Vụ nổ xe máy: Loạn tin đồn, Honda nên tiến hành thử nghiệm?

09/12/2011 11:47
H.H (tổng hợp)
(GDVN) - Trước những nghi vấn trái chiều về nguyên nhân vụ nổ chiếc xe Dream, nên chăng Honda làm một cuộc thử nghiệm để làm rõ những lý giải trên?
Sau thông tin từ Viện Khoa học hình sự: Vụ chiếc xe Dream của hãng Honda bị nổ tại TP.Bắc Ninh ngày 2/12 không phải do bị gài bom, mọi nghi vấn của dư luận tập trung vào khả năng xe Honda có thể lỗi kỹ thuật và điều này không khác gì "quả bom" đối với người tiêu dùng Việt Nam, vốn luôn xem Honda là "lựa chọn số 1" khi mua sắm xe máy.

Trước hàng loạt những lý giải của các kỹ sư, chuyên gia kĩ thuật xung quanh việc tìm nguyên nhân gây nổ của chiếc xe nhưng vẫn chưa có được câu giải thích hợp lý cuối cùng, không ít khách hàng của Honda đặt vấn đề: "Nên chăng Honda làm một cuộc thử nghiệm kiểm chứng sức công phá của vụ nổ xe máy, từ đó đưa ra những cái nhìn khách quan hơn?".

Dưới đây là những lý giải trái chiều về nguyên nhân vụ nổ xe máy tại Bắc Ninh:


Nổ xe Honda chỉ có thể do... bình xăng

Theo Petrotimes, một giảng viên đại học có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy về kỹ thuật máy móc cho rằng, việc cháy xe máy có thể xảy ra ở một số bộ phận nhưng để gây ra một tiếng nổ lớn và có sức công phá khủng khiếp như vụ nổ xe máy ở Bắc Ninh, chỉ có thể là xuất phát từ bình xăng.

Đồng tình với ý kiến này, kỹ sư Lê Văn Tạch – người từng phát hiện ra hàng loạt lỗi kỹ thuật trên một số dòng xe của Toyota khi trao đổi với pv VTC News cũng khẳng định: Nếu không có tác động từ bên ngoài, thì việc một chiếc xe máy tự phát nổ như vậy chỉ có thể là do bình xăng và nguồn dẫn nổ ở đây chính là vòi dẫn xăng.
Chiếc xe Honda Dream hoàn toàn biến dạng sau vụ nổ kinh hoàng.
Chiếc xe Honda Dream hoàn toàn biến dạng sau vụ nổ kinh hoàng.
Theo kỹ sư Tạch, trong quá trình chế tạo xe máy, các hệ thống dây dẫn điện được nhà sản xuất thiết kế bó lại với nhau và đặt chạy theo khung dưới ngay phía trên máy. Vòi dẫn xăng tuy không được bó cùng nhưng đều nằm ở vị trí gần nhau

Trong quá trình sử dụng xe, rất có thể bó dây điện này đã bị hở, dẫn đến chập điện đánh lửa gây cháy. Bó dây điện này, khi đã bắt lửa thì sẽ bùng cháy rất nhanh làm lây lan sang vòi dẫn xăng làm bình xăng phát nổ. Nhưng đó là khi bình xăng sắp cạn, vì chỉ khi bình xăng sắp cạn, mới có khoảng không khí phía trong vòi dẫn xăng, tạo ra môi trường cho lửa cháy, dẫn lên phía trên, trong bình xăng khiến khí trong bình bị nén gây nên việc nổ.

Đối với xe máy Honda Dream, việc bố trí hệ thống dây dẫn điện là khá đơn giản v để xảy ra việc bắt lửa như vậy cũng là hi hữu, nhưng không phải là không có khả năng.

Bình xăng không thể nổ chết người?!

