Xử lý sai phạm tại các trạm thu phí BOT

02/03/2017 07:00
Ngọc Quang
(GDVN) - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trên thực tế có những đơn vị đầu tư chưa đạt yêu cầu nhưng đã thu phí.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 1/3, vấn đề minh bạch phí BOT và xử lý sai phạm đối với những cá nhân, tổ chức có liên quan đã được đặt ra.

Cụ thể, sau khi có kết quả kiểm toán tại 27 trạm thu phí BOT, có những sai phạm, vậy trách nhiệm trong việc thẩm định thời gian thu phí BOT tại các trạm này thuộc về đơn vị nào? Bài học kinh nghiệm rút ra trong thời gian tới để tiếp tục cấp phép cho các trạm BOT?

Hiện nay có nhiều trạm mà Kiểm toán Nhà nước kể ra là đặt ở những vị trí mà người dân không sử dụng BOT cũng phải trả phí oan. Vậy thì hướng xử lý các trạm như thế này trong thời gian tới như thế nào?

Có một số tuyến đường rất ngắn như Hà Nội-Thái Bình có tới 4-5 trạm thì hướng xử lý như thế nào trong thời gian tới?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - ông Mai Tiến Dũng cho biết, chủ trương của Quốc hội và chủ trương của Chính phủ chỉ đạo cơ quan hữu quan là: Năm 2017 là năm các cơ quan giám sát của Quốc hội, các cơ quan Kiểm toán quan tâm đến vấn đề kiểm tra các dự án BOT.

Trong thực tế, chúng ta đồng ý với ý kiến mà báo chí nêu ra. Ví dụ, quy định một tuyến đường 70 km có 1 trạm thu phí hay ngay cả vấn đề đầu tư bảo đảm các điều kiện liên quan đến việc thu phí đúng như đề án.

"Trong thực tiễn, có những doanh nghiệp làm rất tốt và kiểm soát rất trung thực nhưng cũng có những doanh nghiệp trong quá trình đầu tư chưa đạt yêu cầu nhưng đã thu phí.

Chủ trương của Chính phủ đánh giá những cái được, chưa được, từ đó có sự chấn chỉnh, điều chỉnh trong công tác đầu tư, quản lý và phê duyệt các dự án theo hình thức BOT.

Còn bây giờ đánh giá như thế nào thì phải chờ các cơ quan kiểm toán, các cơ quan giám sát của Quốc hội thì sẽ có câu trả lời. Hiện nay chúng tôi chỉ xin phép được nêu những chủ trương lớn như vậy", ông Dũng cho biết.

Trạm thu phí cầu Hạc (Việt Trì, Phú Thọ) từng bị người dân phản đối quyết liệt. ảnh: VOV.
Trạm thu phí cầu Hạc (Việt Trì, Phú Thọ) từng bị người dân phản đối quyết liệt. ảnh: VOV.

Một trong những nhóm vấn đề Quốc hội thực hiện giám sát trong năm 2017 là việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), xây dựng, chuyển giao (BT) và hợp tác công tư  (PPP) (giao Ủy ban Kinh tế giúp chủ trì về nội dung giám sát).

Đề cập tới vấn đề này, Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) nói: "Theo nguyên tắc thị trường thì đường cao tốc đầu tư BOT thuộc tài sản của nhà đầu tư, ai sử dụng phải trả tiền, nhưng đi đường đó hay không đi thuộc người tiêu dùng là người dân, tùy thuộc vào tiện ích và giá phí hợp lý hay không để họ lựa chọn.

Xử lý sai phạm tại các trạm thu phí BOT ảnh 2

Đề xuất của VEC không công bằng với người dân và doanh nghiệp

Tuy nhiên, nhiều nơi người dân không có sự lựa chọn mà gần như bắt buộc phải đi vì không có con đường nào khác".

Đại biểu Lê Công Nhường (đoàn Bình Định) nêu quan điểm, cần làm rõ việc đầu tư và thu phí, từ đó đề ra giải pháp đầu tư các cơ sở hạ tầng giao thông trong thời gian tới mà không tạo gánh nặng cho người dân cũng như các doanh nghiệp, giảm chi phí cho xã hội.

