Xăng liên tục giảm giá, cước vận tải "đứng yên": Không bình thường!

18/01/2015 09:45
Mai Anh
(GDVN) - "Bộ Tài chính đang thiếu văn bản quy định về việc yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh giá cước vận tải theo giá xăng...", TS Nguyễn Minh Phong cho biết.

Không giảm giá vì chưa có chế tài xử phạt?

Dù cho giá xăng dầu đã giảm rất sâu nhưng giá nhiều hàng hóa, dịch vụ, nhất là cước vận tải chưa giảm. Thực tế này đang đặt ra vai trò quản lý điều hành giá của Bộ Tài chính. 

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng thực trạng này tồn tại từ lâu, đây là điều vô lý trong chính sách điều hành giá bởi trong nghị định, thông tư hướng dẫn xử phạt vi phạm hàng hóa hiện nay còn thiếu quy định xử phạt vi phạm trong việc điều chỉnh giá hàng hóa, giá cước vận tải theo giá xăng. 

Phân tích cụ thể, ông Phong cho biết thực tế khi giá xăng dầu giảm nhưng giá cước vận tải không giảm, trong khi trong quy định hiện nay chỉ có quy định xử phạt cho ba trường hợp: Thứ nhất không khai giá quy định này gần như doanh nghiệp không vi phạm; thứ hai kê khai không đúng quy trình; thứ ba bán vượt giá.

Giá xăng dầu chiếm 40%-50% cơ cấu giá cước vận tải tuy nhiên khi giá xăng dầu giảm giá cước vận tải vẫn chưa giảm tương xứng. Ảnh minh họa.
Giá xăng dầu chiếm 40%-50% cơ cấu giá cước vận tải tuy nhiên khi giá xăng dầu giảm giá cước vận tải vẫn chưa giảm tương xứng. Ảnh minh họa.

“Ba lỗi trên thường doanh nghiệp không vi phạm nên không sợ bị phạt, vì vậy việc Bộ Tài chính phải làm là cần phải có quy định giá cước vận tải phải giảm theo giá xăng dầu”, TS Nguyễn Minh Phong nêu giải pháp. 

Đồng thời theo vị chuyên gia kinh tế này, muốn phạt doanh nghiệp thì Bộ cần phải quy định vào một thời điểm nào đó. Ví dụ từ 1/2/2015, các kê khai giá cũ mất hiệu lực vì không còn hợp lý nữa và đề nghị kê khai lại. 4977564000417

Thêm vào đó tăng mức phạt, hiện nay mức phạt tối đa 35 triệu đồng là quá nhỏ. 

Hiện tượng không bình thường

Đồng quan điểm với TS Nguyễn Minh Phong, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinatas) cho biết, trên thị trường lâu nay diễn ra một hiện tượng không bình thường là khi giá xăng dầu tăng thì cước vận tải và hàng loạt hàng hóa khác tăng theo. Tuy nhiên khi giá xăng dầu giảm, cước vận tải và hàng hóa khác đến nay hầu như không giảm.  

“Một số đơn vị vận tải có giảm giá cước nhưng chưa tương ứng với giá xăng dầu. Người tiêu dùng đã từng gồng mình chia sẻ trước cơn “bão giá” hàng hóa khi xăng dầu tăng giá”, ông Hùng nêu thực trạng. 

Theo Tổng thư kí Vinatas, hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam  ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị, người tiêu dùng đã và đang tích cực ưu tiên dùng hàng Việt Nam để giúp sản xuất trong nước vượt qua khó khăn trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới. Nhưng tính từ đầu năm 2014 đến nay xăng dầu đã giảm đến 13 lần, tổng cộng giảm đến trên 30%, nhưng rất nhiều doanh nghiệp viện dẫn đủ lý do để không giảm giá cước cũng như hàng hóa có liên quan. Thậm chí nhiều mặt hàng rục rịch tăng giá khi tết Nguyên đán sắp đến. 

“Điều đó không chỉ làm cho người tiêu dùng bức xúc mà sẽ tác động tiêu cực đến thị trường và cuối cùng là tới sản xuất, khi chính sách kích cầu bị hạn chế bởi sức mua yếu”, ông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá.  

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản chỉ đạo, cử đoàn kiểm tra. Tuy nhiên hiệu lực, hiệu quả đến đâu thì vẫn còn chờ ở sự chuyển biến cụ thể về giá cả hàng hóa trên thị trường. 

“Ở góc độ tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trước thực trạng giá cả bất hợp lý đó, Vinastas đã nhiều lần lên tiếng trên các báo chí và đã có công văn kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước về giá có biện pháp mạnh hơn để khắc phục tình trạng neo giá bất hợp lý hiện nay”, ông Hùng cho biết thêm.

Trái với phân tích của các chuyên gia, Bộ Tài chính vừa khẳng định những tín hiệu tích cực trên thị trường cước vận tải dưới tác động hạ nhiệt của giá xăng dầu.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, theo biến động giảm giá xăng dầu, giá vé trần máy bay đã giảm 15% so với mức trần trước được quy định từ cuối năm 2011. Giá vé tàu đường sắt tất cả các loại chỗ đã giảm 10%.

Hiện, tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 39,5% đối với vận tải hàng không và chiếm 30% đối với vận tải đường sắt. Bộ Tài chính cho rằng, các mức giảm trên là phù hợp.

Riêng với cước vận tải đường bộ, theo báo cáo của 38/63 địa phương gửi Bộ Tài chính, giá trung bình cước taxi đã giảm từ 0,92%-26,32%, trong đó, phổ biến giảm từ 3-10%. Giá cước xe khách tuyến cố định giảm trung bình từ 3-21,7%, trong đó phổ biến giảm từ 5-10%. Cước vận tải hàng hoá giảm trung bình từ 3-18%. 

Tuy khẳng định giá cước vận tải có giảm nhưng Bộ Tài chính cũng khẳng định mức giảm giữa các doanh nghiệp có sự chênh lệch. Sự chênh lệch này đang đặt ra vấn đề quản lý giá, quản lý cạnh tranh giữa doanh nghiệp.

Mai Anh