Làng hương trầm ở Huế “chạy” Tết

01/02/2016 07:20
T.LINH - L.CHUNG
(GDVN) - Từ thời điểm này, tại làng nghề hương trầm Thủy Xuân (phường Thủy Xuân, Tp Huế) đã tất bật vào “vụ” để chuẩn bị kịp thời nguồn hàng cung ứng cho thị trường Tết

Làng hương trầm vào “vụ”

Đến Thủy Xuân vào khoảng thời gian này, mọi người dễ dàng bắt gặp không khí lao động tất bật khi làng nghề bước vào “vụ hương”. Đi dọc theo con đường Huyền Trân Công Chúa, hình ảnh những bó chông hương với nhiều màu sắc bắt mắt được mang ra phơi khiến nhiều người cảm thấy thú vị.

Một nghệ nhân đang thực hiện công đoạn nén bột trầm. Ảnh: L.Chung
Một nghệ nhân đang thực hiện công đoạn nén bột trầm. Ảnh: L.Chung

Bà Nguyễn Thị Loan, một người gắn bó với nghề làm hương truyền thống gần 20 năm nay chia sẻ: "Nghề làm hương cũng nhiều vất vả, không phải lúc nào cũng mua may bán đắt. Khoảng thời gian trước tết cũng là lúc làng hương trầm bước vào “vụ” sản xuất lớn nhất trong năm. Nhờ được nhiều nơi biết đến mà việc sản xuất hương trầm thời điểm này cũng gặp nhiều thuận lợi hơn".

Hiện tại làng nghề Thủy Xuân có trên 40 hộ sản xuất hương trầm, tuy nhiên lực lượng đảm nhiệm công việc này chủ yếu vẫn là chị em phụ nữ. Hương sản xuất tại làng nghề Thủy Xuân có đủ mẫu mã và chất lượng khác nhau, phục vụ được cho nhiều đối tượng khách hàng.

Tuy nhiên, điều làm nên tên tuổi của làng nghề này phải kể đến là loại hương trầm khi đốt lên có cái vị dịu nhẹ âm thầm sâu lắng lạ của đất Thần Kinh. Để làm ra được một cây hương trầm có mùi thơm đặc biệt như vậy phải kỳ công qua rất nhiều bước, người làm nghề này cũng đòi hỏi phải là người có tâm và biết chịu khó.

Nghệ nhân Hồ Ngọc Thứ chia sẻ về nghề làm hương trầm tại Thủy Xuân. Ảnh: L.Chung
Nghệ nhân Hồ Ngọc Thứ chia sẻ về nghề làm hương trầm tại Thủy Xuân. Ảnh: L.Chung

Nghệ nhân Hồ Ngọc Thứ, chủ cơ sở sản xuất hương trầm Đạt Thành, một trong năm cơ sở làm hương trầm lớn nhất trên địa bàn cho chúng tôi biết: "Một phần vì quan niệm tâm linh, một phần vì vấn đề sức khỏe mà yêu cầu của người mua hương hiện nay ngày càng cao.

Hương tốt phải là hương trầm thuần túy, đốt cháy đều, có mùi thơm của trầm và không độc hại. Chính cái vị hoang hoải đặc trưng của trầm đã giúp cho làng nghề Thủy Xuân tồn tại được bao đời nay".

Mỗi cây hương trầm có ba phần chính: tăm hương, bột trầm và chất keo. Tăm hương là phần lõi được vót từ ruột tre sau đó mang nhúng vào phẩm màu để tạo chân hương.

Sau khi nhúng phẩm màu, chân hương được mang phơi thật khô đợi nén bột trầm để hình thành một cây hương hoàn chỉnh. Theo các nghệ nhân, nước dùng nhúng chân hương càng nóng thì chân hương có màu càng tươi.

Sau khi nhuộm xong phải mang phơi thật khô thì sau này cây hương mới cháy tốt. Tuy nhiên công đoạn quan trọng nhất phải kể đến là gia công bột trầm và nén bột cho tăm hương.

Sau khi nén bột, hương trầm được mang ra phơi khô thêm một lần nữa. Ảnh: L.Chung
Sau khi nén bột, hương trầm được mang ra phơi khô thêm một lần nữa. Ảnh: L.Chung

Để làm nên mùi hương nhẹ dịu đặc trưng của hương trầm Thủy Xuân, bột trầm đã được các nghệ nhân pha trộn từ nhiều vị thuốc bắc khác nhau như: tùng, trắc, quy đầu, bạch chỉ, hắc hương, hoa hồi, quế chi,.. nhưng không thể thiếu thành phần chủ yếu là trầm.

Mùn cưa dùng để tạo bột trầm cũng phải chọn thật kỹ, tất cả trộn với chất keo làm từ vỏ cây mì lời theo một công thức nhất định tạo thành một hỗn hợp đặc biệt. Tùy vào mỗi gia đình mà tỷ lệ trộn giữa các thành phần cũng khác nhau sẽ cho ra những sản phẩm huơng trầm có chất lượng riêng biệt.

