Xuất hiện vàng giả có thể "qua mặt" máy đo chất lượng vàng

10/05/2011 08:08
Loại vàng giả này ngay cả máy đo thông thường cũng... bị nhầm và cho ra kết quả vàng bốn số 9.

Giới đầu tư cũng như người dân có nhu cầu đang “lo sốt vó” vì thông tin mới xuất hiện một loại vàng giả “độc” trên thị trường. Đặc biệt hơn nữa, ngay cả máy đo thông thường cũng... bị nhầm và cho ra kết quả vàng bốn số 9.

Mới đây, các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đã phát hiện một hợp kim giống như vàng. Tuy nhiên, loại hợp kim này mới tồn tại dưới dạng nguyên liệu, được bán cho các nơi sản xuất nữ trang.

Theo đại diện Công ty SJC, đây là một loại hợp kim màu vàng, không có trong bảng tuần hoàn hóa học nên máy đo không phát hiện được.

Giới trong ngành cũng cho biết, hợp kim này tuy có hàm lượng vàng nhưng lại rất thấp. Một vài hộ kinh doanh mua hợp kim này về chế tác thành sản phẩm nữ trang khi phân kim chịu hao hụt rất lớn.

 Vàng giả sẽ gây sóng gió cho thị trường trong nước?
Vàng giả sẽ gây sóng gió cho thị trường trong nước?

Đây không phải là lần đầu tiên “vàng bẩn” xuất hiện ở trong nước. Thời điểm cuối tháng 8 năm ngoái, người dân vừa được dịp xôn xao vì không ít người vớ phải vàng SJC giả. Đây là lúc giá vàng trong nước đang trên đà tăng rất mạnh. Vì thế, ngay sau khi xuất hiện tại TP.HCM, vàng SJC giả đã nhanh chóng được lợi dụng để bán ra với giá cắt cổ và hút rất nhiều khách mua với kỳ vọng “tích trữ, chờ giá tăng”.

Vàng miếng giả loại 1 lượng được làm khá tinh vi, bao bì nhựa giống đến mức người tiêu dùng khó có thể nhận ra. Chi tiết trên miếng vàng giả cũng khá sắc sảo. Vàng giả gây thiệt hại cho người tiêu dùng ở chỗ nó làm từ nguyên liệu vàng 9,5 - 9,7 tuổi. Do vậy nếu so với vàng 10 tuổi của SJC thời điểm đó thì mỗi miếng vàng một lượng, người mua bị thiệt mất 1,45 triệu đồng, đấy là chưa kể do tâm lý, người dân còn đua nhau mua nên thường bị “cắt cổ”.

Ngay lập tức, giới chuyên gia đã phải lên tiếng khuyến cáo người dân. Đồng thời, đại diện của SJC liên tục công khai những chi tiết cụ thể của vàng SJC thật nhằm giúp người tiêu dùng phân biệt với vàng giả. Đây là một việc làm hiếm thấy từ trước đến nay.

Chưa hết, sau “vụ vàng SJC giả” không lâu, đến cuối năm ngoái, người dân lại được một phen “choáng váng” trước thông tin “vàng giả như thật” đang gây chấn động Hong Kong. Nhiều người e ngại vàng giả từ nước này sẽ nhanh chóng tuồn vào thị trường Việt Nam. Tại Hong Kong, hàng trăm ounce vàng giả đã được mua đi bán lại trong suốt một thời gian rất dài mà không ai hay biết gì. Đây là một trong những vụ lừa đảo tinh vi nhất tại thị trường vàng Hồng Kông trong nhiều thập niên. Vụ việc gây “sốc” không chỉ vì quy mô quá lớn, mà do sự tinh vi của nó.

Để sản xuất vàng giả, những kẻ lừa đảo chuyên nghiệp đã dùng vàng thật (chiếm 51% sản phẩm) phủ lên trên một hỗn hợp 7 kim loại, hợp kim gồm osmium, iridium, ruthenium, đồng, niken, sắt và rhodium. Nếu những loại vàng giả xuất hiện tại châu Á trước đây rất dễ bị phát hiện thì loại vàng giả này lại khiến ngay cả những chuyên gia hàng đầu cũng bàng hoàng và không tin nổi.

Thông tin “khủng” này đã khiến người tiêu dùng và giới đầu cơ vàng trong nước rất lo lắng. Tuy các chuyên gia đã khuyến cáo là vàng miếng tại Việt Nam chủ yếu nhập từ Thụy Sĩ, nhưng những người có nhu cầu mua trang sức thì vẫn thực sự “chùn tay” vì e ngại các tay buôn nước ngoài sẽ dùng vàng giả để sản xuất nữ trang, sau đó tuồn sang Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam lại là thị trường tiêu thụ của nữ trang Hong Kong từ trước đến giờ.

Như vậy, thị trường kim loại quý trong nước đang phải đối mặt với vụ “phốt” mới về vàng giả mà nếu như không thận trọng thì cả người dân và doanh nghiệp sẽ phải “ngậm quả đắng”.

Theo Cẩm Thư/Đất Việt