Lo ngại trường đại học phải đóng một số ngành vì thiếu giáo sư, phó giáo sư

25/01/2024 06:17
Thảo Ly
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Từ khi NĐ 50/2022/NĐ-CP có hiệu lực, nhiều trường thiếu hụt đội ngũ giáo sư, phó giáo sư cho hoạt động đào tạo sau đại học và nghiên cứu khoa học.

Trước đây, thời gian kéo dài làm việc đối với giảng viên có trình độ tiến sĩ là 5 năm; đối với giảng viên có chức danh phó giáo sư là 7 năm và đối với giảng viên có chức danh giáo sư là 10 năm.

Đến ngày 15/8/2022, khi Nghị định 50/2022/NĐ-CP về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập có hiệu lực, thì viên chức có chức danh giáo sư, phó giáo sư đều có thời gian kéo dài làm việc bằng tiến sĩ, tối đa là 5 năm.

Theo đó, Nghị định 50/2022/NĐ-CP quy định: “Việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức không quá 5 năm (60 tháng), tính từ thời điểm viên chức đủ tuổi nghỉ hưu theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu" (Khoản 2, Điều 3).

Như vậy, thời gian kéo dài làm việc đối với giảng viên có chức danh giáo sư giảm 5 năm, đối với phó giáo sư giảm 2 năm.

Thiếu hụt đội ngũ đào tạo sau đại học

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phạm Đức Chính - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho hay, theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (tháng 12/2021), tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư trên cả nước là 0,89%; tỷ lệ giảng viên có chức danh phó giáo sư là 6,21% trên tổng số giảng viên đại học.

"Tính riêng năm 2023, khi đã áp dụng Nghị định số 50/2022/NĐ-CP, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh giảm 12 giáo sư và 19 phó giáo sư. Điều này tác động đến điều kiện duy trì của 17 ngành, giảm chỉ tiêu tuyển sinh đại học, sau đại học, đặc biệt, ảnh hưởng đến xếp hạng đại học theo chuẩn quốc tế của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh”, thầy Chính chia sẻ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phạm Đức Chính - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh). Ảnh: Thế Đại.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phạm Đức Chính - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh). Ảnh: Thế Đại.

Cũng có ý kiến cho rằng, các giáo sư, phó giáo sư có rất nhiều lựa chọn, nếu không làm việc ở các đơn vị sự nghiệp công lập, có thể chuyển sang đơn vị ngoài công lập để cống hiến, nguồn lực của xã hội vẫn được khai thác và sử dụng. Bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư Phạm Đức Chính nêu quan điểm, việc nhìn nhận và đánh giá như vậy là chưa thấu đáo, chỉ quan tâm phần ngọn của vấn đề mà không giải quyết gốc rễ việc sử dụng đội ngũ chuyên gia đầu ngành của đất nước.

Cơ chế sử dụng giáo sư, phó giáo sư trong đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay bị giới hạn rất nhiều trong việc khai thác hiệu quả nguồn lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu đào tạo trình độ sau đại học trong các cơ sở giáo dục công lập.

Không ít trường đại học công lập có bề dày lịch sử hình thành và phát triển lâu đời rơi vào tình trạng thiếu hụt đội ngũ đào tạo sau đại học, người hướng dẫn luận văn, luận án, dẫn dắt làm nghiên cứu.

Các đơn vị ngoài công lập có thể thu hút lực lượng giáo sư, phó giáo sư phong phú nhưng chỉ tập trung ở những ngành, nghề mà thị trường có nhu cầu cao như: Kinh doanh, Tài chính, Marketing, Ngoại ngữ,…

Điều này dẫn tới việc các giáo sư, phó giáo sư có chuyên môn sâu thuộc ngành đặc thù hoặc các ngành khoa học cơ bản như Triết học, Văn học, Toán học, Vật lý học,… nếu thị trường không có nhu cầu sẽ không được sử dụng, trong khi nhiệt huyết cống hiến của các thầy, cô vừa mới bước vào thời kỳ đỉnh cao.

Đồng thời, thầy Chính cũng cho biết, những vấn đề này dẫn tới hệ lụy cụ thể, thứ nhất là lãng phí trong khai thác các nguồn lực, đội ngũ nhà giáo, nhà nghiên cứu có trình độ cao, chuyên sâu khi đã được đầu tư đào tạo công phu, tốn kém.

Thứ hai, các cơ sở giáo dục dù có uy tín và được xếp thứ hạng cao trong ngành giáo dục vẫn thiếu hụt và khó xây dựng được một đội ngũ chuyên gia đầu ngành ổn định, phục vụ đào tạo bậc cao và nghiên cứu khoa học chuyên sâu.

