Đề xuất của VEC không công bằng với người dân và doanh nghiệp

19/02/2017 10:23
Mai Anh
(GDVN) - Theo ông Bùi Danh Liên đề xuất của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam thiếu tính khoa học và ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Không công bằng với người dân

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa đề xuất với Bộ Giao thông vận tải tăng mức phí gấp đôi đối với các phương tiện di chuyển trên cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây vào giờ cao điểm và dịp lễ, Tết.

VEC cho rằng cách làm này là để hạn chế phương tiện đi vào giờ cao điểm nhằm tránh ùn tắc giao thông.

Đề xuất tăng mức phí gấp đôi đối với các phương tiện di chuyển trên cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây của VEC nhận sự quan tâm lớn của dư luận - ảnh nguồn Zing
Đề xuất tăng mức phí gấp đôi đối với các phương tiện di chuyển trên cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây của VEC nhận sự quan tâm lớn của dư luận - ảnh nguồn Zing

Tuy nhiên theo ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội thì đề xuất của VEC thiếu tính khoa học và không công bằng với người dân.

“Đề xuất của VEC giống với cách hạn chế phương tiện xe cá nhân vào các nội thành, nội thị được áp dụng tại nhiều thành phố lớn ở một số nước trên thế giới.

Tuy nhiên phương pháp này không thể áp dụng với đường cao tốc”, ông Liên cho biết.

Ông Liên phân tích, đường cao tốc được xây dựng nhằm lưu thông hàng hóa, hành khách suốt ngày đêm với thời gian nhanh nhất. Đường cao tốc được khai thác liên tục cả ngày lẫn đêm và cần tạo điều kiện thuận lợi, nên không thể tăng phí gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

“Đường cao tốc phải đảm bảo tính chất liên tục để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách.

Do đó không thể áp dụng phương pháp hạn chế xe, phương tiện bằng việc tăng phí ban ngày, giảm phí ban đêm được”, ông Liên khẳng định.

Mặt khác, ở vị trí doanh nghiệp vận tải ông Liên cho rằng nếu áp dụng tăng mức phí giờ cao điểm, dịp lễ, Tết lên gấp đôi và giảm mức phí khi đi ban đêm là thiếu công bằng với doanh nghiệp và người dân.

Theo ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội thì đề xuất của VEC thiếu tính khoa học - ảnh H.Lực
Theo ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội thì đề xuất của VEC thiếu tính khoa học - ảnh H.Lực

“Tôi cũng đi trên quãng đường đó, chỉ vì công việc yêu cầu tôi phải đi ban ngày, đi vào dịp lễ, Tết mà anh thu tôi gấp đôi số tiền trong khi người khác cũng đi trên quãng đường ấy nhưng do đi ban đêm chỉ phải chịu mức phí ít hơn, như vậy không công bằng”, ông Liên chỉ rõ.

Đề xuất việc tăng mức phí đường cao tốc TP.HCM – Long Thành - Dầu Giây của VEC dựa vào con số thống kê lưu lượng xe qua trạm thu phí.

Cụ thể lưu lượng xe có xu hướng tăng vào 3 ngày cuối tuần là thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật so với các ngày còn lại trong tuần.

Mức tăng trung bình vào ngày cuối tuần khoảng 20% - 30%, đặc biệt là lưu lượng các khung giờ cao điểm, khoảng từ 7h sáng đến 19h tối tăng gấp 2 đến 2,5 lần so với các khung giờ thấp điểm từ 19h tối đến 7h sáng hôm sau.

Nhìn vào con số này, ông Liên cho rằng, mức thu của chủ đầu tư dự án đường cao tốc TP.HCM – Long Thành - Dầu Giây vào giờ cao điểm đã tăng gấp 20% - 30% so với bình thường.

Nếu tăng gấp đôi mức phí tức mức thu về của chủ đầu tư sẽ thành 40% - 60% thậm chí là lớn hơ nữa so với con số thu trung bình hàng ngày.

“Như vậy tăng mức thu người có lợi nhất là chủ đầu tư dự án đường cao tốc TP.HCM – Long Thành - Dầu Giây, còn người dân, doanh nghiệp vận tải thêm gánh nặng”, ông Liên nói.

Đề xuất của VEC không công bằng với người dân và doanh nghiệp ảnh 3

"Đề xuất tăng phí trên cao tốc giờ cao điểm chỉ có lợi cho chủ đầu tư"

Đề xuất của VEC không công bằng với người dân và doanh nghiệp ảnh 4

Đề xuất "lạ" của VEC có chống được ùn tắc hay nhằm tận thu?

Được biết, dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được khởi công xây dựng vào ngày 3/10/2009 với quy mô 4 làn xe trên tổng chiều dài 55,7 km.Chủ đầu tư dự án này là VEC.

Dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với tổng số vốn đầu tư giai đoạn I là 20.630 tỉ đồng từ vốn vay thương mại (OCR) của ADB, ODA và vốn đối ứng của Chính phủ.

