Yếu trong quản lý
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết 6 tháng đầu năm của Cục Hàng không năm 2014 ghi nhận một con số không mấy vui cho hàng không Việt Nam khi chỉ hết tháng 5/2014, tỷ lệ chậm hủy trên tổng số chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam là 25% trong khi cùng kỳ năm ngoái là 16%.
Ngay chính Cục Hàng không thẳng thắn thừa nhận: "Tình trạng này thực sự gây ảnh hưởng rất lớn đối với chất lượng dịch vụ hành khách”.
Trước thực tỷ lệ chậm hủy chuyến tăng cao đột biến, ngày 11/7 Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức cuộc họp chỉ đạo Cục Hàng không báo cáo trực tiếp với Bộ trưởng Đinh La Thăng về tỷ lệ chậm hủy chuyến ngành hàng không. Đặc biệt người đứng đầu ngành giao thông Việt Nam cũng yêu cầu Cục Hàng không phải nêu ra giải pháp cụ thể.
Tuy nhiên như báo giới đưa tin, thay vì đưa ra giải pháp cụ thể Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh lý giải tỷ lệ chậm chuyến do nguyên nhân khách quan như: Do thời tiết, do khai thác của các hãng hàng không (kỹ thuật, máy bay về muộn, chờ khách…), trang thiết bị dịch vụ của sân bay thiếu, do tắc nghẽn không lưu và các nguyên nhân khác...
Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến sự cố mất điện tại Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh (ACC HCM) và Cơ quan kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất (AACC HCM). Ảnh: Nguyễn Khánh - Tuổi trẻ. |
Có 5 nguyên nhân được Cục Hàng không đưa ra để lý giải cho việc tại sao tỷ lệ chậm hủy chuyến tăng trong 6 tháng đầu năm 2014. Dễ dàng nhận ra trong 5 nguyên nhân đó hầu như công tác quản lý, điều hành chỉ đạo của Cục Hàng không ngoài cuộc và tất cả trách nhiệm được quy về khách quan thời tiết, thiếu cơ sở vật chất và các hàng hàng không.
Trước báo cáo của Cục trưởng Cục Hàng không, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: “Báo cáo của Cục Hàng không chưa làm rõ vấn đề. Các anh chưa nhận ra khuyết điểm của anh, của ngành hàng không thì chưa thể có giải pháp hữu hiệu được”.
Thậm chí Bộ trưởng Đinh La Thăng không ngần ngại chỉ rõ: "Ông Thanh chưa nhận ra được khuyết điểm của mình và ngành Hàng không thì chưa thể có giải pháp được. So sánh phải nhìn lên, thấy người ta hơn mà học hỏi. Còn, một khi tình trạng hàng không như hiện nay mà ông vẫn vui vẻ, vô cảm thì còn chậm còn hủy và rồi hòa cả làng, không ai chịu trách nhiệm”.
Có lẽ chính những chỉ đạo mạnh mẽ của Bộ trưởng Đinh La Thăng nên liên tục các tháng 7, 8 và các tháng cuối năm tỷ lệ chậm hủy chuyến của hàng không liên tục giảm.
Trong khi vấn đề chậm hủy chuyến được khắc phục thì ngành hàng không liên tục có những sự cố khiến dư luận một lần nữa đặt ra vấn đề quản lý về mặt nhà nước của Cục Hàng không và Bộ Giao thông bận tải.
Còn nhớ sau khi xảy ra sự việc máy bay của Hãng hàng không Vietjet hạ cánh nhầm sân bay, Chậm tìm hiểu điều tra sự cố Cục trưởng Lại Xuân Thanh lại phát biểu cho rằng: “Lỗi đầu tiên thuộc về nhân viên khai thác, phòng thủ tục bay, cơ trưởng và tổ bay. Cơ trưởng đã không thực hiện việc hội ý của tổ bay, tức là phải trao đổi với nhau, phân công nhiệm vụ chuyến bay trước chuyến bay, đó là quy định bắt buộc…”.
Tuy nhiên, khi phát biểu kết luận buổi họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: Trách nhiệm đầu tiên của Cục Hàng không chứ không phải Vietjet. Vì sao Vietjet đang trong quá trình bị giám sát, nhưng Cục lại không giám sát chặt?
“Việc không xảy ra tai nạn trong trường hợp này có yếu tố may mắn, nhưng trường hợp máy bay hết xăng giữa chừng sẽ ra sao?”. “Nếu tất cả đều đúng mà vẫn xảy ra hiện tượng này thì tôi cách chức anh Thanh, phải làm rõ nguyên nhân không phải để kỷ luật ai, mà để khắc phục, không lặp lại tình trạng này”, Bộ trưởng Thăng khẳng định.
