Lãnh đạo Sở vắng mặt, đến trễ, buổi giám sát phải hủy: Làm gì để không tái diễn?

17/04/2022 06:38
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nguyên đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa VII nói rằng, cần phải góp ý, phê bình, rút kinh nghiệm hai Sở đã vắng mặt tại buổi giám sát.

Ngày 14/4/2022, Ban Văn hóa Xã hội – Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phải hủy buổi tái giám sát về một số chế độ chính sách phục vụ công tác phòng chống dịch, hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch Covid-19.

Theo đó, buổi họp diễn ra lúc 8h sáng cùng ngày, nhưng đến 8h30 thì lãnh đạo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã không có mặt (chỉ cử chuyên viên tới dự), còn lãnh đạo Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh khi đến thì cuộc họp đã bị hủy bởi chủ tọa đoàn.

Sở Lao động Thương binh và Xã hội có cử 1 Phó Giám đốc đến tham dự. Theo ông Cao Thanh Bình – Trưởng Ban Văn hóa, Xã hội của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, giám sát là phải ra vấn đề.

Đây là tái giám sát nên cần phải làm rõ nguyên nhân chậm thực hiện, những vướng mắc và khó khăn để có giải pháp tốt, nhưng không có lãnh đạo đơn vị dự thì sao có hiệu quả được, nên đành phải hủy buổi tái giám sát vào sáng ngày 14/4.

Buổi giám sát dự kiến sẽ được thực hiện lại vào chiều ngày 18/4/2022, tại trụ sở của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (đường Lê Thánh Tôn, quận 1).

Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa VII (ảnh: Như Hùng)

Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa VII (ảnh: Như Hùng)

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Ngai – nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố khóa VII cho rằng, hành động của hai Sở nói trên cho thấy họ không coi trọng công tác giám sát, không coi trọng Ban Văn hóa, Xã hội của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Văn Ngai giải thích: Một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của Hội đồng Nhân dân là giám sát, có thể giám sát theo chuyên đề, theo kế hoạch và đều có lịch được thông báo từ trước, chứ không phải là việc giám sát đột xuất.

Qua việc giám sát này có thể thấy ra những việc làm tốt ở cơ sở thì động viên các đơn vị tiếp tục phát huy, duy trì, còn những hạn chế thì trao đổi lại với cơ sở để khắc phục, sửa chữa.

Đồng thời, đoàn giám sát sẽ tham mưu lại với Hội đồng nhân dân những vấn đề có liên quan đến đơn vị mà mình giám sát.

Mỗi Sở, ban ngành đều có các công việc riêng. Tùy vào từng thời điểm đều có các công việc quan trọng khác nhau cần giải quyết.

Chính vì vậy, nếu lãnh đạo không thể đến dự được buổi giám sát, hay cử người phù hợp dự được thì việc tối thiểu nhất là nên có văn bản thông báo, xin phép vắng cho đoàn giám sát biết từ trước.

Văn bản cần nêu có công việc đột xuất, cấp bách cần giải quyết, xin phép vắng mặt có lý do.

“Nếu không làm điều này thì rõ ràng là họ đang không coi trọng công tác giám sát, không coi trọng Ban Văn hóa Xã hội. Đây là một việc làm rất thiếu sót” – ông Nguyễn Văn Ngai khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Ngai cho hay, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hay Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố cần phải có góp ý, phê bình lãnh đạo Sở Y tế, Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, rút kinh nghiệm nghiêm túc để tránh trường hợp tương tự lại tái diễn đối với các đơn vị khác.

Cũng theo ông Ngai, giám sát là một việc làm rất quan trọng của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Công tác giám sát thông thường đều có các chuyên đề, kế hoạch từ trước, dựa trên tình hình cụ thể và đặc điểm của từng ngành.

Các kế hoạch, mục đích của việc giám sát đều phải được Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua, báo trước với cơ sở để họ chuẩn bị cho buổi giám sát này.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam rằng: “Làm thế nào để tăng hiệu quả giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố tại các Sở, ban ngành, quận huyện để những việc như thế sẽ không xảy ra nữa trong tương lai?”

Ông Nguyễn Văn Ngai cho rằng, phía cơ sở phải tôn trọng đơn vị thực hiện giám sát, chuẩn bị chu đáo cho buổi làm việc này.

Phía Ban Văn hóa - Xã hội hay đơn vị thực hiện giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố, đơn vị nào được giao trách nhiệm thì cũng phải chuẩn bị chu đáo cho buổi giám sát. Các ý kiến phát biểu tại buổi làm việc cần phải hết sức cân nhắc, đúng trọng tâm, giúp cho cơ sở thấy được điểm mạnh để phát huy, thấy được điểm yếu hay thiếu sót để khắc phục, cần đưa ra được định hướng cho cơ sở để việc điều hành ngày càng tốt hơn.

Trong khi đó, ông Đặng Văn Khoa - Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa VI, VII cho biết, trong suốt thời gian dài vừa qua, sự phối hợp giữa cơ quan quyền lực nhân dân và ủy ban nhân dân các cấp ngày càng tốt hơn, tôn trọng nhau hơn, nhưng cũng không phải lúc nào cũng trôi chảy.

Sự việc xảy ra vào sáng ngày 14/4 vừa qua, buổi tái giám sát của Ban Văn hóa Xã hội, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phải hủy do lãnh đạo hai Sở là Tài chính, Y tế Thành phố Hồ Chí Minh vắng mặt, đến trễ là sự việc điển hình.

Vẫn còn xảy ra tình trạng cơ quan chức năng cung cấp không đủ tài liệu, cung cấp trễ hay cử thành phần tham dự họp không đúng với trách nhiệm đã là “giọt nước tràn ly”.

Theo ông Đặng Văn Khoa, sự phản ứng của Ban Văn hóa Xã hội hôm đó quyết định hủy cuộc họp là cần thiết.

“Chúng ta làm việc là vì nhân dân là trên hết, giám sát cũng là vì nhân dân. Do đó, tôi mong rằng những sự việc tương tự như vậy không xảy ra trong tương lai nữa”.

Nguyên đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa VI, VII đề nghị, các Sở ban ngành cần phải tôn trọng quyền giám sát của Hội đồng nhân dân, còn các đại biểu thì cũng phải thay đổi từ trong chính mình, thực hiện quyền giám sát như luật quy định hiệu quả và sâu sát hơn.

Sau khi sự việc nói trên xảy ra, ông Đặng Văn Khoa đề nghị, lãnh đạo hai Sở là Tài Chính, Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cần phải bị phê bình, nhắc nhở, để tránh những trường hợp tương tự có thể xảy ra trong tương lai.

Việt Dũng