Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước đang được đưa ra lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14. Trong đó có nội dung quy định thân thế, sự nghiệp lãnh đạo Đảng, Nhà nước thuộc phạm vi bí mật nhà nước tại Điểm C, Khoản 1, Điều 10.
Xung quanh quy định trong dự thảo lần này, nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định thân thế, sự nghiệp lãnh đạo Đảng, nhà nước không nên thuộc diện bí mật.
Bởi, bản thân họ là những tâm gương lớn có tính giáo dục và mang tính thuyết phục nhân dân. Thậm chí cần phải được đẩy mạnh tuyên truyền để nhiều người biết đến.
Ông Phan Xuân Xiểm cho rằng: "Luật phải xây dựng trên tư tưởng phải tạo điều kiện để cho mọi người có điều kiện tiếp cận thông tin, hiểu biết. Nếu không khéo sẽ rơi vào tình trạng bưng bít". |
Chính vì điều này mà không ít ý kiến không đồng tình với quy định này. Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phan Xuân Xiểm – nguyên Hàm vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, xu thế dân chủ, dân trí phát triển thì dân phải được giám sát các hoạt động của các cán bộ, lãnh đạo.
Do đó, cần làm sao tạo điều kiện cho dân hiểu, biết thì mới giám sát được.
Luật phải xây dựng trên tư tưởng phải tạo điều kiện để cho mọi người có điều kiện tiếp cận thông tin, hiểu biết. Nếu không khéo sẽ rơi vào tình trạng bưng bít.
Theo ông Phan Xuân Xiểm, nếu cái gì cũng bí mật thì làm sao dân biết. Mà dân không biết thì làm sao tham gia, giám sát, phản biện được.
Nếu thân thế, sự nghiệp mà bí mật thì lãnh đạo nêu gương bằng cách nào? |
Do đó, theo vị chuyên gia này, cần thiết quy định trong luật sao cho tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin theo tư tưởng của Đảng là: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Đây là tư tưởng lâu nay nên cần thiết phải được cụ thể trong luật này.
Cuối cùng ông Phan Xuân Xiểm nhấn mạnh: “Phải tạo điều kiện cho dân biết về thân thế sự nghiệp của lãnh đạo thì người dân mới có điều kiện tham gia, giám sát. Xu thế thời đại là như vậy”.
Đồng quan điểm với ông Phan Xuân Xiểm, khi trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Bùi Thị An có quan điểm là nên công khai trừ những vấn đề an ninh, quốc phòng.
Theo lập luận của bà An: “Cán bộ của dân thì dân yêu quý, dân yêu mến nên không có gì phải giấu giếm. Càng minh bạch càng nâng cao uy tín của lãnh đạo lên”.
Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải, ông Lê Văn Cuông nguyên Đại biểu Quốc hội đoàn Thanh Hóa cho rằng: “Lãnh đạo là những người mẫu mực về thành tích, đáng được người khác ngưỡng mộ học tập.
Tôi nghĩ, vấn đề này không nên bí mật mà cần công khai, tuyên truyền, giới thiệu để cho người dân người ta học tập, noi theo”.
Để minh chứng ý kiến của mình, ông Cuông lấy minh chứng như lâu nay Bác Hồ hay nhiều lãnh tụ tiền bối của Đảng, nhà nước có những công lao đóng góp.
Cuộc đời, sự nghiệp được các nhà sử học, văn học giới thiệu thông qua các tác phẩm. Các văn nghệ sĩ còn xây dựng hình tượng bằng các tác phẩm văn học, nghệ thuật.
Đó là cách để để cho nhiều người biết đến và noi theo.
Ông Cuông còn cho rằng: “Vừa qua Bộ Chính trị có ban hành Nghị quyết Nêu gương trước hết là các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Chấp hành trung ương.
Nêu gương,thì phải giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp, các thành tích của lãnh đạo để mọi người noi theo.
Chứ xem thân thế, sự nghiệp thuộc diện bí mật thì không còn tác dụng tuyên truyền nữa và quy định như dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước sẽ ảnh hưởng đến các nghị quyết của Đảng trong cuộc sống”.
Theo ông Lê Văn Cuông, nội dung về cuộc đời, sự nghiệp của lãnh đạo Đảng, nhà nước có tác dụng đối với xã hội, có tính giáo dục nêu gương cần phải được công khai, phổ biến để mọi người học tập.