Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có thiên thời, địa lợi, nhân hòa

31/05/2020 06:09
Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngày 30/5, tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Thủ tướng đã chủ trì Hội nghị làm việc với các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm (kinh tế trọng điểm) phía Nam.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng;

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Quang cảnh buổi lễ. Ảnh: VGP

Quang cảnh buổi lễ. Ảnh: VGP

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đề cập nguyên nhân của thắng lợi bước đầu quan trọng trong phòng chống COVID-19, Thủ tướng nhấn mạnh chúng ta có quyết sách đúng, kịp thời, đi trước.

Đồng thời chúng ta thực hiện mục tiêu kép: kiên quyết chống dịch, bảo vệ sức khỏe người dân và không để đổ gãy nền kinh tế.

Do đó, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, kinh tế Việt Nam quý I vẫn tăng trưởng khoảng 4% và tháng 5 tình hình tốt hơn.

Với vai trò quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, chiếm 42% GDP cả nước, 42% thu ngân sách, Thủ tướng đề nghị các địa phương trong vùng đóng góp ý kiến tâm huyết của mình để Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các bộ, ngành đưa ra quyết sách đúng, có lối đi, cách làm tốt hơn.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng mong muốn các nhà khoa học, các doanh nghiệp góp ý để định hướng phát triển, chủ trương, biện pháp sát thực tiễn, có cơ sở khoa học.

Nêu rõ Việt Nam có nền tảng quan trọng để phát triển như giữ ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta đang tập trung sức lực vượt khó, đặc biệt là tập trung xây dựng tầm nhìn Việt Nam hùng cường vào năm 2045.

Thủ tướng dẫn lại nhận định mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) rằng Việt Nam đang ở ngã ba đường khi các động lực tăng trưởng truyền thống dần suy yếu.

Để đạt mục tiêu nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045, WB gợi ý mô hình phát triển dựa vào năng suất kết hợp với đổi mới sáng tạo với phát triển cân bằng, phân bổ hiệu quả vốn tư nhân và Nhà nước, vốn nhân lực và vốn tự nhiên, Việt Nam cần tập trung tính năng động cho doanh nghiệp, cải thiện tính hiệu quả và bền vững của cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nghề, quản lý hiệu quả tài nguyên.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng âm, Việt Nam phải phấn đấu cao hơn, Thủ tướng đặt vấn đề, vậy 8 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam năng động, nhiều tiềm năng có phấn đấu vượt mức hoặc bằng mức kế hoạch Nhà nước đã giao hay không.

Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu đề xuất một số giải pháp để thực hiện tốt nhất các chủ trương như giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các gói hỗ trợ mà Chính phủ đã ban hành, những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rào cản cho người dân, doanh nghiệp, bảo đảm hoạt động kinh tế - xã hội thông suốt;

Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương, trong đó đặc biệt chú trọng phát huy các nguồn lực về phát triển cơ sở hạ tầng.

Các đại biểu cần đề xuất giải pháp khai thác, phát huy tốt hơn nữa động lực tăng trưởng mới để thay thế, bù đắp những tác động tiêu cực do đại dịch COVID-19.

Đề nghị các đại biểu đề xuất cơ chế chính sách về kết nối 8 tỉnh, thành phố trong khu vực, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần lắng nghe để có quyết sách sát hơn với thực tiễn, tạo điều kiện cho phát triển.

Tại Hội nghị, đại diện các tỉnh, thành phố trong vùng cam kết hoàn thành chỉ tiêu kinh tế, xã hội của địa phương năm 2020, đồng thời kiến nghị với Thủ tướng nhiều vấn đề.

Lãnh đạo các bộ bày tỏ vui mừng trước quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu năm 2020 của các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khẳng định luôn đồng hành, ủng hộ các địa phương trong quá trình phát triển.

Kết luận Hội nghị, ghi nhận kiến nghị của các tỉnh, thành Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ giải quyết cụ thể từng kiến nghị.

Đề cập ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến thế giới chao đảo, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta vượt muôn vàn khó khăn, thách thức, đã kiểm soát, đẩy lùi được dịch bệnh, không để người dân nào, gia đình nào có vành khăn tang trên đầu vì dịch bệnh.

Đây là thắng lợi bước đầu quan trọng, là thời cơ, làm nền tảng cho sự phát triển nhanh hơn.

Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý không được chủ quan khi hiện nay chưa có vaccine, dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều nước.

Về kinh tế, Thủ tướng bày tỏ trân trọng quyết tâm của các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chưa thay đổi mục tiêu kế hoạch Nhà nước năm 2020.

Vì thế, “Hội nghị này chỉ bàn tiến chứ không bàn lùi”. Điều này có ý nghĩa quan trọng khi đây là Vùng kinh tế trọng điểm lớn nhất cả nước, đóng góp cho Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Trong tương lai gần, đây sẽ là vùng siêu đô thị, có quy mô hàng đầu khu vực Đông Nam Á và cả Đông Á.

“Còn tương lai gần đó là 10 năm, 20 năm hay 30 năm nữa thì đó là ý chí, hành động, sáng tạo của chúng ta”. Một vùng phát triển kinh tế nhưng môi trường sống trong lành, Thủ tướng cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh và 7 tỉnh còn lại sẽ là “bát giác kim cương” ở đây.

Do đó, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ đạt mục tiêu, về đích sớm hơn ít nhất 10 năm trong mục tiêu Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, tức là trở thành một vùng hùng cường vào năm 2035.

Vì thế, theo Thủ tướng, cả vùng phải đoàn kết, cùng nhau nắm tay cùng phát triển trong một tầm nhìn mới, một ý chí, nghị lực, khát vọng của từng cá nhân lãnh đạo, cá nhân doanh nhân, từng địa phương, dám dấn thân, dám đổi mới sáng tạo, dám chịu trách nhiệm với sự phát triển của đất nước.

Thủ tướng nêu rõ, vùng có thiên thời, địa lợi, nhân hòa.

Về các kiến nghị, đề xuất của các địa phương trong vùng, Thủ tướng giao các cơ quan nghiên cứu đề án về cơ chế đặc thù cho vùng kinh tế trọng điểm, trong đó có Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, bao gồm vấn đề ngân sách.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu một gói hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Trung ương để hỗ trợ các địa phương đầu tư sớm một số công trình hạ tầng giao thông kết nối quan trọng, cấp bách.

Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu các giải pháp để đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ việc tham gia của các tổ chức tín dụng đối với các dự án PPP trong lĩnh vực giao thông, một số dự án quan trọng cấp bách khác.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát dự án cầu Phước An. Ảnh: VGP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát dự án cầu Phước An. Ảnh: VGP

Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu điều chỉnh ngay quy hoạch sử dụng đất để dành đất cho các khu công nghiệp, khu đô thị phù hợp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khu công nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển của các địa phương, của vùng, quốc gia nhằm đón nhận làn sóng đầu tư mới.

Thủ tướng cho rằng, phải chống cho được một số việc, ví dụ như chỉ làm gia công giá trị thấp, tiếp nhận dự án ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của nhân dân, tình trạng thôn tính doanh nghiệp Việt Nam thông qua mua bán, sáp nhập…

Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu đề xuất lập dự án kết nối các loại hình giao thông kết nối các khu công nghiệp, khu kinh tế.

Sáng cùng ngày, Thủ tướng đã đi thị sát khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải, Thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu, dự án cầu Phước An, thăm dự án của Công ty Hyosung (Hàn Quốc) có tổng vốn đầu tư 1,35 tỷ USD, sản xuất hóa chất.

Nhật Minh