Không ai ép buộc, ông tự đặt ra cho mình "thiên chức" cung cấp quan tài cho những người nghèo khổ trong vùng bị chết. Ông là Đỗ Hữu Triều (SN 1946) ở khu Thạnh Thắng, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, TP Cần Thơ.
Công việc không giống ai
Đến khu Thạnh Thắng hỏi thăm đường vào nhà ông Triều, người dân trong vùng ai cũng biết ông Triều "quan tài". Họ đặt cho ông cái biện danh lạ lùng như vậy là bởi: "Cả ngày ông ấy ở nhà hì hục đóng quan tài mà không đi đâu, vì vậy mà dân ở đây thường gọi ông ấy bằng cái tên trìu mến là Triều "quan tài"".
Vào năm 1999, ấp Thạnh Thắng mở Hòm từ thiện, do một số người cao tuổi đảm trách. Công việc của những thành viên trong Hòm từ thiện là tình nguyện đi quên góp tiền, gạo, áo quan cho những gia đình nghèo trong ấp chẳng may có người chết.
Đến năm 2006, thành viên của hội Hòm từ thiện không còn mấy người, do các cụ tuổi cao sức yếu, người mất người còn nên hội tan rã. Thế nhưng theo thói quen, cứ ai nghèo trong ấp bị chết là người nhà của họ đến nhà ông Triều mặt mày ủ rũ xin đồ tang lễ. "Họ đến xin mà mình không có cho người ta, tôi áy náy lắm. Họ nghèo khổ, chết xuống không có đồ khâm liệm mới tìm đến mình", ông Triều nói.
Ông Triều trang trí hoa văn cho quan tài
Từ suy nghĩ đó mà bắt đầu từ cuối năm 2006, ông Triều một mình đứng ra làm cái chuyện không giống ai là cả ngày ở nhà hì hục đóng quan tài không công cho thiên hạ.
Để có được những chiếc quan tài vuông vức cho những người đến xin, ông Triều phải một thân một mình vận động từ nhiều nguồn khác nhau. Ban đầu ông liên hệ với một số nhà chùa trên TPHCM để xin những cỗ quan tài đã cũ, chưa sử dụng chuyển về Cần Thơ để ông sửa chữa. Đó là những cỗ quan tài đóng theo kiểu lục giác, không phù hợp với kiểu quan tài của người dân địa phương nơi đây. Bởi vậy, ông phải tháo dỡ những chiếc quan tài này ra, đóng lại. Cứ ba chiếc quan tài ở Sài Gòn gửi xuống là ông đóng mới được hai chiếc.
"Cũng may tôi quen một số nhà chùa trên đó, họ biết tôi làm từ thiện nên cứ có là họ chuyển cho tôi, kinh phí vận chuyển nhà chùa chịu, tôi chỉ việc tháo dỡ rồi đóng lại quan tài", ông Triều cho biết.
Thế nhưng, việc nhà chùa cung cấp quan tài chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu của người dân nghèo miệt sông nước. Một số nhà hảo tâm đã quyên góp bằng tiền mặt để ông Triều trực tiếp đi mua gỗ về đóng quan tài. Đây là một công việc nhọc nhằn, vất vả. Không ngại khó, ngại khổ, một mình ông lặn lội khắp nơi trong vùng để chọn mua được loại gỗ tốt nhất về ngâm dưới nước. Trong nhà của ông lúc nào cũng có vài mét khối gỗ, sẵn sàng phục vụ cho việc đóng quan tài.
"Có thời điểm nhiều người đến xin quan tài quá tôi phải làm cật lực, không kể nắng hay mưa", ông Triều chia sẻ. Thấy ông "quan tài" vất vả quá, một số người dân trong xóm, nhất là những người đã có tuổi nhưng vẫn có sức khoẻ đã sang nhà ông giúp sức. Họ cùng ông thực hiện các công đoạn từ xẻ gỗ, đến việc đóng lắp quan tài, rồi trang trí, sơn hoa văn... "Hiện nay có khoảng 5 người hàng xóm giúp đỡ tôi việc đóng quan tài. Tất cả đều tình nguyện mà không một đồng phụ cấp", ông Triều cho biết.
