Lạch Huyện thuộc cảng biển Hải Phòng”. [2]

Đây là dự án đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư thông qua Quyết định số 299/QĐ-TTg ngày 4/3/2021 và cũng là dự án nằm trong danh mục các bến cảng 1A được ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng của Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến 2050

Hải Phòng phấn đấu mục tiêu đến năm 2025, trở thành trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Thành phố Hải Phòng)

Hải Phòng phấn đấu mục tiêu đến năm 2025, trở thành trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Thành phố Hải Phòng)

Cụ thể, Công ty CP Tập đoàn Hateco sẽ đầu tư trên 6.425 tỷ đồng để xây dựng 1 tổ hợp cảng biển để tiếp, nhận và lưu giữ hàng hóa với tổng diện tích gần 50 ha tại khu vực cảng quốc tế Lạch Huyện nằm trên đảo Cát Hải thuộc huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng.

Sự kiện này đã cho thấy “sức hút” đầu tư của kinh tế biển tại Hải Phòng.

Với tầm nhìn xa và có những chiến lược dài hạn trong phát triển kinh tế biển, Hải Phòng đã tạo nên những dấu ấn đặc biệt, thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế trong những năm qua. Theo Cục Thống kê thành phố Hải Phòng, năm 2019 sản lượng hàng hóa qua khu vực này đạt ở mức 130 triệu tấn, nhưng đến năm 2020 con số này đã vượt lên mức gần 143 triệu tấn. Mặc dù đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng xấu đến các hoạt động của nền kinh tế, nhưng trong 8 tháng đầu năm 2021, sản lượng hàng hóa thông qua khu vực cảng biển Hải Phòng vẫn đạt 93,2 triệu tấn, tăng 9,26% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cũng chia sẻ tại buổi Lễ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư “Dự án xây dựng Bến số 5, số 6 Khu bến cảng Lạch Huyện thuộc cảng biển Hải Phòng” rằng, với tiềm năng hiện có, hệ thống cảng biển Hải Phòng đã ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế của mình là 1 mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa của hải trình toàn cầu. [2]

Ðể khai thác lợi thế vùng ven biển, bên cạnh việc đầu tư chiều sâu và mở rộng quy mô các ngành kinh tế biển truyền thống, thời gian qua thành phố Hải Phòng chủ trương xây dựng hành lang đô thị - công nghiệp ven biển, tập trung mở rộng không gian thành phố về phía Ðồ Sơn, khu vực tây - bắc thành phố, Minh Ðức (Thủy Nguyên) và Kiến An, xây dựng một số khu đô thị mới ở bắc Sông Cấm.

Trong năm 2021, kinh tế biển của Hải Phòng đã phát triển với những con số ấn tượng, Sản lượng hàng hóa thông qua cảng tháng 10 năm 2021 ước đạt 13,16 triệu TTQ, tăng 3,61% so với tháng trước và tăng 0,13% so với cùng kỳ năm trước; 10 tháng đầu năm 2021 ước đạt 119,4 triệu TTQ, tăng 7,06% so với cùng kỳ năm 2020.

Sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản tháng 10 năm 2021 ước đạt 16.428,2 tấn, tăng 6,65% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2021, sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản ước đạt 157.717,1 tấn, tăng 3,66% so với cùng kỳ năm trước. [3]

Hải Phòng hôm nay càng vươn lên mạnh mẽ, khẳng định được vai trò trụ cột của kinh tế biển để thành phố hướng tới phát triển bền vững, góp sức cùng cả nước đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế - xã hội theo hướng Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa và hội nhập thế giới.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://baotainguyenmoitruong.vn/kinh-te-bien-la-tru-cot-de-hai-phong-phat-trien-ben-vung-315220.html

[2] https://vneconomy.vn/hai-phong-hut-hon-6-4-nghin-ty-dong-xay-dung-cang-bien.htm

[3] https://thongkehaiphong.gov.vn/thong-tin-kinh-te-xa-hoi/tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-thanh-pho-hai-phong-thang-10-2021-349.html

Phạm Minh