Từ đó phát triển được vấn đề logistic cũng như doanh nghiệp, ổn định nền kinh tế, khi cần chúng ta sẽ đầu tư những cơ sở hạ tầng khác.

Xử lý sai phạm tại các trạm thu phí BOT ảnh 3

Mời Cục An ninh kinh tế, Tổng cục Thuế giám sát thu phí BOT

Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội thì cho rằng, bất cập dự án BOT giao thông dẫn đến bài học nhãn tiền người dân, phương tiện vận tải chắn trạm thu phí gây ách tắc giao thông, mất trật tự an ninh khư vực trạm thu phí.

“Tuy nhiên nếu không có giải pháp từ gốc dễ thì sẽ kéo theo phản ứng tiêu cực khác, nếu có phản ứng tiêu cực thì ý nghĩa phát triển hạ tầng giao thông thúc đầy phát triển kinh tế trong dự án BOT giao thông không còn”, ông Liên nhận định.

Để giải quyết những bất cập dự án BOT giao thông, phải có cơ quan riêng rẽ đứng ra thanh tra, kiểm tra, giám sát dự án BOT giao thông.

Ông Liên phân tích, các Bộ như Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng đều có thanh tra chuyên ngành tuy nhiên ít nhiều các Bộ này đều tham gia trong vấn đề quyết định chủ trương đầu tư hay phê duyệt dự án. Do đó nếu để lực lượng thanh tra chuyên ngành các Bộ chỉ có thể trên lĩnh vực chuyên môn cụ thể.

“Vấn đề bất cập dự án BOT giao thông là tổng thể dự án từ vốn đầu tư, chi phí đầu tư, yếu tố kỹ thuật dự án, đòi hỏi một cơ quan giám sát toàn diện. Xét khía cạnh đó chỉ Kiểm toán Nhà nước là phù hợp bởi họ không tham gia phê duyệt, cấp phép đầu tư dự án”, ông Liên nhận xét.

Theo đó, ông Liên cho rằng cơ quan kiểm toán nên kiểm toán suất đầu tư, chi phí hợp lý, các ưu đãi đổi đất lấy hạ tầng, chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư. Xác định vốn chủ sở hữu, vốn vay ngân hàng, quyết toán công trình, tỷ lệ lãi suất kinh doanh của nhà đầu tư. 

Kiến nghị xử lý theo pháp luật, nghiêm khắc xử lý những người thi hành công vụ lơ là trách nhiệm để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng điều chỉnh lại cự ly các trạm thu phí, kiên quyết dừng các dự án BOT chưa cấp bách, làm đường cao tốc phải đầu tư xây dựng mới đúng quy chuẩn. Trong hoàn cảnh nào cũng phải có Quốc lộ song song để người dân lựa chọn, đồng thời minh bạch suất đầu tư và vốn chủ sở hữu, đẩy mạnh triển khai sớm thu phí một dừng và không dừng.

Cũng theo ông Liên, cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát các văn bản quy phạm, trước mắt điều chỉnh cự ly các trạm thu phí, dừng ngay dự án BOT giao thông chưa cấp bách; Làm đường cao tốc không được nâng cấp từ đường quốc lộ mà phải xây dựng mới; dự án BOT phải có đường quốc lộ song song không thu phí để người dân được lựa chọn; phải yêu cầu quyết toán xong dự án mới được thu phí tránh việc dự án vừa làm vừa thu phí.

Tháng 11/2016, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, để đảm bảo tính minh bạch và phòng chống tiêu cực, chống thất thu, tránh gian lận trong hoạt động thu phí, Tổng cục báo cáo và đề xuất với Bộ Giao thông vận tải cho phép Tổng cục chủ trì, mời Cục An ninh kinh tế - Bộ Công an, Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính, Cục Thuế các địa phương tham gia Đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động thu phí đối với các trạm thu phí BOT.
Ngọc Quang