Người nghèo đến xin quan tài
Khi nào chết mới thôi đóng quan tài
Hằng ngày thấy ông vất vả rìu búa đóng quan tài, vợ ông Triều thường động viên an ủi và tự tay pha cho ông những cốc nước chanh đường mát lạnh. Con cái của ông có 4 đứa đều được ăn học đàng hoàng. "Vợ chồng đứa út làm việc ở ngân hàng trên thành phố, tháng nào cũng gửi tiền cho tôi làm từ thiện. Tôi luôn dạy con là phải biết làm ăn lương thiện, có tiền nhưng không được quên người nghèo", ông Triều chia sẻ.
Tiếng lành đồn xa, việc ông Triều cung cấp quan tài miễn phí cho người chết lan rộng khắp vùng. Ông không chỉ cung cấp quan tài miễn phí cho người dân trong ấp mà mở rộng ra khắp các địa phương trong tỉnh Cần Thơ và Hậu Giang.
Trong mấy năm cung cấp miễn phí quan tài cho người chết, ông Triều gặp không ít chuyện bi hài "cười ra nước mắt". Sự việc chiếc quan tài mà ông cung cấp bị nổ tung khi đang khâm liệm xảy ra cách đây độ hơn 2 năm khiến ông nhớ mãi không thể quên và đó là bài học đắt giá để ông rút kinh nghiệm.
Ông nhớ lại, đó là chiếc quan tài đã cũ được nhà chùa hiến tặng. Sau khi mang về ông tu sửa qua loa rồi có người ở huyện Châu Thành (Cần Thơ) đến xin. Khi mang về, đang trong quá trình làm lễ ma chay thì bỗng dưng cỗ quan tài nổ bung ra, xác người lăn lóc ra nền nhà khiến mọi người hoảng loạn. Trong tang gia bối rối, gia đình phải kiếm ngay cỗ quan tài mới thay thế, kèm theo đó là rất nhiều phiền lụy, tiếng xấu bàn tán xôn xao của bà con hàng xóm. "Đấy là sự cố đáng tiếc mà tôi nhớ mãi không quên. Từ lần đó tôi cẩn thận hơn rất nhiều trong việc tháo dỡ và đóng lại quan tài cũ, không thể để xảy ra tình trạng tương tự thêm lần thứ hai", ông Triều thổ lộ.
Còn hồi giữa năm ngoái, khi đó trong nhà còn đúng một cỗ quan tài thì có một người đàn ông trạc 60 tuổi đến xin và được ông Triều đồng ý. Do còn sớm nên ông này ra quán cà phê ngồi đợi xe đến chở. Một hồi sau lại có thêm một người đàn ông cũng trạc tuổi 60 đến xin quan tài và ông Triều đồng ý vì ông tưởng là ông trước đó. Khoảng 20 phút sau khi ngồi uống xong ly cà phê, người đàn ông quay lại nhận quan tài thì đã không còn nữa. Thế là ông đành lủi thủi buồn bã quay bước ra về. "Lúc ấy còn lại đúng một chiếc quan tài, mà tôi lại chủ quan không phân biệt được ông đến trước ông đến sau, cứ ngỡ là một ông nên thành ra nhầm lẫn. Nhìn ông kia lủi thủi bước đi về mà tôi thấy áy náy vô cùng. Từ đó lúc nào tôi cũng phải làm sẵn 2 - 3 chiếc quan tài, không để tình trạng "cháy hàng" xảy ra".
Làm nhiều việc có phúc cho những người xung quanh, nhưng chính bản thân ông Triều cũng đang phải đối diện với bệnh tật. Năm nay ông bước sang tuổi 66, sức khoẻ yếu đi. Vài năm trở lại đây ông mắc thêm bệnh tim mạch, tháng nào cũng phải lên viện thăm khám. Nhưng nhắc đến công việc đóng quan tài làm từ thiện của mình, mắt ông lại sáng lên: "Tôi còn sức thì còn làm, đến khi nào không làm được nữa thì tôi mới chịu cất rìu cất búa", ông Triều quả quyết.
Hiện nay, cơ sở từ thiện của ông lớn mạnh. Những người đến với ông không chỉ xin chiếc quan tài mà nhờ những tấm lòng hảo tâm đóng góp, ông còn cung cấp thêm các đồ liệm cho người nghèo xấu số như vải mùng, cao su, chiếu, mền, đồ liệm vàng, đồ liệm trắng và 15kg gạo.
Theo Lễ Độ (Kiến Thức)