Sự cố hàng không nghiêm trọng ra tăng
Bên cạnh công tác điều hành kém, một hình ảnh không mấy đẹp của Cục Hàng không năm qua chính là việc Cục trưởng Cục Hàng không lên tiếng phản bác thông tin trên website http://www.sleepinginairports.net khi trang tin này xếp hai Cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất của Việt Nam vào danh sách 10 Cảng hàng không kém nhất năm 2014 tại Châu Á.
Theo Cục Hàng không, việc xếp hạng cảng hàng không thuần túy dựa trên việc bình chọn của người truy cập qua mạng. Trang mạng nêu trên không phải của một tổ chức chuyên môn đánh giá về dịch vụ hàng không. Kết quả bình chọn nêu trên chưa phản ánh được đầy đủ, khách quan việc cải thiện chất lượng dịch vụ tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất trong thời gian qua.
Ngay sau phát biểu này Bộ trưởng Đinh La Thăng đã lên tiếng phê bình: "Tôi đã trực tiếp phê bình ông Thanh (ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không). Hành khách bình chọn như thế là khách quan. Tôi là người dân, là hành khách đánh giá chứ không liên quan gì đến mạng chính thống hay không".
Trong khi đó góc nhìn thương hiệu, chuyên gia Võ Văn Quang cho rằng: Cục trưởng Cục hàng không phải cảm ơn những đánh giá về sân bay Nội bài và Tân Sơn Nhất. Theo ông Quang cách phản bác của ông Lại Xuân Thanh là thiếu cầu thị, không nhận ra yếu kém của mình.
Một con số khác để chỉ ra công tác điều hành chỉ đạo còn yếu của Cục Hàng không. Theo đánh giá năm 2014, ngành hàng không Việt Nam đã xảy ra 311 sự cố với nhiều mức độ, tăng 129 vụ so với năm 2013 (tăng xấp xỉ 38,2%). Các sự cố tập trung chủ yếu ở mức độ uy hiếp an toàn (mức D) với 60 vụ, tiếp theo là ở mức sự cố uy hiếp an toàn cao (mức C) với 8 vụ, đặc biệt sự cố nghiêm trọng (mức B) với 3 vụ.
Không thể phủ nhận nguyên nhân sự cố xuất phát từ cả công tác điều hành quản lý của các hàng hàng không và các cảng hàng không. Tuy nhiên dường như người ta vẫn thấy có cái gì đó không rõ ràng thiếu minh bạch.
Cụ thể sau sự cố nghiêm trọng như mất điện tại Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh và Cơ quan kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất (AACC Hồ Chí Minh) hay sự cố máy bay VN1266 của Vietnam Airlines bất ngờ giảm áp suất đột ngột uy hiếp an toàn hàng không. Cả hai sự cố này Cục Hàng không cho biết đã tổ chức đoàn điều tra, tuy nhiên từ đó đến nay dư luận không biết kết luận điều tra ra sao, ai phải chịu trách nhiệm? Chính cách làm này khiến dư luận đặt ra vấn đề nếu thành lập tổ điều tra nhưng Cục Hàng không chỉ thực hiện theo kiểu “đóng cửa bảo nhau” thì có lẽ những tồn tại, khiếm khuyết của ngành hàng không sẽ không được giải quyết triệt để.
Cùng với công tác điều hành chỉ đạo được đánh giá là chưa hiệu quả, Cục Hàng không cho thấy góc nhìn thiếu bao quát và chiến lược trong phát triển ngành hàng không. Cụ thể với đề xuất đường bay thẳng dù được cựu phi công Mai Trọng Tuấn đưa ra từ cách đây hơn 20 năm, sau đó TS Trần Đình Bá tiếp tục cụ thể bằng phương pháp tính riêng, tuy nhiên Cục Hàng không liên tục lấy lý do trì hoãn cho rằng không khả thi, kêu khó…
Chỉ đến khi đích thân Bộ trưởng Đinh La Thăng trong nêu vấn đề yêu cầu Cục Hàng không nghiêm túc xem xét, sau đó Cục Hàng không mới triển khai những bước đầu tiên như bay thử nghiệm trong buồng lái giả định. Tuy nhiên để hiện thực đường bay thẳng từ Nội Bài đi Tân Sơn Nhất và ngược lại có lẽ một lần nữa Bộ trưởng Đinh La Thăng phải “xắn tay” chỉ đạo mạnh hơn.
Điểm qua những nét chính ngành hàng không Việt Nam năm 2014 có thể thấy, khi liên tục xảy ra sự cố, nhiều lỗ hổng của ngành hàng không đã bộc lộ rõ, đặc biệt là trong công tác quản lý, điều hành.