Bởi, theo quy định hiện hành, thời gian kéo dài làm việc sau nghỉ hưu của giáo sư, phó giáo sư là 5 năm - thời gian này không đủ hấp dẫn các nhà khoa học đầu tư vào các ý tưởng, dự án hướng tới mục tiêu đào tạo và nghiên cứu khoa học chuyên sâu khi đến tuổi nghỉ hưu.

Thứ ba là dẫn tới sự mất cân đối trong việc sử dụng đội ngũ giảng viên giữa các lĩnh vực ngành nghề có ý nghĩa chiến lược quốc gia với các ngành nghề theo nhu cầu thị trường.

Từ đó, sẽ không có đào tạo sau đại học hợp lý theo cấu trúc ngành nghề khoa học, không có sự phát triển các ngành “mũi nhọn”, công nghệ đặc thù, công nghệ nền tảng ở quy mô quốc gia theo định hướng chiến lược.

Thứ tư, khoảng cách giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học sẽ bị nới rộng và khắc sâu thêm. Thực tế cho thấy, người có thành tích công bố nghiên cứu khoa học trong trường đại học tập trung vào nhóm nghiên cứu các giáo sư, phó giáo sư.

Việc giới hạn độ tuổi cống hiến dẫn đến việc giới hạn các thành tích hoạt động nghiên cứu khoa học của các nhóm nghiên cứu; giới hạn các thành tích công bố, xuất bản các ấn phẩm khoa học, công nghệ của các cơ sở giáo dục đại học.

Thêm nữa, với các trường đại học định hướng nghiên cứu, nếu có ít giáo sư, phó giáo sư hoặc không có lực lượng giảng viên này sẽ ảnh hưởng đến việc mở ngành mới, khó hợp tác quốc tế, không thành lập được các nhóm nghiên cứu chuyên sâu, không thu hút được học viên cao học và nghiên cứu sinh tài năng.

Thiếu hụt những vị trí đầu ngành trong nghiên cứu khoa học

Chia sẻ từ thực tế tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư trên tổng số giảng viên của trường giảm đi đáng kể sau khi Nghị định 50/2022/NĐ-CP có hiệu lực.

Đặc biệt, việc giảm thời gian kéo dài công tác của giáo sư, phó giáo sư sau khi đến tuổi nghỉ hưu đã ảnh hưởng đến hoạt động đào tạo của trường, ví dụ như sụt giảm chỉ tiêu tuyển sinh; thiếu giáo sư, phó giáo sư để đáp ứng điều kiện mở ngành đào tạo sau đại học.

Bên cạnh đó, hiện nay việc tuyển mới nhân sự có học vị, học hàm cao còn rất nhiều khó khăn do cơ chế tiền lương còn hạn chế. Vì vậy, việc rút ngắn thời gian kéo dài công tác sau nghỉ hưu của đội ngũ viên chức có học hàm giáo sư, phó giáo sư còn ảnh hưởng đến việc đáp ứng lực lượng giảng dạy cho sinh viên.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: website trường.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: website trường.

Về khía cạnh hoạt động nghiên cứu khoa học của trường, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu nhận định: “Hiện nay, đa số các công trình khoa học có chất lượng cao đều chủ yếu tập trung vào đội ngũ giáo sư, phó giáo sư. Quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn của giáo sư, phó giáo sư tối đa 5 năm, sẽ dẫn đến thiếu hụt về các vị trí nghiên cứu đầu ngành. Đây thực sự là bài toán nan giải".

Cùng quan tâm về nội dung này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Thanh Hà - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, khoản 3 Điều 4, Nghị định 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 về Hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập là điểm mở cho các trường đại học chủ động trong việc thuê, ký hợp đồng lao động, đáp ứng các điều kiện, duy trì hoạt động đào tạo. Cùng với quy định tại điều 5 Nghị định 50/2022/NĐ-CP (Chế độ, chính sách đối với viên chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn) là quy định phù hợp, bình đẳng, nhân văn.

Cụ thể tại khoản 3 Điều 4, Nghị định 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 có nêu các công việc thực hiện hợp đồng:

3. Các công việc chuyên môn, nghiệp vụ thuộc danh mục vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo Phó Giáo sư Đoàn Thanh Hà, Nghị định 50/2022/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15/08/2022 và áp dụng trong thực tiễn chưa dài.

Vì vậy, để đánh giá quy định này có ảnh hưởng tới hoạt động nghiên cứu khoa học ở các trường đại học là điều rất khó. Song, từ thực tế, các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước cũng gặp những khó khăn nhất định.

Đối với Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, kể từ khi Nghị định 50/2022/NĐ-CP có hiệu lực, trường đã xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy chế tổ chức và hoạt động của toàn bộ máy lãnh đạo của nhà trường; quy chế đào tạo ở hệ đại học và sau đại học theo đúng quy định hiện hành.

Trong đó, xây dựng chiến lược quy hoạch đội ngũ giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư bằng cách tuyển dụng các giảng viên có trình độ học vị tiến sĩ theo các ngành đào tạo của trường hiện nay.