"Khoảng thời gian trước Tết nhiều hộ gia đình phải tăng cường sản xuất đến 9-10 giờ đêm để kịp nguồn hàng. Công việc làm hương trầm tuy vất vả nhưng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều người.

Ngày thường bình quân thu nhập của mỗi người trên 3 triệu đồng/tháng nhưng bước vào vụ sản xuất thì thu nhập khá hơn nhiều. Khi nhu cầu của người dùng càng nhiều, vụ hương vào mỗi dịp cuối năm đã giúp nhiều gia đình có điều kiện đón tết đầy đủ hơn”, bà Loan cho biết thêm.

Những bó chông hương đầy màu sắc được xếp thành bông hoa lớn thu hút sự tò mò của khách du lịch. Ảnh: L.Chung
Những bó chông hương đầy màu sắc được xếp thành bông hoa lớn thu hút sự tò mò của khách du lịch. Ảnh: L.Chung 

Hương trầm – một nét đẹp văn hóa

Hương trầm đối với người Huế nói riêng và người Việt nói chung không đơn thuần chỉ là một đồ vật bình thường, đó còn là một nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh.

Ngày lễ tết, ai ra chợ không mua sắm một vài nén hương về thắp lên bàn thờ tổ tiên. Không chỉ thể hiện tấm lòng thành kính, nén hương còn là sợi dây liên kết đặc biệt thắt chặt mối quan hệ của người còn sống với thế giới tâm linh.

Nghệ nhân Hồ Ngọc Thứ cho biết: "Khi đời sống vật chất ngày càng đầy đủ thì mọi người càng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề tâm linh, nhất là trong các dịp lễ tết.

Đến với làng nghề Thủy Xuân không hiếm khách hàng sẵn sàng bỏ ra tiền triệu chỉ để tìm mua một bó hương trầm thật tốt bởi an tâm về chất lượng và thể hiện được tấm lòng của mình với người đã khuất”.

Những nén trầm chuẩn bị cho ngày Tết Nguyên đán Bính Thân sắp tới. Ảnh: L.Chung
Những nén trầm chuẩn bị cho ngày Tết Nguyên đán Bính Thân sắp tới. Ảnh: L.Chung

Khi con đường lên lăng Tự Đức và đồi Vọng Cảnh ngang qua Thủy Xuân được mở rộng, người dân nơi đây cũng đã biết kết hợp sản xuất hương trầm và làm du lịch. Chân hương ngày trước chỉ nhuộm màu đỏ nay được nhuộm thành nhiều màu sắc khác nhau được bày trí đẹp mắt thu hút sự tò mò của nhiều người.

Cách làm hương truyền thống được giữ lại và phát triển thành một hình thức du lịch trải nghiệm. Nhiều du khách khi đến đây cảm thấy thật sự ấn tượng bởi được tự tay mình làm nên những cây hương đủ màu sắc, được hiểu thêm một nét văn hóa đẹp.

Không ít người khi có dịp quay trở lại Huế phải tìm đến làng Thủy Xuân bằng được chỉ để mua vài bó hương trầm về dùng hoặc làm quà cho người thân. Hương trầm và nghề làm hương phần nào đã giúp cho đời sống của nhiều hộ dân tại Thủy Xuân tốt lên rất nhiều.

Những bó tăm hương nhiều màu được bày trí băt mắt trên con đường Huyền Trân Công Chúa. Ảnh: L.Chung
Những bó tăm hương nhiều màu được bày trí băt mắt trên con đường Huyền Trân Công Chúa. Ảnh: L.Chung

Làng nghề Thủy Xuân bây giờ không chỉ cung cấp nguồn hương phục vụ cho đời sống tâm linh người dân xứ Huế mà còn vươn ra các địa phương khác. Hương thơm sâu lắng của hương trầm Thủy Xuân hôm nay đã len lỏi đến khắp các vùng miền của đất nước.

Dù có phần ưu ái khi được hình thành trên vùng đất của tâm linh, của Phật giáo nhưng không thể phủ nhận rằng, chính hương trầm Thủy Xuân đã tự mình tạo nên một nét văn hóa đặc sắc, khiến cho nhiều người biết đến Huế và yêu Huế hơn.

“Mỗi cây hương trầm được làm ra không chỉ chứa đựng mồ hôi công sức của người làm, đó còn là một nét văn hóa nên đòi hỏi cần phải có cái tâm đối với nghề. Nén hương khi đốt lên phải cháy hết từ đầu đến cuối, tàn hương phải uốn cong, tất cả xuyên suốt như sợi dây nối người sống với thế giới tâm linh vậy.

Nếu làm ra cây hương trầm chỉ vì mục đích lợi nhuận, không gửi gắm được cái tâm của mình vào đó, hương đốt lên mà tắt nửa chừng thì nhất định sẽ không còn ai còn ngoảnh lại với làng nghề nửa”, nghệ nhân Hồ Ngọc Thứ chia sẻ.

T.LINH - L.CHUNG