Trong khi đó, cũng lý giải về nguyên nhân gây ra vụ nổ xe máy, một kỹ sư khai thác mỏ, từng phụ trách công tác nổ mìn phá đá nhiều năm lại có phản hồi trái ngược với những lý giải trên: “Phát biểu của kỹ sư Tạch đã xem bình xăng như một “quả bom”, ngòi dẫn làm cháy “quả bom” là vòi phun xăng. Lửa theo ngòi dẫn vào đốt cháy xăng trong điều kiện kín hơi làm bình xăng phát nổ gây thảm họa theo tôi là không đúng, kỹ sư Tạch sai rồi”, anh này chia sẻ trên VTC.

Theo anh, “trước hết cần phân biệt 2 hiện tượng nổ: nổ vật lý và nổ hóa học. Khi ta bơm một bánh xe căng quá, bánh xe phát nổ, ấy là nổ vật lý. Khi ta châm ngòi một quả mìn cho phát nổ, ấy là nổ hóa học.

Nổ vật lý thì không xảy ra phản ứng hóa học nào, năng lượng rất yếu, còn nổ hóa học thì bắt buộc phải xảy ra phản ứng hóa học và chỉ có nổ hóa học mới có năng lượng mãnh liệt.

Theo người thợ này, trong chiếc xe gắn máy không có thứ gì khác có thể gây nên một phản ứng cháy - nổ nữa. “Tôi vẫn nghiêng về giả thuyết vật liệu nổ được đưa từ bên ngoài vào. Với vật liệu nổ thể lỏng, không phải dễ dàng nhận ra sự có mặt của nó sau vụ nổ", anh kết luận.

Nổ xe máy: Do ắc qui!
Cũng đề cập đến nguyên nhân vụ nổ, ngày 6/12, Đại tá Hà Văn San - Trưởng phòng giám định kỹ thuật pháp lý, Viện khoa học hình sự, Bộ công an chia sẻ với PV Bưu điện Việt Nam: "Sau khi vụ nổ xảy ra chúng tôi đã cử các giám định viên có kinh nghiệm khám hiện trường phương tiện và thu thập các dấu vết. Bước đầu xác định vị trí nổ bình ắc quy tiếp giáp với bình xăng. Chúng tôi cũng đã sử dụng máy xác định thuốc nổ để 'rà' tại hiện trường nhưng không phát hiện có dấu vết thuốc nổ". Trao đổi với PV Petrotimes, một thợ sửa chữa xe máy có thâm niên gần 20 năm trong nghề cho biết, một trong những khả năng nổ có thể là tại vị trí bình ắc quy. Bởi vì khi tụ sạc ở bình ắc quy bị hỏng, sẽ dẫn đến dòng điện vào ắc quy rất lớn, khi đó sẽ làm nở các tấm cực, dẫn đến thay đổi kích thước của bình và phát nổ. Thế nhưng, “cho dù bình ắc quy có bị phát nổ thì cũng không thể gây ra việc nổ bình xăng hoặc gây sát thương lớn được” – người thợ sửa chữa này nhấn mạnh. Mặc dù các cơ quan chức năng đang nỗ lực đi tìm lời câu trả lời thỏa đáng để "vén màn bí mật" vụ nổ xe máy, nhưng trước những thông tin trái chiều và một khi kết luận chính thức vẫn chưa được đưa ra thì người sử dụng xe máy, đặc biệt là xe Honda, vẫn luôn phải sống trong cảnh hoang mang, lo sợ.
Mới đây, anh Hoàng Minh Thái (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội), gửi thư đến báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, bày tỏ sự lo lắng : "Cả gia đình tôi hiện đang sở hữu đến 3 chiếc xe của Honda, trong đó có một chiến Super Dream. Vụ nổ xe ở Bắc Ninh đến bây giờ vẫn là nỗi ám ánh với tôi, mỗi khi dắt xe nổ máy đi làm. Tôi nghĩ, nên chăng Honda cần làm một cuộc thử nghiệm để kiểm chứng những lý giải của chuyên gia nhằm sớm đưa ra câu trả lời hợp lý, giúp những người đang sử dụng xe máy như chúng tôi yên tâm hơn?".
H.H (tổng hợp)