Trong đó dự án thành phần I (đoạn An Phú – Vành đai II của thành phố Hồ Chí Minh) thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị, tốc độ thiết kế 80 km/h; quy mô giai đoạn I: 4 làn xe, chiều rộng nền đường 26,5m và 02 làn dừng khẩn cấp. 

Dự án thành phần II (đoạn Vành đai II - Long Thành - Dầu Giây) thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế lên tới 120km/h, riêng cầu Long Thành tốc độ thiết kế 100 km/h; quy mô mặt cắt ngang của tuyến đường này giai đoạn I cũng gồm 4 làn xe, chiều rộng nền đường 27,5m và 02 làn dừng xe khẩn cấp.

Ngày 8/2/2015 cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được thông xe và đưa vào khai thác.

Khó kiểm soát thời gian thu phí hoàn vốn

Theo ông Bùi Danh Liên khi ký hợp đồng xây dựng tuyền đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây bao giờ cũng quy định chi tiết về thời gian thu phí để hoàn vốn.

Do vậy, nếu tăng mức phí sẽ ảnh hưởng đến thời gian quy định thu phí hoàn vốn được tính toàn trước đó. Thí dụ theo hợp đồng mỗi lượt xe anh thu 100, với mức thu đó anh được thu trong 20 năm.

Tuy nhiên nếu tăng gấp đôi tức thu 200 thì liệu thời gian thu có giảm xuống 1 nửa tức 10 năm hay không?.

Cùng với việc khó kiểm soát mức thu phí hoàn vốn, theo ông Bùi Danh Liên khi tăng mức thu phí có thể sẽ dẫn đến việc người dân tránh trạm thu phí, luồn lách vào đường liên huyện, liên xã gây hệ lụy giao thông lớn.

Ông Liên nêu thí dụ, khi cả Quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội – Hải Phòng thu phí, các phương tiện vận tải tìm cách né trạm thu phí trên Quốc lộ 5 bằng cách đi vòng vào tỉnh lộ 391 đi qua huyện Tứ Kỳ (Hải Dương). 

Theo ông Liên do mức phí tăng cao nên phương tiện tìm đường tránh trạm dẫn đến tình hình công tác đảm bảo an toàn giao thông diễn biến phức tạp.

Khi các phương tiện có trọng tải lớn như xe container chạy trên các đường liên xã, liên huyện sẽ ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân hai bên đường, làm hư hỏng kết cấu nền tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

“Rõ ràng những hệ lụy khi tăng phí trên các tuyến đường BOT là rất lớn, ảnh hưởng đến đời sống người dân, doanh nghiệp, gây nên những phản ứng của xã hội”, ông Liên cho biết.

Cũng chung lo lắng về đề xuất của VEC, trước đó trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam TS. Nguyễn Xuân Thủy – Chuyên gia có trên 30 năm nghiên cứu giao thông đô thị cho rằng, để giảm ùn tắc giao thông trên tuyến cao tốc cần giảm bớt trạm thu phí áp dụng công nghệ thu phí một dừng.

“Theo tôi, thay vì sử dụng giải pháp tăng phí BOT thì cần giảm bớt trạm thu phí như trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, áp dụng công nghệ thu phí không dừng; đồng thời mở thêm đường dân sinh, mở đường nối các trung tâm kinh tế, chính trị để người dân có thêm sự lựa chọn khác.

Đó là những biện pháp căn cơ lâu dài, vừa giúp phát triển kết nối kinh tế giữa các địa phương lại không gây khó khăn cho nhu cầu đi lại của người dân”, TS. Thủy nhận định.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, đề xuất của VEC về ý tưởng là tốt nhưng không hợp lý.

Ông Thanh phân tích, ùn tắc giao thông giờ cao điểm xuất phát từ nhu cầu đi lại của người dân.

Nếu tăng mức phí nhưng vì yếu tố công việc người dân vẫn phải đi cuối cùng vấn đề ùn tắc giao thông vẫn không được giải quyết còn người dân lại thêm gánh nặng.

Riêng đối với doanh nghiệp vận tải, ông Thanh cho rằng, dù tăng mức phí nhưng doanh nghiệp vận tải hành khách, vận tải du lịch vẫn phải đi vì dựa vào lốt vận tải được cấp. Tóm lại, không giảm được ùn tắc giao thông.

“Doanh nghiệp vận tải hành khách được cấp lốt ban ngày vào khung giờ đó thì dù tăng phí bao nhiêu doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận, tương tự vận tải du lịch để ngắm cảnh không thể đi ban đêm vì phí rẻ hơn.

Tăng mức phí sẽ tăng chi phí doanh nghiệp, chi phí ấy sẽ bổ lên đầu hành khách, nói cách khác cuối cùng người dân phải chịu”, ông Thanh khẳng định.

Mai Anh