Có thể nói, đây là giải pháp thu hút nhân tài cơ bản ở giai đoạn hiện nay, giúp trường giảm thiểu khó khăn trong việc mở ngành đào tạo sau đại học.

Theo nhận định, đội ngũ giáo sư, phó giáo sư là những nhà khoa học đầu ngành, giàu kinh nghiệm, có trình độ chuyên môn cao và càng tuổi cao thì càng có “độ chín” về chuyên môn. Trong khi, ở nhiều nước phát triển cũng không giới hạn độ tuổi công tác của giáo sư.

Thầy Hà cho biết: “Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản quy định về điều kiện mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ cần đảm bảo về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên để thực hiện chương trình đào tạo.

Ở Liên bang Nga, thời gian nghỉ hưu đối với nam là 65 tuổi, nữ là 63 tuổi, trong lĩnh vực giáo dục hoặc y tế, đội ngũ giáo sư, phó giáo sư vẫn được kéo dài tuổi nghỉ hưu và không giới hạn độ tuổi công tác của giáo sư, phó giáo sư. Nghĩa là, trong các lĩnh vực quan trọng đòi hỏi các kỹ năng về mặt xã hội, cảm xúc như y tế, giáo dục,… các giáo sư, phó giáo sư vẫn có “chỗ làm đáng trân trọng”".

Còn Phó Giáo sư Phạm Đức Chính nhận định rằng, đội ngũ nhà giáo có học hàm, học vị cao là sản phẩm của hệ thống giáo dục vận hành theo triết lý học tập suốt đời.

Nhưng để có được đội ngũ giảng viên đủ chuẩn trong giáo dục đại học là cả một quá trình từ tuyển dụng đến đào tạo. Quá trình này hàm chứa nhiều rủi ro, bởi vậy không thể "một sớm một chiều" có ngay một đội ngũ giáo sư đông đảo về số lượng và chuyên sâu về chất lượng.

Quan điểm sử dụng giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư nên được quán triệt dựa trên triết lý giáo dục: học suốt đời, cống hiến suốt đời nếu chính bản thân nhà giáo còn cơ hội, đủ sức khỏe để vươn tới đỉnh cao trong nghề nghiệp.

Trường đại học cần được chủ động được trong việc sử dụng, thu hút đội ngũ

Hiện nay, một số ngành đặc thù, số lượng giáo sư, phó giáo sư được công nhận rất ít, Phó Giáo sư Nguyễn Hữu Hiếu cho rằng, đối với các ngành đặc thù, hầu hết các thầy cô khi đạt được học hàm giáo sư, phó giáo sư thì tuổi đã cao, vì vậy, độ tuổi công tác ở vị trí giáo sư, phó giáo sư thực tế còn rất ngắn. Các thế hệ kế cận cũng không dễ thay thế khi hiện nay tiêu chuẩn xét chức danh giáo sư, phó giáo sư ngày càng khó.

Vì vậy, đối với ngành đặc thù, để đảm bảo khả năng vận hành, Chính phủ cần có cơ chế đặc thù về kéo dài thời gian làm việc cho nhóm đối tượng này.

Nếu áp dụng theo Nghị định 50/2022/NĐ-CP, các trường đào tạo ngành này sẽ gặp nhiều khó khăn, nhiều ngành đối mặt với thực trạng phải đóng ngành đào tạo do thiếu giáo sư, phó giáo sư.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Thanh Hà - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: website trường.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Thanh Hà - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: website trường.

Còn Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ rằng, đối với các ngành đặc thù sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là không đủ điều kiện về tiêu chí đội ngũ giảng viên để mở ngành đào tạo sau đại học theo đúng quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Vì vậy, cần có chính sách thu hút và sử dụng tri thức của các đối tượng này một cách hợp lý và nghiên cứu kéo dài thời gian làm việc cho linh hoạt, phù hợp với thực tiễn.

Để khắc phục những khó khăn trên, thầy Hà đề xuất một số vấn đề cần giải quyết.

Một là, Chính phủ cần có chỉ đạo quyết liệt trong việc thực hiện việc tự chủ đại học. Chỉ khi trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cơ sở giáo dục đại học mới chủ động được trong việc sử dụng, thu hút nhân sự phù hợp cho việc duy trì và phát triển ngành đào tạo.

Hai là, cơ quan quản lý nên giảm sự can thiệp quá sâu vào hoạt động quản trị, điều hành của nhà trường mà nên thực hiện vai trò quản lý nhà nước và thực hiện quản lý thông qua Hội đồng trường.

Ba là, các cơ sở giáo dục nên chủ động xây dựng, đào tạo nguồn lực hợp lý và xem xét phát triển quy mô một cách hợp lý dựa trên thực lực và thế mạnh của trường.

Thảo Ly